(Tổ Quốc) - Bắt 4 cựu lãnh đạo thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Thu hồi hơn 25ha đất đại gia Vinaxuki; Cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết “hồi sinh”… là những tin tức đánh chú ý trong tuần qua.
Bắt 4 cựu lãnh đạo thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
(Nguồn: KTĐT) |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 cựu lãnh đạo thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Các bị can bị khởi tố, gồm: Từ Thành Nghĩa (56 tuổi), cựu Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro (VSP); Võ Quang Huy (57 tuổi), cựu Chánh Kế toán VSP; Đinh Văn Ngọc (45 tuổi), cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Nguyễn Tuấn Hùng (47 tuổi), trưởng Ban Tài chính Tổng Công ty Thăm dò và khai thác Dầu khí (PVEP) về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo Điều 355, Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến việc khởi tố này, tại phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) vào tháng 9/2017, bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank) khai đã chi hàng chục tỷ đồng tiền lãi ngoài trái quy định để "chăm sóc" 4 lãnh đạo công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết “hồi sinh”
Tại phiên giao dịch sáng ngày 22/6, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC tăng 2,52% lên 4.880 đồng/cổ phiếu. Đó là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của mã này sau chuỗi giảm dài trước đó.
Cổ phiếu FLC đã giảm hơn 1,4% trong vòng 1 tuần và giảm gần 4% trong vòng 1 tháng. Mức giảm trong vòng 3 tháng lên tới gần 21% và trong vòng 1 năm là 23%.
Cổ phiếu FLC diễn biến tích cực trong bối cảnh Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu bộ này dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) theo đúng quy định của Luật Đầu tư.
Sếp Viettel ở Tanzania đã được trả tự do
Thông cáo phát đi sáng 22/6 của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội- Viettel cho hay, tòa án đã kết luận ông Lê Văn Đại và Halotel không vi phạm pháp luật hình sự.
Cũng theo kết luận của tòa án thì quy trình quản lý Sim thẻ của Halotel và Zantel còn có một số điểm chưa chặt chẽ để đối tượng xấu lợi dụng vì thế Halotel và Zantel bị xử phạt hành chính.
Hiện ông Lê Văn Đại Tổng Giám đốc của Halotel đã được trả tự do và trở về công ty ngay sau khi phiên toà kết thúc.
Trước đó, ngày 6/6, ông Lê Văn Đại – Giám đốc Halotel – Công ty của Viettel tại Tanzania và ông Sherif El Barbary – Giám đốc Công ty viễn thông Zantel – một công ty thuộc Millicom, đã bị toà án Tanzania triệu tập và lưu giữ.
Việc triệu tập này là do chính phủ Tanzania vừa bắt một nhóm người nước ngoài tàng trữ số lượng lớn sim cards và sim box (300.000 SIM) tình nghi là gian lận cước quốc tế trong đó có SIM của 2 nhà mạng Halotel và Zantel.
Ngày 20/6/2018, tòa án Toà Kisutu ở thành phố Dar es Salaam, Tanzania đã xét xử công khai vụ việc này. Tòa án đã kết luận ông Lê Văn Đại và Halotel không vi phạm pháp luật hình sự.
Đại gia 23 tuổi “vượt mặt” bầu Đức là ai?
Mới đây, gần 34,5 triệu cổ phiếu VPB đã được chuyển quyền sở hữu từ Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm sang cho một cá nhân là Nguyễn Mạnh Cường.
Điều đáng chú ý là cá nhân này còn rất trẻ, mới chỉ 23 tuổi, sinh năm 1995 và hiện là Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của Quản lý Đầu tư Tín Tâm.
Với giá đóng cửa của cổ phiếu VPB tại phiên 15/6 (tức ngày diễn ra vụ chuyển quyền sở hữu nói trên), giá trị khối cổ phiếu mà Nguyễn Mạnh Cường nhận chuyển nhượng lên tới trên 1.700 tỷ đồng.
Nguyễn Mạnh Cường tuy còn trẻ nhưng hiện có trong tay khối tài sản khổng lồ, ngang ngửa với những đại gia lừng lẫy trên thị trường như: ông Trương Gia Bình (sở hữu số cổ phiếu FPT trị giá 2.000 tỷ đồng); bà Cao Thị Ngọc Dung (chủ tịch PNJ, 1.780 tỷ đồng); giàu hơn ông Nguyên Đức Kiên - Bầu Kiên (1.580 tỷ đồng); ông Đoàn Nguyên Đức (1.550 tỷ đồng); bà Chu Thị Bình (1.450 tỷ đồng),...
Thu hồi hơn 25ha đất của đại gia Vinaxuki
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định thu hồi 250.452m2 diện tích đất của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa cho thuê tại xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc giao cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định của pháp luật.
Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Công ty Cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng số vốn 1.360 tỷ đồng. Tuy nhiên khi nhà máy đi vào hoạt động năm 2011 thì chỉ sau đó 2 năm, nhà máy bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang cho đến nay.
Chủ tịch công ty Bùi Văn Huyên từng tục đệ đơn kêu cứu lên Thủ tướng và các bộ ngành. Theo ông Huyên, nếu được ngân hàng tái cơ cấu vay vốn, doanh nghiệp chắc chắn có lãi sau 3 năm hoạt động./.
Hà Giang (T/h)