(Tổ Quốc) - Ngày cuối cùng của phiên họp thứ 27, sáng nay (20/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Về sự cần thiết phải sửa đổi, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sau hơn 3 năm thực hiện, một số quy định trong Luật Đầu tư công đã cứng nhắc hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Nguồn: quochoi.vn) |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất quan điểm rằng cần sửa những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư công. Theo Chủ tịch Quốc hội, tờ trình nêu còn có sự lúng túng là đúng, bởi chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế mới, tức từ kế hoạch đầu tư công hàng năm sang trung hạn, nhưng không phải do luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật đầu tư công có khó khăn, nhưng bất cập trong Luật chỉ là một phần, còn phần nhiều hơn do tổ chức thực hiện Luật đầu tư công chưa nghiêm.
“Tôi đồng ý cái cứng nhắc thì rà lại, cái gì thiếu, chưa đồng bộ thì sửa đổi, còn những gì không phải do Luật mà do công tác điều hành thì không sửa”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Lấy ví dụ về sân bay Long Thành, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tính ra từ lúc Quốc hội ban hành công bố quyết định đầu tư đường cao tốc, sân bay Long Thành, sau 8 tháng chưa giao vốn. Giờ sắp hết năm 2018 rồi mà đường cao tốc vừa rồi mới mở ra để đấu thầu. Cái này do giao vốn…”, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng và nhấn mạnh việc vốn ít, không đủ cân đối chứ không phải do luật.
Không phủ nhận việc Luật Đầu tư công còn một số vấn đề bất cập cần sửa nhưng Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng, nếu đổ thừa hết do Luật thì không đúng.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, một trong những yêu cầu quan trọng trong lần sửa đổi này là phải cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đối chiếu với dự thảo luật cho thấy, còn nhiều thủ tục chưa được đơn giản hóa, thậm chí một số quy trình, thủ tục còn phức tạp hơn như quy trình xử lý nguồn vốn ODA; quy trình thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm...
Đối với quy định “dự án đầu tư công khẩn cấp”, đã được mở quá rộng phạm vi so với luật hiện hành. Thường trực ủy ban cho rằng, việc mở rộng phạm vi “Dự án khẩn cấp” là không hợp lý, có thể dẫn đến tình trạng một số dự án không thực sự khẩn cấp sẽ được coi là khẩn cấp và được áp dụng quy trình phê duyệt đặc biệt theo hướng rút gọn, không bảo đảm yêu cầu quản lý, dẫn đến lách luật, không kiểm soát được hiệu quả đầu tư… Do vậy, đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành.
Uỷ ban thẩm tra cũng đề nghị quy định rõ điều kiện để dự án phân chia thành dự án thành phần đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng để tránh trường hợp giải tỏa, đền bù xong không đủ nguồn lực để thực hiện dự án, hoặc thay đổi thành dự án khác, dẫn đến tình trạng “dự án treo”, lãng phí nguồn lực và gây bức xúc trong nhân dân./.
Hà Giang (T/h)