(Tổ Quốc) - Cầu sụt lún nghiêm trọng, chính quyền đã cho xây bờ thành cản hai đầu cầu, nhưng hàng chục học sinh trên địa bàn vẫn bất chấp nguy hiểm qua lại hàng ngày.
Cầu Hà Tân bắc qua một nhánh sông Thu Bồn, nối xã Duy Vinh với trung tâm huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Cầu được đưa vào sử dụng từ năm 1994, với chiều dài khoảng 200m và rộng 3,5m. Cây cầu đã có dấu hiệu xuống cấp từ nhiều năm qua...
Năm 2017, người dân địa phương phát hiện cầu bị sụt lút hơn nửa mét và hư hỏng nặng khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo đó, nhịp số 3 đã bị sụt lún nhưng một số xe có trọng tải nhẹ vẫn qua lại được. Từ 22/10/2017, nhịp số 8 bất ngờ lún sâu khoảng 0.5m và ngày càng lún sâu.
Cũng trong thời gian đó, chính quyền địa phương đã cấm phương tiện qua lại và kiến nghị lên cấp trên để có phương án sửa chữa hoặc xây cầu mới để phục vụ cho việc đi lại của người dân. Sở GTVT Quảng Nam đã chỉ đạo UBND huyện Duy Xuyên tổ chức đóng cầu không cho người và phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc vào ngày 5/10 cho thấy, hai nhịp cầu số 8 và 16 bị sụt lún nghiêm trọng khoảng 0,5m, mặt đường dốc hai bên nhịp bị sụt lún. Hai bên đầu cầu được đổ bê tông để cấm không cho người và phương tiện qua lại.
Tuy nhiên, đến khoảng 11h, hàng chục học sinh Tiểu học đi học về vẫn qua lại đoạn cầu này bất chấp nguy hiểm. Theo đó, đến hai đầu cầu đã đổ bê tông, các em học sinh vác xe qua bờ thành và tiếp tục đi về, bất chấp bảng hiệu cấm đi lại được gắn hai đầu cầu.
Trong năm vừa qua, chính quyền địa phương cũng đã đầu tư làm một cầu tạm bằng gỗ với kinh phí 450 triệu đồng để phục việc đi lại tạm thời của người dân.
Theo người dân địa phương, mặc dù đã có cầu tạm nhưng đi vòng xa, lại có phương tiện qua lại liên tục nên nhiều học sinh vẫn bất chấp để đi học qua cầy cầu sụt lún này.
Cầu tạm được làm cách đó khoảng 200m theo đường sông. Theo quan sát, cầu hẹp và được lát bằng gỗ nhưng phương tiện giao thông qua lại tấp nập mỗi ngày. Nhiều tấm gỗ có dấu hiệu bong tróc, hư hỏng, nhưng đây là đường lưu thông duy nhất của hàng ngàn hộ dân.
Ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, cho biết UBND tỉnh đã có chủ trương xây cầu mới nhưng do điều chỉnh thiết kế nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Kinh phí dự kiến xây cầu mới là 50 tỉ đồng, thực hiện trong năm 2018-2020. Hiện tại, người dân vẫn đi lại trên cầu tạm, và nhiều người còn bất chấp nguy hiểm đi qua cầu Hà Tân đã sụt lún nghiêm trọng.
“Cầu tạm chỉ có thể giúp người dân đi lại trong thời điểm trời nắng, đến tháng mưa lũ thì rất có thể bị cuốn trôi. Tuy nhiên, trước mắt vẫn chỉ tuyên truyền cho học sinh không nên mạo hiểm qua cầu hư hỏng chứ chưa biết sẽ thế nào. Chính quyền và người dân mong muốn có một cây cầu mới để đi lại an toàn” ông Sáu nói.