(Tổ Quốc) - Đây là yêu cầu đặt ra trong Chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa ký ban hành.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, thay mặt Thường vụ Quân ủy Trung ương, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Chỉ thị số 260 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong Quân đội.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, khó lường, đòi hỏi quyết tâm chính trị và sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng và chỉ huy các cấp trong toàn quân xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian này; là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình, theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm cao nhất lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ phòng, chống dịch với tinh thần trong bất luận tình huống nào Quân đội cũng phải sẵn sàng đi đầu trong phòng, chống dịch COVID-19.
Chỉ thị củng yêu cầu các đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về tính chất nguy hiểm và tác hại, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói riêng; phát huy tốt vai trò là lực lượng quan trọng, xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Bên cạnh nỗ lực chống dịch, toàn quân phải quyết tâm thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, nội dung nhiệm vụ đã được xác định của các cơ quan, đơn vị trong nhiệm kỳ này đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ toàn quân lần thứ X đề ra và kế hoạch công tác năm 2020 được xác định tại hội nghị quân chính toàn quân đầu năm; chỉ điều chỉnh về thời gian, phương pháp, mức độ tổ chức thực hiện.
Tập trung nắm chắc tình hình, không để bất ngờ, bị động, đặc biệt là vùng biên giới, vùng biển, vùng trời; sẵn sàng chiến đấu, xử lý tốt mọi tình huống bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Làm tốt công tác vận động quần chúng, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, bảo đảm ổn định chính trị ở các địa phương, địa bàn, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ; chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Quân đội.
Chỉ thị cũng đưa ra yêu cầu: Các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương phối hợp, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác điều hành, điều phối tiếp nhận, vận chuyển, theo dõi, cách ly trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng tăng cường lực lượng của đơn vị tham gia phòng, chống dịch khi được huy động. Huy động sức mạnh của toàn bộ lực lượng vũ trang, bao gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên làm nòng cốt, đi đầu trong phòng, chống dịch.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với các cơ quan chức năng, làm tốt nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở...; ngăn chặn kịp thời dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam.
Lực lượng quân y tiếp tục rà soát, kiện toàn, bổ sung nhân lực, vật tư, trang bị y tế để sẵn sàng ứng phó theo từng cấp độ dịch, nhất là khi cấp có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Chủ động chuẩn bị với khả năng cao nhất các cơ sở điều trị và cách ly người nghi nhiễm; tạo nguồn đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư cho nhiệm vụ phòng, chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch trên từng địa bàn và phạm vi cả nước; không để dịch lây lan vào cơ quan, đơn vị, bảo đảm sức khỏe của bộ đội và nhân dân.
Đến 8h hôm nay, 21/3, thế giới có 275.132 người mắc, 11.377 người tử vong vì nhiễm Covid- 19 ở 184 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam có 91 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1). 1 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2). Việt Nam cũng đã xét nghiệm 15.546 trường hợp cho kết quả âm tính với vi rút Corona chủng mới.