(Tổ Quốc) -Sáng 15/11, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng danh hiệu văn hóa, thực trạng và giải pháp phát huy vai trò hương ước, quy ước.
Nghị quyết Hội nghị lần 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khẳng định, nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là một trong sáu nhiệm vụ để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Nghị quyết đã đề ra nhiều nhiệm vụ, hoạt động. Trong đó, công tác xây dựng gia đình văn hóa bao gồm xây dựng và thực hiện hương ước quy ước nhằm xây dựng con người chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước, gia đình nề nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Còn công tác xây dựng khu dân cư văn hóa nhằm xây dựng cộng đồng dân cư có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú… Việc xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, giữ gìn các giá trị văn hóa…
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương chủ trì Hội thảo. Ảnh: Đình Đạt |
Trong những năm qua, công tác xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước được đánh giá có vị trí, vai trò quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam. Vì thế, công tác này đã nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của đông đảo tầng lớp nhân dân, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội tại mỗi địa phương và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, công tác xây dựng và thức hiện hương ước, quy ước vẫn còn những hạn chế:
Công tác xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa phát triển không đồng đều ở các khu vực, vùng miền; kết quả đạt được thiếu tính bền vững; việc triển khai đăng ký, bình xét, công nhận chưa chặt chẽ, công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết không kịp thời, số lượng hộ gia đình, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa tăng, song chất lượng các danh hiệu văn hóa chưa cao.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đình Đạt |
Hạn chế nữa là việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở một số nơi còn hình thức, coi việc xây dựng hương ước, quy ước để đảm bảo đủ các tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng, không xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương; Nội dung của nhiều bản hương ước, quy ước còn sơ sài, rập khuôn…
Hội thảo đã nhận được trên 30 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý trong cả nước. Nhìn chung các tham luận đã phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn của những mặt tích cực, những hạn chế, yếu kém. Đồng thời đưa ra những nguyên nhân, đánh giá chính xác đâu là nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và kinh nghiệm rút ra trong công tác xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Nhiều đại biểu đại diện cho các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương tham dự Hội thảo cũng phân tích đánh giá nhiều văn bản, chính sách đã ban hành trước yêu cầu thực tiễn cùng các kiến nghị, đề xuất cần sửa đổi, bổ sung… nhằm đưa ra thêm những căn cứ khoa học, các kinh nghiệm trong chỉ đạo và triển khai thực hiện để công tác xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ngày càng có chất lượng, hiệu quả hơn.