(Tổ Quốc) - Những nỗ lực “cưỡi ngựa xem hoa” của Bắc Kinh để giải quyết khoản nợ khổng lồ.
Việc Trung Quốc sở hữu khoản nợ khổng lồ là điều không còn xa lạ với bất kỳ ai. Hồi cuối tháng Năm, vấn đề này lại một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận, khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín Moody’s đã giảm thứ hạng tín nhiệm của Trung Quốc từ Aa3 xuống A1. Đây là lần đầu tiên Moody’s hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc trong gần ba thập kỷ trở lại đây. Năm ngoái, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cũng kêu gọi Bắc Kinh phải “nhanh chóng” giải quyết vấn đề nợ nần của mình.
Kênh CNN chỉ ra bốn điều then chốt liên quan đến khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc.
Nợ dày lên theo năm tháng
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, chính phủ Trung Quốc và các tập đoàn Nhà nước đã vay mượn những khoản tiền lớn, phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư các ngành kinh doanh và thúc đẩy thị trường tài chính.
Việc chi tiêu “phóng khoáng” đã dẫn đến những khoản nợ trong nước lớn, đặc biệt tại các công ty Nhà nước không hoạt động hiệu quả.
Số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế cho thấy, nợ tập đoàn tại Trung Quốc cũng tăng cao, vào khoảng 170% của GDP năm 2016 – gấp đôi mức trung bình so với các nền kinh tế khác. Năm 2008, con số này là 100%.
Bắc Kinh đang cố gắng giải quyết…
Chính phủ Trung Quốc nhận thức được rõ vấn đề của mình. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm giải quyết nợ chính phủ và các khoản nợ ngân hàng xấu. Nước này cũng đã tìm cách giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào mức độ tín nhiệm, như một cách để thúc đẩy tăng trưởng.
Nhiều chuyên gia đánh giá, cần phải làm thêm nhiều việc nữa. Tuy nhiên, một vài tuần gần đây, những nỗ lực của nhà điều hành hướng tới việc thu hẹp các khoản nợ rủi ro cao trong hệ thống tài chính Trung Quốc lại khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
… nhưng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”
Trung Quốc đang áp dụng cách tiếp cận “rất mềm mỏng” đối với vấn đề nợ, để đạt được mục tiêu là giữ tăng trưởng kinh tế ổn định.
Một số nhà kinh tế ủng hộ cho hướng đi này khi cho rằng, những biện pháp quá quyết liệt của chính quyền có thể làm dấy lên một cuộc khủng hoảng tài chính.
Chi Lo, chuyên gia kinh tế cấp cao của BNP Paribas cho biết, quyết định cắt giảm nợ xuống tỷ lệ theo GDP một cách quá vội vã là không hợp lý. “Điều này có thể nghiền nát nền kinh tế trước khi những lợi ích của nó được chứng minh,” ông Lo nhận định.
Trung Quốc sở hữu khoản nợ khổng lồ (ảnh: BBC) |
Mọi thứ còn có thể tồi tệ hơn
Vẫn còn có nhiều biện pháp mà Trung Quốc có thể sử dụng. Một sự lựa chọn là việc chính phủ ra tay giải cứu các ngân hàng; điều này có thể đẩy tỷ lệ nợ Chính phủ từ 55% lên 90% GDP – theo Capital Economics. “Tỷ lệ này tuy cao, nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều chính phủ khác,” Mark Williams – người đứng đầu bộ phận tư vấn chuyên về Trung Quốc của Capital Economics phân tích, “Chính phủ Trung Quốc có nhiều tài sản hơn rất nhiều so với hầu hết các chính phủ khác.”
Ông Chi Lo cũng chỉ ra, Moody’s hạ mức tín nhiệm của Trung Quốc xuống cùng mức với Nhật Bản – một quốc gia khác cũng đang sở hữu khoản nợ chính phủ khổng lồ.
(Theo CNN)