(Tổ Quốc) - Các tỷ phú thế giới đang ngày càng giàu hơn, kiếm thêm 2,5 tỷ USD mỗi ngày, trong khi tài sản của một nửa dân số toàn cầu đang ngày một giảm dần.
Theo báo cáo của Oxfam International công bố ngày 21/1, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ, số lượng tỷ phú đã tăng gần gấp đôi. Và, hiện nay, số lượng tỷ phú trên toàn cầu đang đạt mức kỷ lục là 2.208 người, cùng với số của cải nhiều hơn bao giờ hết.
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, nơi quy tụ những người giàu có và có ảnh hưởng nhất trên Trái đất, một nghiên cứu thường niên dài 106 trang đã được công bố. Bản báo cáo kêu gọi thế giới quan tâm của đến khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của 26 tỷ phú giàu nhất thế giới đạt 1,4 nghìn tỷ USD - tương đương với tổng tài sản của 3,8 tỷ người nghèo nhất.
Nước Mỹ đang có rất nhiều tỷ phú. (Nguồn: CNN)
Trước đó, theo danh sách tỷ phú của Forbes, hầu hết những tỷ phú là người Mỹ. Trong đó, Jeff Bezos của Amazon, Bill Gates của Microsoft, Warren Buffett của Berkshire Hathaway và Mark Zuckerberg của Facebook là những người giàu có nhất và họ hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá lên tới 357 tỷ USD.
Oxfam, đơn vị sử dụng các thống kê của Forbes, khuyến nghị các quốc gia tăng thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp và thuế đánh vào giới siêu giàu. Đồng thời, họ ủng hộ việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, giáo dục và các dịch vụ công cộng khác, cũng như đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Oxfam cũng gợi ý cho các chính phủ nên đầu tư vào các dịch vụ công - bao gồm nước, điện và chăm sóc trẻ em - để cho phụ nữ thêm thời gian và hạn chế số giờ không được trả lương mà họ làm việc.
"Ở nhiều quốc gia, một nền giáo dục tốt hoặc chăm sóc sức khỏe chất lượng đã trở thành một thứ xa xỉ mà chỉ người giàu mới có thể mua được", Oxfam cho biết. "Mỗi ngày, 10.000 người chết vì họ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng."
"Các bé gái phải rời khỏi trường vì không có tiền để trả học phí và những phụ nữ phải mất nhiều giờ làm việc để chăm sóc người thân bị bệnh mà không được trả tiền vì hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém", tổ chức này ước tính rằng "nếu việc chăm sóc người thân được trả lương thì doanh thu hàng năm có thể đạt10 nghìn tỷ USD.
Vấn đề này hiện hữu rõ ràng ở những nơi như Ấn Độ, nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất thế giới. Đất nước này có tỷ lệ lao động nữ thấp nhất thế giới. Dữ liệu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy chỉ 27% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên được phân loại là làm việc hoặc tích cực tìm kiếm việc làm.
Một báo cáo năm ngoái của Viện toàn cầu McKinsey cho biết Ấn Độ có thể tăng thêm 770 tỷ USD cho nền kinh tế của mình bằng cách gia tăng bình đẳng giới, trong khi toàn châu Á có thể tăng GDP lên tới 4,5 nghìn tỷ USD nếu có thêm phụ nữ tham gia lực lượng lao động.