"Báu vật hoàng cung Thăng Long" - Triển lãm cổ vật đặc sắc giữa lòng Hà Nội
(Tổ Quốc) - Lịch sử của mảnh đất Hà Nội dấu yêu ngày càng sáng rõ và đầy đặn qua những khám phá mới của khảo cổ học.
"Báu vật hoàng cung Thăng Long"
Vào ngày 8/9/2022, Hội thảo khoa học Quốc tế "20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội" được khai mạc. Sau khi đánh giá các kết quả nghiên cứu di sản Hoàng thành trong 20 năm, các đại biểu, chuyên gia lẫn nhà khoa học đã tham dự khai mạc trưng bày "Báu vật Hoàng cung Thăng Long" tại Nhà N19 - Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm thực hiện công ước bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (1972 - 2022).
Theo thông tin từ Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Thăng Long - Hà Nội, trưng bày "Báu vật Hoàng cung Thăng Long" giới thiệu tới công chúng những cổ vật đặc sắc nhất được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ 2002 đến nay.
Không gian trưng bày được bố trí 3 không gian từ phía ngoài là một số hiện vật lần đầu ra mắt công chúng như chậu đất nung thời Trần. Không gian còn lại giới thiệu hiện vật thời Lý - Trần, thời Lê sơ, thời Mạc và Lê Trung hưng.
Đồ ngự dụng dành riêng cho nhà vua thời Lê sơ như đĩa hoa lam, bát gốm hoa lam, thành ngoài và trong lòng vẽ rồng vào thế kỷ XV.
Trưng bày mô hình kiến trúc men xanh lục thời Lê sơ vào thế kỷ XV.
Gốm men ngọc minh chứng cho trình độ sản xuất gốm trắng thời Lý đạt đỉnh cao. Đây là loại gốm chất lượng cao, men màu xanh ngọc phổ biến, xương gốm trắng, mịn thể hiện nhiều sự khác biệt với gốm thời Trần.
Trong Hoàng Thành Thăng Long, các chuyên gia cũng nhắc tới phát hiện gốm thời Lý trong Hoàng thành mang đến một ý nghĩa lớn lao. Dòng gốm có màu men quyến rũ, hoa văn kinh điển ấy được chế tác tinh xảo.
Chiếc nắp hộp được tìm thấy này là một trong những tiêu bản đặc sắc. Nắp hộp có đường kính 18,5cm, hình nổi rồng uốn 18 khúc nằm trong vòng tròn ở giữa, xung quanh được bao bọc bởi dải mây hình khánh hoặc văn như ý, diềm ngoài là dải văn có chấm tròn nhỏ. Chính vì được tạo nổi nên men nén đọng không đều tạo nên các mảng màu đậm nhạt khác nhau trông rất sinh động.
Không gian trưng bày "Báu vật Hoàng cung".
Trưng bày độc đáo hơn khi lần đầu tiên được sử dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng lại những hoa văn độc đáo của cổ vật giúp du khách cảm nhận được rõ rệt vẻ đẹp vừa sang vừa quý của đồ gốm cung đình.
Không gian trưng bày được kết hợp giữa động và tĩnh cùng ánh sáng nghệ thuật tạo sự hấp dẫn đưa công chúng về với vẻ đẹp xưa của những "báu vật hoàng cung".
Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa nhân loại
Đi qua nhiều thăng trầm lịch sử, không vùi mình vào quá khứ, Hoàng thành Thăng Long trở thành di tích quan trọng bậc nhất đất Việt và Di sản văn hóa của nhân loại được UNESCO công nhận.
Những trang sử cũ luôn đọng lại giá trị lớn lao đánh dấu các giai đoạn thay đổi, phát triển của đất nước. Giai đoạn năm 2002 - 2003, những phát lộ khảo cổ học dưới lòng đất thành Thăng Long đã mở ra lượng di vật quý giá. Từ đây, bí mật bị thời gian vùi lấp hàng nghìn năm dần được hé lộ. Lịch sử của mảnh đất Hà Nội dấu yêu ngày càng sáng rõ và đầy đặn qua những khám phá mới của khảo cổ học.
Trải qua bao biến cố lịch sử, Thăng Long xưa đã từng phồn thịnh và cũng đã nhạt nhòa trôi dần vào dĩ vãng theo dòng thời gian. Những dấu tích còn sót lại, tuy không nhiều nhưng cũng đủ là chứng nhân của xa xưa, tựa như một hoài niệm đẹp đẽ gợi lại được vẻ đẹp của đất kinh kỳ.
Đất Thăng Long trở thành Kinh đô phồn thịnh kể từ khi Lý Công Uẩn hạ Chiếu dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La, sau đổi tên là Thăng Long.
Từ những năm về sau của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ đã lội ngược quá khứ để tìm lại diện mạo xưa của thành Thăng Long. Mặc dù các dấu vết đã mai một gần hết nhưng khao khát khẳng định nền móng xưa vẫn rực cháy của những người làm nghề lưu giữ văn hóa.
Trong Hoàng Thành Thăng Long, tác giả Nguyễn Trung Tín có nhắc tới cuộc khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu đã phát lộ nhiều phế tích kiến trúc. Dấu vết của một thuở vàng song qua nhiều triều đại là kiến trúc có nhiều không gian như "tòa nhà nhiều gian" với cá "lầu lục giác".
Cột cờ Hà Nội
Cột cờ Hà Nội là công trình nguyên vẹn và hoành tráng bậc nhất trong cụm di tích Hoàng thành. Cột cờ được xây dựng năm 1812 dưới thời vua Gia Long trên phần đất phía Nam của Hoàng thành. Hiện nay, cột cờ nằm trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội.
Trong Con đường di sản, Lê Mã Lương cũng đã nhắc tới Cột cờ Hà Nội với hai chức năng cơ bản là treo cờ và vọng canh. Cột cờ (Kỳ đài xưa) được xây 3 tầng đế và 1 thân cột. Các tầng chồng lên nhau theo hình chóp vuông cụt nhỏ dần. Tầng 1 cao 3,1m có hai thang gạch dẫn lên tầng 2.
Tầng 2 của Cột cờ cao 3,7m gồm 4 cửa. Ngoài cửa Bắc không có chữ đề lên thì cửa hướng Đông đắp hai chữ "Nghênh Húc" - đón ánh sáng ban mai. Cửa hướng Tây đắp hai chữ "Hồi Quang" - ánh sáng phản chiếu. Cửa phía Nam với hai chữ "Hướng Minh" - hướng về ánh sáng.
Ảnh tư liệu: Vào năm 1890, phía trước Cột cờ ngày nay (khu vực đường Điện Biên Phủ và vườn hoa Tượng đài Lenin) là hồ Voi (bị lấp khoảng năm 1897). Đến những năm 1907 -1910, quân Pháp cho dựng doanh trại trên vòng thành của Cột cờ để quan sát.
Tầng 3 Cột cờ cao 5,1m và cửa trông ra hướng Bắc của thành. Từ đây lên có thân Cột cờ cao 18,2m, hình trụ bát nhỏ dần lên trên. Chính vì có chức năng vọng canh nên trong thân cột có 54 bậc cầu thang xoáy trôn ốc lên tận đỉnh.
Thân cột có 39 lỗ hình quạt để lấy ánh sáng và thông thoáng. Lầu bát giác trên đỉnh Cột cờ có 8 cửa sổ tương ứng với 8 cạnh, ở giữa có trụ tròn để cắm cán cờ cao 8m. Kết cấu xây dựng của Cột cờ rất đặc biệt, dù trời mưa to như nào thì nước cũng không chảy vào được trong lòng tháp.
Dưới biến đổi thời gian và bom đạn chiến tranh, Cột cờ Hà Nội vẫn sừng sững đứng vững từ quá khứ đến hiện tại.
Đoan Môn
Đoan Môn là kiến trúc quan trọng của kinh đô thuộc thời Lý-Trần-Lê. Trong Hoàng Thành Thăng Long, Bùi Tuyết Mai sau khi căn cứ vào bản đồ Hồng Đức vẽ năm 1490 và những bản đồ sau đó, có thể hiểu rằng Đoan Môn là cửa mở ở phía Nam Hoàng thành. Đây là cửa chính của Hoàng thành và cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của quốc gia.
Theo Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Thăng Long - Hà Nội, Đoan Môn hiện nay được khởi dựng vào thời Lý và được tu bổ vào thời Nguyễn. Đoan Môn xây kiểu thành cổ với 5 cổng thành dựng cuốn vòm qua "trục chính tâm" của Hoàng thành, vòm giữa chỉ dành cho nhà vua đi.
Ảnh tư liệu: Đoan Môn xưa
Kiến trúc cuốn vòm của Đoan Môn giúp công trình chịu lực tốt, không bị bào mòn nhiều bởi năm tháng. Tầng 2 của Đoan Môn được xây dựng theo lối vọng canh, cửa trổ tỏa các hướng. Sau khi được tu bổ, hình dáng cũng đã ít nhiều đổi khác so với thuở sơ khai.
Cửa cuốn vòm giúp Đoan Môn chịu lực tốt và không bị ảnh hưởng bởi sự bào mòn của thời gian.
Lầu 3 được xây theo lối vọng lâu nóc 2 tầng 8 mái. Các bờ mái được trang trí họa tiết rồng cuốn. Kiến trúc tầng 3 của hiện tại cũng được phục dựng lại ít nhiều nhưng nét xưa vẫn được giữ gìn triệt để.
Điện Kính Thiên
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, điện Kính Thiên xây dựng năm 1428 dưới thời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện dưới thời vua Lê Thánh Tông. Sử cũ ghi lại rằng điện Kính Thiên được xây ngay trên núi Nùng - nền cũ của cung Càn Nguyên - Thiên An thời Lý, Trần.
Điện Kính Thiên là nơi nghị sự quan trọng bậc nhất của triều đình, cũng là nơi thiết triều bàn việc nước và đón tiếp sứ giả nước ngoài tại đây.
Ảnh tư liệu: Điện Kính Thiên xưa
Điện Kính Thiên là kiến trúc gỗ 2 nếp hình chữ Nhị. Điện được xây dựng kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Ngoài các góc đao cong thì bờ mái đều đắp nổi long lưỡng nhật.
Năm 1886, điện bị phá hủy, di tích còn lại thềm bậc và nền điện mà thôi. Nền điện dài 57m, rộng 41,5m và cao 2,3m. Ở mặt trước, thềm điện xây bằng các phiến đá hộp. Thềm bậc có đôi rồng đá chạm khắc từ năm 1467. Có thể nói rằng, rồng đá điện Kính Thiên là tuyệt tác tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ.
Rồng được chạm trổ tinh xảo, đầu to nhô cao, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh được phủ bờm. Mình rồng uốn lượn mềm mại nhờ các vòng cung vuốt nhỏ dần về phía nền điện. Các vây mây trên thân nhấp nhô rất sống động.
Nhà cách mạng D67
Nhà D67 là một công trình kiến trúc quân sự trong kháng chiến chống Mỹ còn tương đối nguyên vẹn. Nhà cách mạng D67 gắn liền với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trường Quân đội Nhân dân Việt Nam từ tháng 9 năm 1968.
Trong di tích Nhà D67 có Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
@trungtambaotondisanthanglonghanoi
Hậu Lâu
Xưa kia, nơi đây được gọi là Tĩnh Bắc Lâu. Tĩnh Bắc Lâu là nơi ở của hoàng hậu và công chúa. Tĩnh Bắc Lâu xây bằng gạch có 3 tầng. Phần mái của Hậu Lâu được xây dựng theo kiến trúc cổ truyền người Việt là mái chồng diêm, các đầu đao được đắp giả ngói.
Tĩnh Bắc Lâu xưa và nay
Cửa Bắc
Cửa Bắc, hay còn gọi là Bắc Môn nằm lặng lẽ trên phố Phan Đình Phùng là cổng thành duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời Nguyễn. Được xây dựng từ 1805, Bắc Môn khởi công theo lối vọng lâu. Phần lầu cũng theo đuổi kiến trúc cổ chồng diêm tám mái, cửa trổ bốn hướng.
Phía ngoài trên cưa thành vẫn còn ba chữ Hán khắc đá: "Chính Bắc Môn" được trang trí hoa dây. Trên lầu hiện tại là nơi phụng thờ hai vị quan Tổng đốc thành Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Hai vị đã tuẫn tiết vì không bảo vệ được thành trước sức công phá của quân Pháp.
Ngày nay, người dân vẫn lên vọng lâu Cửa Bắc để hương khói tưởng nhớ hai vị anh hùng đã anh dũng hy sinh bảo vệ nước nhà. Hậu thế sau này đã nhớ ơn khôn xiết mà đặt tên cho hai con đường chạy song song thành cổ khi xưa là đường Nguyễn Tri Phương và đường Hoàng Diệu.
Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu
Cuộc khai quật quy mô lớn từ năm 2002 đã phát lộ nhiều dấu tích xưa dưới lòng đất của Hoàng thành Hà Nội. Kinh thành thịnh vượng, phồn vinh, tráng lệ trong quá khứ nay chỉ còn lại tàn tích và mảnh vụn. Nhưng đó chính là khởi nguồn để hậu thế tìm về với lịch sử cha ông từ thời dựng nước, giữ nước và phát triển văn minh của người Việt.
Cuộc khai quật khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu được chia làm 4 khu A, B, C, D. Tại mỗi khu vực đều phát hiện được các di tích kiến trúc và di vật quý có niên đại xen lẫn nhau, xếp nếp lên nhau trong nhiều năm. Suốt chiều dài lịch sử hơn 1300 năm, từ thế kỷ VII (Đại La), qua thời Đinh - Tiền lê, Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và Nguyễn, bao sự thay đổi ấy đều tạc vào mảnh đất kinh kỳ và những dấu tích còn lại lùi dần vào lòng đất.
Các di tích còn lại đều được lưu giữ và bảo tồn, quá trình khai quật sẽ chẳng dễ dàng nhưng đó là tiền đề để con cháu bao đời sau trông vọng, học hỏi, tự hào về lịch sử nước nhà.
Những phát tích được tìm thấy tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu
***
Giá trị độc đáo của cụm di tích Hoàng thành Thăng Long thể hiện bề dày của các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh thành. Năm tháng huy hoàng ấy mãi sáng chói trong những trang lịch sử vàng của dân tộc và trong mỗi trái tim con người Việt Nam.
Mỗi một chứng tích còn lại là dấu ấn không phai về chặng đường lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và vận khí của dân tộc. Qua đó, chúng ta cũng sẽ rút ra được bài học về bảo tồn các giá trị cổ xưa và tiếp nối lịch sử hào hùng của ông cha xưa xây dựng một đất nước giàu mạnh về văn hóa, nghệ thuật.