• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Báu vật quốc gia" Nhật Bản tìm cách đưa rối truyền thống vượt bão trong mùa dịch COVID-19

Văn hoá 10/09/2020 17:38

(Tổ Quốc) - Được tôn vinh là "Báu vật Quốc gia Còn sống" của Nhật Bản, nghệ nhân rối Bunkaru Kanjuro Kiritake luôn lo lắng về thế hệ kế thừa bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Phải ngồi nhà trong nhiều tuần, chứng kiến tất cả các buổi biểu diễn liên tục bị hủy bỏ dưới tác động của đại dịch COVID-19, nghệ nhân rối Bunraku nổi tiếng người Nhật Bản Kanjuro Kiritake không giấu nổi sự lo lắng.

Bunraku là một loại hình kịch rối Nhật Bản chỉ do các nam nghệ sỹ biểu diễn và được hình thành vào cuối những năm 1600 tại Osaka. Cũng như nhiều thể loại nghệ thuật truyền thống khác, Bunraku giờ đây cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mai một, thậm chí là biến mất vĩnh viễn.

"Báu vật quốc gia" Nhật Bản tìm cách đưa rối truyền thống vượt bão trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nghệ nhân rối Bunkaru Kanjuro Kiritake đã được Chính phủ Nhật Bản tôn vinh là “Báu vật Quốc gia Còn sống”. Trong ảnh, ông đang trình diễn vở Komochi Yamanba vào ngày 7/9/2020 tại Nhà hát Quốc gia ở thủ đô Tokyo (Reuters)

"Rất nhiều thứ khiến tôi phải suy nghĩ", ông Kanjuro cho biết. "Khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc, khi nào các buổi biểu diễn được khôi phục lại và liệu vị sư phụ 87 tuổi của tôi có thể trình diễn được nữa không?".

Một trong những giải pháp mà nghệ nhân 67 tuổi chọn lựa trong thời gian ở nhà theo các quy định giãn cách xã hội, đó là làm con rối cho trẻ em.

Không có nhiều người lựa chọn trở thành một nghệ sỹ rối Bunraku. Đối với Kanjuro, giấc mơ mà ông đã theo đuổi nhiều thập kỷ là giữ cho loại hình nghệ thuật truyền thống hàng trăm năm tuổi vẫn có thể tiếp tục tồn tại. Trong suốt 17 năm qua, ông đã dạy rối Bunraku tại một trường tiểu học ở Osaka.

Những lớp học gần đây nhất ngay giữa đại dịch COVID-19 đã thu hút gần 30 học sinh tham gia. Lũ trẻ tập luyện diễn rối trong trang phục thể thao giữa tiết trời nóng nực và dưới sự hướng dẫn của chính ông Kanjuro.

"Báu vật quốc gia" Nhật Bản tìm cách đưa rối truyền thống vượt bão trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nghệ nhân Kanjuro tham gia giảng dạy bộ môn rối truyền thống cho các học sinh tại trường tiểu học Kozu, Osaka (ảnh: Reuters)

"Báu vật quốc gia" Nhật Bản tìm cách đưa rối truyền thống vượt bão trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Các em học sinh trường Kozu bên cạnh các con rối do chính nghệ nhân Kanjuro làm ra. 5 con rối này đều có khuôn mặt hài hước với phần tóc làm từ sợi nylon. Chúng còn được đi những đôi tất với màu sắc sặc sỡ mà ông Kanjuro đã đặt mua trên Internet. (ảnh: Reuters)

Trong rối Bunkaru, mỗi con rối cần tới 3 người điều khiển – một người chính, hai người hỗ trợ. Tất cả đều mặc trang phục đen và đội mũ trùm che mặt. Người nghệ sỹ chính sẽ điều khiển phần đầu và tay phải, một người phụ điều khiển tay trái và người còn lại điều khiển cả hai chân của con rối. Trong buổi biểu diễn còn có sự kết hợp với người dẫn chuyện (tayu) và các nhạc cụ truyền thống.

Đi lên từ… chân

Lựa chọn đi theo con đường của bố, ông Kanjuro bắt đầu trở thành một nghệ sỹ rối ở tuổi 14. Sư phụ của ông là chính là nghệ nhân rối cao tuổi nhất còn sống của Nhật Bản, Minosuke Yoshida.

Giống với mọi người khác, Kanjuro ban đầu chỉ là người điều khiển chân rối, sau đó ông được chuyển sang điều khiển tay phải. Để được phép đảm nhận vị trí điều khiển đầu rối, một nghệ sỹ cần phải mất tới hơn 30 năm luyện tập và trình diễn.

"Đó là một vai trò cực kỳ khó khăn nhưng lại vô hình. Người xem không biết bạn là ai và họ chỉ cổ vũ cho người điều khiển chính", ông Kanjuro nói về các vị trí điều khiển chân và tay trái.

"Báu vật quốc gia" Nhật Bản tìm cách đưa rối truyền thống vượt bão trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Nghệ nhân Kanjuro chụp ảnh trước bức chân dung vẽ người cha quá cố cùng với một con rối tại phòng tập được đặt ngay trong nhà ở Osaka (ảnh: Reuters)

Học được cách điều khiển chân rối là yếu tố rất quan trọng. Người nghệ sỹ cần chạm vào eo của người điều khiển chính để cảm nhận những chuyển động của người này. Đây là một bài học mà ông Kanjuro học được từ người bố quá cố của mình.

"Ông ấy nói với tôi rằng, con cần phải sử dụng toàn bộ cơ thể của mình – từ ngón chân cho tới đầu ngón tay – để khiến con rối trở thành sinh vật sống", ông Kanjuro nhớ lại. "Và cách làm sao để một người điều khiển bé nhỏ, gầy gò có thể điều khiển cả một con rối to lớn bằng cách làm vậy".

Ông Kanjuro hiện là một trong những nghệ sỹ biểu diễn rối Bunkaru hàng đầu Nhật Bản. Tuy nhiên, ông vẫn luôn "đau đáu" nỗi lo lắng về thế hệ kế thừa.

Nhà hát rối Bunkaru Quốc gia tại Osaka có mở khóa đào tạo hai năm về Bunkaru và hoàn toàn miễn phí. Hơn một nửa trong tổng số 83 nghệ sỹ rối Bunkaru của Nhật Bản đã tốt nghiệp khóa học này. Mặc dù vậy, sức hút của Bunkaru đã giảm sút nghiêm trọng ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tính tới tháng chín, chỉ có hai học viên đang tham gia đào tạo.

Tuy nhiên, nghệ nhân 67 tuổi bày tỏ hy vọng, những người được thuê để mở màn sân khấu hoặc phát tờ rơi quảng bá chương trình cũng có thể bắt đầu yêu thích rối Bunkaru và muốn theo học nó.

"Giống như Sumo và Rakugo – những loại hình đã có sự tham gia của người nước ngoài, một ngày nào đó chúng tôi cũng sẽ có nghệ sỹ biểu diễn đến từ nước ngoài", ông Kanjuro nói. "Và việc phụ nữ được tham gia biểu diễn cũng sẽ chỉ là vấn đề thời gian mà thôi".

Các buổi trình diễn rối Bunkaru đã được khôi phục lại ở thủ đô Tokyo từ ngày 5/9.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ