(Tổ Quốc) - Sự việc 2 người thương vong do bị vật liệu xây dựng rơi trúng tại công trình xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) vừa qua, một lần nữa khiến nhiều người không khỏi giật mình lo sợ. Bởi Hà Nội hiện nay chẳng khác nào “đại công trường”, chỗ nào cũng đều có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn xây dựng.
Một công trình xây dựng trên phố Nguyễn Tuân, Hà Nội |
Ra ngõ là gặp công trình
Những năm trở lại đây, Hà Nội giống như một đại công trường xây dựng, từ các công trình nhỏ cho đến các dự án lớn, từ làm đường, tới làm nhà, trung tâm thương mại, làm cầu… nói không quá thì ra ngõ là gặp công trình.
Không khó để bắt gặp những khẩu hiệu như “Xin lỗi vì chúng tôi đã làm phiền”, “Phía trước là công trình đang thi công”… Bụi bặm, tiếng ồn và đặc biệt là cảnh ùn tắc giao thông trên mỗi cung đường có các công trình xây dựng đang thi công. Cuộc sống của người dân Thủ đô bị ảnh hưởng không nhỏ từ các công trình xây dựng này.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết, chỉ một đoạn đường từ nhà đến cơ quan nhưng chị đã phải đi qua ít nhất ba công trình đang xây dựng đang thi công. Mỗi lần đi qua những công trình này là phải cố phóng xe thật nhanh, vì chỉ cần ngước mắt nhìn lên là thấy trên đầu mình lửng lơ toàn giàn giáo, sắt thép, bê tông….
“Sợ nhất là mỗi lần chạy trên tuyến đường Xuân Thủy, vì ngay trên đầu là những tiếng khoan cắt, đục đẽo, hàn xì của dự án làm đường sắt trên cao. Chỉ mong sao cho công trình này nhanh chóng hoàn thành chứ không người dân đi lại vừa nguy hiểm, mất an toàn mà bụi bặm, ảnh hưởng đến sức khỏe”, chị Thắm không giấu được sự lo lắng.
Anh Trần Anh Tuấn (Khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy) chia sẻ, ở Hà Nội hiện nay có quá nhiều các dự án, các công trình xây dựng, gần như tuyến đường nào, khu vực nào cũng có dự án. Đi kèm với các công trình xây dựng này là sự nhếch nhác, bụi bẩn. Các xe chở cát sỏi, vào ra công trình để vương vãi khắp đường, xe chở bê tông tươi rơi vãi tạo thành những “gò, đống” trên đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhưng “tuyệt nhiên” không thấy sự xuất hiện của các cơ quan chức năng.
“Ở nước ngoài người ta làm nghiêm, nên mặc dù có công trình xây dựng nhưng đường phố vẫn sạch sẽ, các công trình thì tuân thủ nghiêm ngặt về luật xây dựng, các quy định an toàn về lao động và cả môi trường nữa… Còn ở mình, tiến độ công trình thì kéo dài, vật liệu chở rơi vãi khắp đường phố, thi thoảng lại rơi cái này, đổ cái kia… nhưng đều không thấy quy trách nhiệm hay xử lý cụ thể để làm gương”, anh Tuấn nói.
Bác Đinh Đức Văn (Nguyễn Tuân, Thanh Xuân) bức xúc nói: “Không cần đi đâu xa, ngay con phố Nguyễn Tuân này, hàng loạt các công trình xây dựng cao tầng đang thi công. Hàng ngày, những người dân như chúng tôi sống dưới các công trình xây dựng này đều lo ngay ngáy. Chỉ cần một sai sót hay sự cẩu thả là có thể xảy ra tai nạn chết người. Các công trình xây dựng này đều bị chậm tiến độ, kéo dài hết năm này qua năm khác. Giờ để kịp tiến độ, thì gần như họ làm cả ngày, cả đêm, người dân ở đây vừa sống trong lo sợ, vừa bị tra tấn bởi tiếng ồn cùng khói bụi”.
Cần xử lý nghiêm những công trình vi phạm về an toàn lao động
Công trình vẫn đang được thi công nhưng không có lưới bảo vệ. |
Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, Luật sư Trần Viết Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết vụ việc rơi thanh sắt tại công trình xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê trên đường Lê Văn Lương vừa qua đã cho thấy có sự vi phạm quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công, xây dựng công trình này. Bởi căn cứ vào những hình ảnh hiện trường vụ việc cho thấy công trình đang thi công, nhưng không hề có lưới che chắn.
Cũng theo Luật sư Hưng, căn cứ quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 97 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 thì người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Cụ thể là: với hành vi làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% và gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Những người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
Người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Trường hợp nếu vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
“Luật đã quy định cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế như như chúng ta thấy thì tại nhiều công trình xây dựng hiện nay vẫn còn xảy ra các hiện tượng vi phạm về an toàn lao động. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh hơn, xử lý thật nghiêm các công trình vi phạm để làm gương cho các dự án, công trình khác”, Luật sư Trần Viết Hưng phân tích./.
Ảnh, bài: Vi Phong