• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bế mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022

Văn hoá 29/05/2022 10:06

(Tổ Quốc)- Tối 28/5, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 đã bế mạc sau 10 ngày tranh giải với sự tham gia của gần 600 diễn viên, nhạc công và các thành phần sáng tạo đến từ 11 đơn vị Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước, cùng sự cổ vũ của hàng nghìn lượt khán giả tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Đến dự Lễ Bế mạc có PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch- Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan; ông Bùi Đình Long, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An - Đồng Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan; NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng, Cục Nghệ thuật biểu diễn, thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan; ông Võ Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ An; bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An - Đồng Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan; đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các Sở, ban ngành, tỉnh Nghệ An; lãnh đạo đại diện các đơn vị, nhà hát nghệ thuật, cùng đông đảo nghệ sĩ, diễn viên của các đơn vị nghệ thuật và khán giả thành phố Vinh.

Bế mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 - Ảnh 1.

PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch- Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan phát biểu tại Lễ bế mạc

Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc được tổ chức từ ngày 17 đến 28/5 trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen - lễ hội truyền thống vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc của các văn nghệ sỹ nói chung và đồng bào, nhân dân tỉnh Nghệ An nói riêng dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh khúc dân ca ở mọi miền Tổ quốc như những đóa hoa tỏa hương thơm ngát nhân kỷ niệm Ngày sinh của Người.

Bế mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 - Ảnh 2.

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, thành viên Ban chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan trao Bằng chứng nhận cho Hội đồng Nghệ thuật.

Bế mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 - Ảnh 3.

Ông Bùi Đình Long, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An - Đồng Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan trao Huy chương Vàng cho các vở diễn.

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: “Qua theo dõi, tôi rất mừng khi ở Liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng. Đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sỹ, diễn viên đến cách hóa trang kiểu mặt nạ; múa theo nguyên tắc “nội ngoại tương quan, tả hữu tương ứng, thượng hạ tương phù”; hát thì theo cách “nói lối”; âm nhạc theo nguyên tắc “lề lối”, tất cả tuân theo nghiêm luật âm dương nghệ thuật. Các yếu tố ca, vũ, nhạc được phát triển một cách hài hòa với nghệ thuật diễn xuất của diễn viên. Sự kết hợp tổng thể các yếu tố này mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật tuồng và dân ca kịch. Tôi biểu dương các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao đã có sự quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn cho các vở diễn của mình; biểu dương các tác giả, đạo diễn, nghệ sỹ, diễn viên đã khắc phục mọi khó khăn sau đại dịch Covid-19 để đem đến Liên hoan những vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao”.

Trong 10 ngày, khán giả thành phố Vinh đã được chứng kiến, đồng cảm, cùng vui, buồn với các nhân vật trong từng vở diễn. Hội đồng Nghệ thuật gồm các NSND, NSƯT, nhà văn cũng đã thẩm định và trao đổi, đánh giá một cách công tâm, hiểu biết và thẩm thấu để đi tới sự thống nhất về định hướng chính thống và chất lượng nghệ thuật của các vở diễn, hàng trăm vai diễn chính-phụ và các thành phần sáng tạo. Các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công cũng đã thể hiện hết sức nghiêm túc, chân thành, hết mình trên sàn diễn của Liên hoan.

Bế mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 - Ảnh 4.

Phó giáo sư – Tiến sĩ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 trao giải cho các thành phần sáng tạo.

Đánh giá chất lượng nghệ thuật của liên hoan năm nay, nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật ghi nhận: Hội diễn của chúng ta hội tụ 11 đoàn nghệ thuật với 16 vở diễn. Mười sáu vở kịch hát với đề tài lịch sử và đề tài hiện đại đầy sắc màu, mang dấu ấn của các vùng miền văn hóa, mang những đòi hỏi bứt phá vươn lên cuộc sống mới của các vùng quê.

Dàn kịch mục của Hội diễn là hai dòng chảy phối hợp nhịp nhàng, giữa truyền thống và hiện đại, giữa trình thức kinh điển và lối diễn mới mẻ, giữa kịch lịch sử bàn về quốc sự, trung quân ái quốc với kịch đề tài hiện đại phản ánh những những vấn đề nóng bỏng, gay gắt của cuộc sống xã hội hôm nay, đề cao nhân cách con người, hướng vào đức hạnh cao quý, trách nhiệm với quê hương, đất nước, với gia đình, với tình yêu của chính mình, đấu tranh không khoan nhượng các hiện tiêu cực, vượt qua các trở ngạị, vươn tới cuộc sống tốt đẹp và phẩm giá cao thượng.

Bế mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 - Ảnh 5.

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thành viên Ban chỉ đạo – Trưởng Ban tổ chức liên hoan và bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Uỷ viên BCH Tỉnh ủy - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An lên trao huy chương Vàng cho các cá nhân.

Trong Hội thi lần này, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tác giả kịch bản và tác giả chuyển thể, tạo ra những vở Tuồng và Dân ca có ngôn ngữ giàu tính hình tượng, giàu tính hành động, giàu tính âm nhạc... Không ít vở diễn có ngôn ngữ kịch bản hàm súc và cô đọng nhưng vẫn chứa nhiều thông tin, thông báo được bản chất sự việc, cung bậc tình cảm. Mảng đề tài hiện đại vở nào cũng đấu tranh gay gắt với cái cũ, cái ngáng trở, cái xấu xa làm bật sáng hình tượng con người mới có trách nhiệm với cuộc sống. Hai dòng chảy của Tuồng và Kịch hát dân ca không chỉ bảo tồn các giá bất hủ về trình thức của truyền thống, mà sáng tạo hình thức mới thu hút và chuyển bá tư tưởng và thẩm mỹ của vở diễn rất hiệu quả. Sự song hành của Tuồng với đề tài quân quốc, kịch hát dân ca với đề tài hiện đại làm phong phú kịch hát dân tộc, đồng thời mở hướng phát triển đầy sức sống của sân khấu truyền thống.

Không ít cảnh diễn bi tráng, được đạo diễn dàn dựng công phu và nghệ sĩ phô diễn hết mình, tạo những điểm nhấn nghệ thuật đầy ấn tượng. Sân khấu Hội diễn là sàn diễn về đạo đức, sàn diễn đề cao các giá trị nhân văn, sàn diễn của niềm tin con người vào những bất biến là lòng yêu nước, tình son sắt thủy chung, đùm bọc nhau đi qua các gian nan, thử thách, sàn diễn không khoan nhượng đấu tranh với cái xấu, tố cáo gian nịnh, hướng con người tới xã hội lành mạnh và các đức tính cao quý.

Mười sáu vở diễn, ta gặp một đội ngũ hùng hậu các nghệ sĩ tài năng. Trong Hội diễn lần này, các nghệ thuật góp cho vở diễn như âm nhạc, ánh sáng, mỹ thuật…hết sức tài hoa và điêu luyện. Riêng các dàn nhạc với bộ gõ, bộ hơi và bộ dây của các đoàn hát khá hoàn thiện, tạo ra dàn âm thanh dày và đầy, không chỉ đưa hơi giữ nhịp cho người hát mà bồi đắp thêm cảm xúc cho người xem. Bên cạnh đó, nhìn vào dàn nhạc, BGK vui mừng nhận thấy nhiều nhạc công trẻ tài năng. Thiết kế vài vở diễn khá đẹp, nhiều thiết kế khoáng đạt, giàu tính biểu tượng, tạo cơ hội cho diễn viên biểu diễn thể hiện về số phận, tâm lý và cá tính nhân vật.

Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cũng chỉ ra một vài điểm hạn chế của Liên hoan như: có kịch bản sơ lược, nhân vật vua diễn một màu, hò hét ồn ào và căng cứng, xa khác với các vị minh quân của triều đại trước, có vở diễn đạo diễn dùng quá nhiều dây dợ, bục bệ làm rối sân khấu và diễn viên bị lúng túng bởi các giăng mắc nhiều giải lụa không cần thiết, có vở trùng lặp về thiết kế Mỹ thuật, có vở diễn múa dài, múa với các đạo cụ cồng kềnh làm mất đi vẻ đẹp truyền cảm xúc bằng ngôn ngữ hình thể...

Bế mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 - Ảnh 6.

Các tiết mục văn nghệ trong Lễ Bế mạc Liên hoan

Bế mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 - Ảnh 7.

Giải Vở diễn Ban Tổ chức đã trao 03 Huy chương vàng cho các vở “Cánh cò trong bão” - Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An; “Cô thần” - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định; “Truyện ngoài chính sử - Làm vua” - Nhà hát Tuồng Việt Nam.

05 Huy chương Bạc thuộc về “Đi qua ngày giông bão” - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh, “Hoàng đế Lê Đại Hành” - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa, “Chiếc áo thiên nga” - Nhà hát Nghệ thuật Hát bội thành phố Hồ Chí Minh, “ Chợ đời” - Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, “ Tam khúc Chúa” - Nhà hát Tuồng Việt Nam.

03 Huy chương Đồng thuộc về “Phượng hoàng Trung Đô” - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa, “Ni sư Hương Tràng” - Đoàn ca kịch Quảng Nam, “Ngược sóng” - Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Giải diễn viên, Ban Tổ chức cũng trao 31 Huy chương Vàng, 40 Huy chương Bạc, 20 Huy chương Đồng.

Ban Tổ chức trao giải Tác giải xuất sắc thuộc về Văn Trọng Hùng - Vở diễn Cô thần - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định; Đạo diễn xuất sắc (thể loại Tuồng) thuộc về NSND Hoài Huệ vở “Truyện ngoài chính sử - Làm vua” - Nhà hát Tuồng Việt Nam; Đạo diễn xuất sắc (thể loại Dân ca) thuộc về NSƯT Bùi Như Lai vở “Đi qua ngày giông bão” - “Nhà hát truyền thống tỉnh Hà Tĩnh”; Nhạc sỹ xuất sắc thuộc về NSƯT Thành Nam vở “Hoàng đế Lê Đại Hành” - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa, Họa sỹ xuất sắc thuộc về Trần Hồng Vân vở “Chiếc áo thiên nga” - Nhà hát Nghệ thuật Hát bội thành phố Hồ Chí Minh, Biên đạo múa xuất sắc thuộc về Đỗ Thị Kim Tiển vở Cô thần” - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.


Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ