(Tổ Quốc) - Muốn một nền bóng đá không ngừng phát triển, trước hết cần nguồn lực tài chính hùng mạnh. Năm 2023, VFF đã vô cùng nỗ lực để tạo ra "bệ phóng" vững chắc cho bóng đá nước nhà.
Năm 2023 là thời điểm quan trọng của bóng đá Việt Nam, khi đội tuyển Quốc gia chuyển từ thời HLV Park Hang-seo sang HLV Troussier. Dưới thời tân HLV, bóng đá Việt Nam lại đặt ra một mục tiêu lớn mới là giành vé dự VCK World Cup 2026.
Để thực hiện mục tiêu này, HLV Troussier đưa ra một bản kế hoạch vô cùng công phu, không chỉ là duy trì sức mạnh của ĐTQG hiện tại, mà còn đẩy cao sức mạnh của các tuyến trẻ từ U21 tới U23 – những tài năng được kỳ vọng sẽ sớm lên tuyển.
Hòng thực hiện được những điều HLV Troussier đề ra cần rất nhiều vấn đề, trong đó riêng câu chuyện tổ chức cho các lứa tuyển tập trung rèn luyện, thi đấu giao hữu hay đá giải… cũng tốn nguồn kinh phí khổng lồ.
Mà đấy là chỉ tính riêng với bóng đá nam. VFF còn phụ trách rất nhiều mảng bóng đá khác, như bóng đá nữ, bóng đá futsal, bóng đá phong trào…
Với bóng đá nữ, đội có chiến dịch dự VCK World Cup trong năm 2023 nên cũng đã được cho đi tập huấn ở châu Âu. Sau VCK World Cup, bóng đá nữ dĩ nhiên hướng về nhiều mục tiêu lớn khác, cũng như việc nuôi mộng lại tiếp tục dự sân chơi thế giới. Những tham vọng của bóng đá nữ Việt Nam dĩ nhiên cũng cần nguồn lực tài chính khổng lồ để chống đỡ. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với futsal.
Về bóng đá phong trào, tài chính cũng là câu chuyện đầu tiên để tính đến chuyện phát triển sâu rộng, hòng tạo ra nguồn lực lâu dài cho bóng đá chuyên nghiệp.
Mọi vấn đề phát triển bóng đá Việt Nam đều dẫn tới vấn đề đầu tiên: Tài chính. Vậy nhưng hiện tại, với bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chưa thể phục hồi, vẫn còn nhiều khó khăn nên cắt giảm chi phí cho hoạt động truyền thông, quảng cáo dẫn tới công tác tiếp thị và vận động tài trợ bóng đá thực sự gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, được sự chỉ đạo định hướng của Thường trực BCH, ngoài việc duy trì các Hợp đồng đang có, LĐBĐVN đã thực hiện các hợp đồng ký mới với thương hiệu Sun World, Redbull, VOV, Công ty CP Viễn thông FPT với giá trị tài trợ tốt để tạo điều kiện cho các ĐTQG hoạt động theo kế hoạch, và thực hiện các chương trình mục tiêu của bóng đá Việt Nam.
Ngoài ra, hoạt động tổ chức các sự kiện bóng đá kết nối hình ảnh với các nhãn hàng tài trợ, để nâng tầm thương hiệu bóng đá cũng như thương hiệu tài trợ cũng được chú trọng, như tổ chức lễ trao thưởng cho đội tuyển nữ QG đạt thành tích tại SEA Games 32 và tham dự VCK FIFA World Cup 2023, đội tuyển U23 QG đạt HCB tại SEA Games 32…
Đối với các giải QG, song song với việc tiếp tục giao quyền quản lý, tổ chức điều hành và khai thác giá trị thương mại các giải bóng đá chuyên nghiệp QG cho Công ty VPF, LĐBĐVN cũng chủ động khai thác nguồn thu thương mại tại các giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp quốc gia. Tuy vậy, các giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp nhìn chung vẫn có những hạn chế về hình ảnh thương hiệu và sức thu hút nên dẫn tới còn khó khăn trong khai thác tài trợ quảng cáo.
Khó khăn vẫn có rất nhiều nhưng dễ thấy trong năm 2023, VFF đã vô cùng nỗ lực và đạt được thành tựu đáng kể ở việc huy động tài chính phát triển bóng đá Việt Nam. Đấy là câu chuyện bao gồm 2 mặt. Nếu có nguồn tài chính tốt, bóng đá sẽ có cơ hội phát triển tốt. Và khi bóng đá phát triển tốt, lại hỗ trợ việc huy động tài chính dễ dàng hơn.
Trước mắt, các mảng bóng đá Việt Nam đang được VFF hỗ trợ rất tốt với nguồn lực tài chính hiện tại. Hy vọng rằng rồi đây các đội tuyển Việt Nam, với chủ đạo là ĐTQG của HLV Troussier, sẽ có thành tích ấn tượng, để VFF dễ bề huy động tài trợ, tạo nên "bệ phóng" mạnh mẽ hơn cho làng túc cầu nước nhà.