• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bé trai thủng dạ dày do vi khuẩn HP, bác sĩ khuyến cáo những việc cần thay đổi trong gia đình để phòng bệnh

Sức khỏe 25/09/2023 11:44

(Tổ Quốc) - Đoạn cuối dạ dày viêm loét, thủng 1cm, ổ bụng nhiều dịch gây biến chứng viêm phúc mạc, bé trai được phẫu thuật cấp cứu kịp thời.

Bệnh nhi Quang (14 tuổi, ngụ Tân Phú, TP HCM), bị ói ra máu do viêm loét hành tá tràng (đoạn đầu của ruột non), nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Bé đã được truyền máu, điều trị kháng sinh diệt vi khuẩn trong vòng 4 tuần ở một bệnh viện nhi. Trong thời gian ngưng thuốc chờ tái khám, Quang đau bụng đột ngột được gia đình đưa đến BVĐK Tâm Anh cấp cứu vào trưa ngày 15/9.

Kết quả siêu âm ổ bụng, chụp X-quang, bác sĩ phát hiện đoạn cuối dạ dày viêm loét, thủng 1cm, ổ bụng nhiều dịch gây biến chứng viêm phúc mạc (lớp màng bên trong thành bụng bao phủ các cơ quan trong bụng).

Đánh giá tình trạng của bệnh nhi rất nghiêm trọng, nếu không can thiệp sớm viêm phúc mạc có thể dẫn đến nhiễm độc nhiễm trùng toàn thân đe dọa tính mạng. BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, bác sĩ Ngoại Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM cùng ekip đã khẩn trương thực hiện phẫu thuật nội soi cấp cứu hút dịch, rửa sạch ổ bụng, sinh thiết bờ ổ loét, khâu kín lỗ thủng và đắp mạc nối lớn tăng cường, đặt dẫn lưu.

Bé trai thủng dạ dày do vi khuẩn HP, bác sĩ khuyến cáo những việc cần thay đổi trong gia đình để phòng bệnh - Ảnh 1.

BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng cũng ekip phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi. Ảnh BVCC

Sau phẫu thuật, bệnh nhi tập ăn lại bình thường, sức khỏe hồi phục tốt. Chiều 19/9, bệnh nhi xuất viện sau 5 ngày điều trị. Bệnh nhi tiếp tục điều trị kháng tiết axit dạ dày phòng ngừa tái phát viêm loét dạ dày tá tràng, test lại vi khuẩn HP theo chỉ định.

BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng cho biết, phúc mạc là lớp màng bụng bao phủ các cơ quan trong bụng. Viêm phúc mạc là biến chứng nguy hiểm, có thể do nhiều nguyên nhân được chia thành các nhóm khác nhau, trong đó nhóm viêm phúc mạc hóa học (rò rỉ dịch axit dạ dày, máu, mật vào phúc mạc) khá phổ biến. Điển hình như bé Quang trong thời gian điều trị khuẩn HP và tình trạng viêm loét chưa kiểm soát tốt tăng tiết dạ dày khiến ổ viêm loét tái phát nặng hơn dẫn đến thủng, axit và dịch tiết dạ dày tràn vào ổ bụng gây viêm, nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn gây nhiễm trùng phúc mạc.

Trước đây viêm phúc mạc có tỷ lệ tử vong cao từ 60-70% nếu không được can thiệp kịp thời. Ngày nay, tỷ lệ này dần giảm đi nhờ phát hiện và điều trị sớm.

Viêm loét dạ dày tá tràng hiếm gặp ở trẻ em. Tỷ lệ loét dạ dày tá tràng là 8,1% ở trẻ em được nội soi đường tiêu hóa trên vì đau bụng, phần lớn là nam giới trong độ tuổi 10-20. 

Bé trai thủng dạ dày do vi khuẩn HP, bác sĩ khuyến cáo những việc cần thay đổi trong gia đình để phòng bệnh - Ảnh 2.

Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính gây biến chứng thủng, loét dạ dày tá tràng.

Theo bác sĩ Trọng, để phòng ngừa biến chứng thủng, loét dạ dày tá tràng cần phòng ngừa tốt viêm loét dạ dày, trong đó vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính. 

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, có khoảng 70% dân số nhiễm vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Với tập tục chấm chung nước chấm, dùng chung chén đũa, thói quen bón thức ăn khiến trẻ em có nguy cơ cao lây nhiễm HP. Ở những trẻ có cơ địa tăng tiết dịch dạ dày, khuẩn HP có thể gây loét, viêm dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Trọng khuyến cáo các gia đình nên từ bỏ thói quen chấm chung nước chấm, không dùng chung chén đũa, người lớn không nên nhai thức ăn để bón cho trẻ. Trường hợp trong gia đình đã có một người bị viêm loét dạ dày thì cả gia đình nên tầm soát nhằm phát hiện và điều trị sớm.

Viêm loét dạ dày có tỷ lệ tái phát cao do đó khi bị bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám đầy đủ. Riêng trường hợp nhiễm vi khuẩn dạ dày HP cần điều trị triệt để hạn chế nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc dẫn đến khó khăn điều trị về sau.

Khi cơ thể bị nhiễm HP, vi khuẩn này sẽ ký sinh trong mô niêm mạc dạ dày, sau đó kích thích và làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây ra nhiều loại bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí cả ung thư dạ dày.

Dấu hiệu một người nhiễm vi khuẩn HP thường là đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói...

Vi khuẩn HP có tốc độ lây lan rất cao, ngoài niêm mạc dạ dày, vi khuẩn HP còn tồn tại trong nước bọt, mảng bám trên răng và khoang miệng của người bệnh.

(Tên bệnh nhi đã được thay đổi) 

T.L

NỔI BẬT TRANG CHỦ