• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bến Tre tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành du lịch Việt Nam (09/7/1960-09/7/2020)

Du lịch 09/07/2020 07:07

(Tổ Quốc) - Bến Tre tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành du lịch Việt Nam (09/7/1960-09/7/2020); Du lịch Cà Mau từng bước phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; Liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL là tin du lịch tiêu biểu tại các tỉnh Nam Bộ hôm nay.

Bến Tre tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành du lịch Việt Nam (09/7/1960-09/7/2020)

Ngày 6/7, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản số 3381/UBND-KGVX về việc cho chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành du lịch

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre nhận được Tờ trình số 3689/TTr-SVHTTDL ngày 03 tháng 7 năm 2020 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xin chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành du lịch Việt Nam (09/7/1960-09/7/2020), và Lễ phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Sau khi xem xét, Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến như sau: Chấp thuận cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành du lịch Việt Nam (09/7/1960-09/7/2020), và Lễ phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", theo Tờ trình số 3689/TTr-SVHTTDL ngày 03 tháng 7 năm 2020 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bến Tre tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành du lịch Việt Nam (09/7/1960-09/7/2020) - Ảnh 1.

Khách nước ngoài thưởng thức dừa Bến Tre trong chuyến hành trình về quê hương xứ Dừa. (Ảnh minh họa - Nguồn: TTXTDL Bến Tre)

Chương trình nhằm thiết thực chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam ( 9/7/1960 – 9/7/2020), hưởng ứng Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" do Bộ VHTTDL phát động. Đồng thời chương trình nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để du khách (trong và ngoài tỉnh ) đi du lịch Bến Tre và chọn Bến Tre là điểm đến trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19.

Được biết, năm 2019, Bến Tre đã tổ chức các sự kiện về du lịch như hội thảo, chương trình du lịch và Liên hoan Ẩm thực Nam bộ trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Dừa lần V năm 2019 tại Bến Tre; phối hợp với các tỉnh liên kết trong Cụm phía Đông ĐBSCL tham gia 6 cuộc hội chợ, triển lãm trên toàn quốc; phát hành trên 30.000 ấn phẩm quảng bá du lịch các loại; đăng tải trên 60 bài viết về đất và người Bến Tre lên các hệ thống truyền thông đại chúng; tổ chức cuộc thi biểu tượng (logo) và khẩu hiệu (slogan) về du lịch Bến Tre; tổ chức cuộc thi ảnh đẹp Bến Tre; tổ chức cuộc thi mẫu quà tặng Bến Tre; hỗ trợ huyện Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam tổ chức 2 cuộc hội thảo phát triển du lịch "Từ sông ra biển tại Cù Lao Minh",... Qua đó giúp du khách trong và ngoài nước biết đến Bến Tre nhiều hơn, đặc biệt là nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng dân cư về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Áp dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch, trong năm 2020 Bến Tre sẽ thực hiện bản đồ số ứng dụng công nghệ du lịch thông minh nhằm phục vụ du khách tốt hơn, giúp du khách tìm kiếm và tiếp cận với sản phẩm du lịch tại tỉnh. Mục tiêu trong năm là thu hút du khách đến Bến Tre đạt 2.126.000 lượt, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 957.000 lượt, chiếm 45%. Doanh thu từ khách du lịch đạt 2.221 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ. Đây là những con số mà ngành du lịch Bến Tre phải phấn đấu trong năm 2020.

Du lịch Cà Mau từng bước phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, ngành Du lịch Cà Mau đang tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt.

Hiện nay ngành tăng cường triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch năm 2020; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch (lưu trú, lữ hành...) ký cam kết thực hiện các chương trình giảm giá dịch vụ, khuyến mãi, ưu đãi nhằm thu hút khách du lịch.

Tỉnh Cà Mau phối hợp với một số địa phương trong chương trình liên kết hợp tác, tổ chức giới thiệu điểm đến du lịch Cà Mau tại thị trường trọng điểm du lịch như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... nhằm kết nối các doanh nghiệp lữ hành tại các thị trường trọng điểm với tỉnh Cà Mau; đồng thời, tổ chức quảng bá du lịch gắn với chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ du khách trong thời gian diễn ra sự kiện, nhất là trưng bày quảng bá du lịch Cà Mau tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Thành phố Hồ Chí Minh) và không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Ngành Du lịch Cà Mau cũng định hướng từ nay đến cuối năm sẽ tập trung đẩy mạnh Chương trình xúc tiến du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành tổ chức Đoàn Caravan để khảo sát, kết nối và phát triển sản phẩm du lịch trên tuyến R10 với các nước Thái Lan, Campuchia; quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn các điểm du lịch cộng đồng xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, hỗ trợ đưa vào khai thác điểm du lịch mới.

Tỉnh tổ chức Lễ khai trương tuyến tàu cao tốc Cà Mau-Nam Du-Phú Quốc tại Cảng khách Ông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) vào ngày 7-7; tổ chức sự kiện Lễ hội cua quy mô lớn vào cuối năm 2020.

Những giải pháp hỗ trợ kích cầu của ngành Du lịch Cà Mau được xem là ''đòn bẩy'' tạo bước đột phá mới trong phát triển du lịch, thu hút đông đảo du khách đến tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên địa bàn như Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Hòn Đá Bạc và nhiều địa danh, di tích văn hóa lịch sử hấp dẫn khác.

Theo dự báo đến cuối năm 2020, ngành du lịch Cà Mau thu hút khoảng 1,4 triệu lượt khách (trong đó có 7.383 lượt khách quốc tế), ước đạt 74,5% và mức doanh thu khoảng 2.158 tỷ đồng, ước đạt 83% so kế hoạch đề ra cả năm.

Liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL

Mới đây, tại TP.Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL có vai trò và ý nghĩa nhằm phát triển du lịch trở thành đòn bẫy kinh tế xã hội của các địa phương, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tập trung phát triển du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới.

Theo đó, thỏa thuận liên kết nhằm tăng cường sự gắn kết, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các địa phương và phát huy thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch của vùng và thương hiệu du lịch vùng. Qua đó, tăng cường khả năng cạnh tranh du lịch của các địa phương trong liên kết, sức hấp dẫn của du lịch vùng với các quốc gia trong khu vực.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành du lịch chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo các tỉnh thành và hoạt động nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch/Sở Du lịch, các tỉnh thành trong liên kết đã tổ chức thực hiện những nội dung được ký kết tại thỏa thuận chung của vùng. Trong đó, tập trung cho các vấn đề về xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh thành, xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện các nội dung của thỏa thuận, xây dựng sản phẩm du lịch vùng, bồi dưỡng nguồn nhân lực...

Tại hội nghị, các địa phương đã triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2020. Trong đó, tập trung xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung quảng bá giới thiệu du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; tổ chức khảo sát 3 tuyến du lịch kết nối TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; tổ chức tọa đàm góp ý hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ du lịch để kết nối với các doanh nghiệp lữ hành...

Các địa phương cũng sẽ tổ chức Hội nghị giới thiệu quảng bá du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TPHCM năm 2020, dự kiến từ 16 - 19/7/2020; phối hợp xây dựng phim quảng bá du lịch chung TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL về liên kết phát triển du lịch vùng và triển khai chiến dịch lan tỏa phim quảng bá chính thức về du lịch vùng đến các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế...

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ