(Tổ Quốc) - Có người nói, lần bệnh dịch này khiến 90% người ý thức ra được một điều rằng: có nghề tay trái đã trở thành sự tự giác mà bất cứ người trưởng thành nào cũng nên có.
Nguyên nhân rất đơn giản, chỉ khư khư một loại lương, nguy cơ là rất cao.
Kể với các bạn một câu chuyện thực tế, tôi có một người bạn, hai vợ chồng cậu ấy đều là nhân viên thông thường, vốn dĩ ở thành phố có nhà có xe, cuộc sống cũng gọi là tạm ổn.
Nhưng lần bệnh dịch này xảy tới, khiến cả hai vợ chồng bỗng dưng phải nghỉ ở nhà, công ty cũng không xoay chuyển được nữa nên đã phải ngừng phát lương.
Tiền nhà, tiền sinh hoạt phí, tiền thuốc của ba mẹ, tiền sữa của con cái…, vừa nghĩ tới những cái này thôi hai vợ chồng đã thâm quầng mắt lại, tiền tiết kiệm của hai vợ chồng sợ là không cầm cự được bao lâu.
Nhiều khi, bạn cho rằng năm tháng yên ổn, nhưng thực ra là sóng ngầm cuộn trào.
Nhưng, nếu họ có thu nhập từ một nghề tay trái, từ một plan B nào đó thì mọi việc có lẽ đã khác.
Lúc người khác vì bệnh dịch không có nguồn thu nhập, họ nhờ nghề tay trái, nằm ở nhà kiếm tiền;
Lúc người khác chỉ trông chờ vào lương tháng, tháng nào tiêu hết tháng ấy, họ dựa vào nghề tay trái và biết quản lý tài chính, ung dung không lo lắng;
Lúc người khác tủi thân nhưng vẫn không dám nghỉ việc, họ nhờ có nghề tay trái mà lúc nào cũng có thể phủi tay nói bai bai.
Người có nghề tay trái, quả thực sống rất sảng khoái, ung dung.
Trước đây, bản thân tôi cũng luôn cảm thấy không cần thiết, cho rằng mình cứ yên ổn làm tốt công việc hiện tại của mình là được, đi làm cả ngày mệt mỏi chết đi được, về tới nhà chỉ muốn lăn ra ngủ. Nhưng lần bệnh dịch này đã thức tỉnh tôi, nếu công việc của chúng ta chịu tác động từ những yếu tố bất khả kháng bên ngoài, chẳng hạn như dịch bệnh, công ty bị thu mua, cắt giảm nhân viên hay phá sản…, trong những trường hợp như vậy, dù có đi ra ngoài xin việc thì chắc chắn sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn, chưa kể nếu rơi vào đúng lúc tuổi tác cao nữa thì lại khó càng thêm khó.
Dưới áp lực của cuộc sống hiện đại, có thêm một "plan B" là thêm một phần bảo hiểm cho cuộc sống.
Cá nhân tôi cho rằng dù là trong công việc hay cuộc sống, plan B là rất cần thiết. Trong một số trường hợp, plan B là sự thay thế hoàn hảo cho plan A khi nó xảy ra sai xót, đây là sự chu toàn trong làm việc. Plan A và plan B có thể mang các nội dung khác nhau, xen kẽ với nhau để lấp đầy thời gian rảnh rỗi, làm phong phú hơn cuộc sống của bạn. Ý nghĩa của plan B trong cuộc sống chính là: vào những ngày bình thường giống như đun nước lọc, bạn cho thêm hai thìa đường vào trong đó.
Con người, luôn phải chừa cho mình một con đường lui, cho dù không tạo ra được thành tựu gì to lớn, nhưng ít nhất vào lúc chúng ta thất nghiệp, nó có thể bảo toàn cho chúng ta một mạng, ít nhất cũng không phải vác bị ra đường.
Một người bạn của tôi tên D., cô ấy từng nói thế này: viết lách là một trong những nghề tay trái thích hợp nhất với người bình thường.
Viết lách không chịu giới hạn của thời gian và không gian, ngay cả khi bạn không thể ra khỏi nhà, chỉ cần sau khi tan làm dành ra 1,2 tiếng đồng hồ, một tuần kiếm 1,2 triệu là điều hoàn toàn có thể.
Bản thân D. từ khi bắt tay vào plan B cho mình tới nay đã được hai năm, bắt đầu với những bài viết trên các nền tảng miễn phí, cho tới những bài viết chỉ được 30, 50 ngàn đồng, tăng lên 100,200 ngàn, rồi sau những nỗ lực không ngừng nghỉ và kiên trì, hiện tại, một bài viết của cô được 1 đến 2 triệu là chuyện bình thường.
Cứ như vậy, nghề tay trái của cô ấy thu nhập gấp 5 lần nghề chính.
Và quan trọng hơn đó là dù phải đối mặt với nguy cơ nghề nghiệp trong lần dịch bệnh này như bao người, D. vẫn có thể ung dung ở nhà mà chẳng cần phải lo nghĩ quá nhiều.
Học hỏi thêm nhiều một chút, tự tạo ra cho mình thêm nhiều nguồn thu nhập một chút, hai thao tác này chưa bao giờ là thừa thãi, trong cuộc sống hàng ngày có thể bạn chưa thấy được tác dụng to lớn của chúng, nhưng vào thời khắc quyết định, chúng sẽ trở thành chiếc phao cứu sinh thần thánh của bạn.
Vậy câu hỏi đặt ra là, làm sao để tìm ra được nghề tay trái hay một Plan B thích hợp với bản thân.
Ở đây tôi gợi ý một công cụ có tên: MPS
Công cụ phân tích MPS được đề xuất bởi Tal Ben-Shahar, Thạc sĩ Tâm lý học, Tiến sĩ Triết học và Hành vi tổ chức tại Đại học Harvard. Chúng ta có thể sử dụng nó để tìm ra công việc phụ phù hợp với mình:
Trước tiên hãy viết M (việc bạn cho là có ý nghĩa với mình);
Sau đó viết P (việc khiến bạn hạnh phúc khi làm);
Cuối cùng viết S (việc mà bạn giỏi);
Sau đó lấy "giao điểm" của chúng, và đó chính là công việc phụ phù hợp với bạn.
Nếu bạn vẫn chưa rõ ràng, hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:
Bạn thường đọc gì khi rảnh? Hay thường lướt những nội dung gì trên mạng?
Bạn bè và gia đình của bạn hay xin bạn lời khuyên ở lĩnh vực nào nhất?
Bạn thích giúp đỡ người khác ở những chuyện nào nhất?
Bạn có thể tạo ra thành tích hay sự đột phá ở những việc nào?
Ví dụ, B. thích đồ ăn. Cô ấy nghĩ rằng việc chia sẻ đồ ăn ngon từ khắp các hàng quán là điều rất có ý nghĩa. Vì vậy, ngoài công việc chính, bất cứ khi nào có thời gian rảnh, cô ấy sẽ đi tìm và review những món ăn ngon trên mạng cho mọi người.
Hay bạn rất thích tiếng Ý và có năng khiếu, nhưng dòng đời đưa đẩy bạn phải làm một công việc không liên quan tới tiếng Ý, bạn có thể lựa chọn đi dạy thêm hoặc làm những vlog online chia sẻ về tiếng Ý, các típ học cho những người quan tâm ngoài thời gian đi làm công việc chính của mình.
Cuộc đời có vô vàn những khả năng và cơ hội, quan trọng là bạn có đủ động lực thoát khỏi "tấm chăn lười" và phát triển những khả năng tiềm ẩn bên trong mình hay không. Một plan B không những giúp bạn có thêm thu nhập mà còn làm đời sống tinh thần của bạn phong phú và tích cực hơn rất nhiều.