• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bệnh háo danh, hình thức từ những nữ hoàng tự phong và hệ lụy của danh hiệu "trên trời"

Văn hoá 15/07/2019 16:30

(Tổ Quốc) - Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam, Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam, Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam…những danh xưng lạ hoắc và không giống ai đó được những người tổ chức "bán" một cách trá hình để thỏa mãn sự háo danh của một số người. Và hệ lụy từ đó không hề nhỏ.

Việc "loạn" các danh hiệu tự phong không phải mới. Cách đây hơn chục năm, đã có một thời kỳ, nhan nhản các danh hiệu hoa hậu đến mức người ta ví von "ra ngõ gặp hoa hậu". Sau đó, các danh hiệu tự phong lại nhan nhản mọc như "ông hoàng…" này "nữ hoàng...." kia. Thậm chí có cả danh hiệu "nữ hoàng nội y" để tán tụng chỉ vì cô người mẫu mặc nội y khoe thân hình đẹp.

photo-1

Những danh hiệu từ trên trời rơi xuống

Có dạo, một hiệp hội tổ chức phong tặng, trao bằng chứng nhận cho một ca sĩ là "giáo sư âm nhạc" khiến dư luận được phen "chấn động". Bởi lẽ, ở nước ta, Giáo sư là học hàm dành cho các cán bộ giảng dạy cao cấp ở các bộ môn thuộc trường đại học hoặc viện nghiên cứu, được nhà nước Việt Nam phong tặng vì đáp ứng đủ các tiêu chí do luật định trong các hoạt động (lĩnh vực) đào tạo và nghiên cứu khoa học. Như vậy, ở Việt Nam chỉ có Giáo sư nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc, chứ không có giáo sư âm nhạc. Chưa kể, người được tặng danh hiệu này chỉ hoạt động trong lĩnh vực ca hát mà không nghiên cứu hay giảng dạy gì.

Còn nhớ, cách đây hai năm, tình trạng "loạn" phong tặng danh hiệu do các hội nghề nghiệp tổ chức đã lên đến mức báo động. Hàng loạt danh hiệu "bỗng dung" xuất hiện như "Đền thiêng linh ứng đạt tiêu chuẩn văn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam"; Bằng chứng nhận, tôn vinh "Phong tặng nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt"; công nhận "Việt Nam linh thiêng cổ tự", bằng chứng nhận "Tôn vinh nghệ nhân"… Trước tình trạng này, năm 2017, Bộ VHTTDL đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan chấn chỉnh các hội nghề nghiệp ở nước ta phong các danh hiệu trong lĩnh vực văn hóa không đúng chức năng, thẩm quyền và trái với quy định của pháp luật.

Mới đây, dư luận cũng xôn xao với những danh hiệu "trên trời" như "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam", "Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam", "Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam", "Nữ hoàng ngành thép".... được một đơn vị chuẩn bị tổ chức tôn vinh. Sự rùm beng từ sự kiện này, có lẽ không ở việc đơn vị tổ chức đã xin phép cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức hay chưa, mà bởi những danh hiệu "không giống ai". Sự kiện này sau đó đã không thể diễn ra nhưng cũng là bài học cho các đơn vị tổ chức sự kiện. Đó là cần tôn trọng Luật pháp và hãy lựa chọn những danh hiệu xứng tầm sự kiện chứ không nên "thùng rỗng kêu to".

Không phải ngẫu nhiên mà cha ông chúng ta từng nói "y phục xứng kỳ đức". Cái danh mà chúng ta có phải xứng với tài năng, cống hiến của mình.

32352gỡ-biển

Dư luận không đồng tình với những chương trình trao danh hiệu hão

Theo TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, việc loạn danh hiệu là biểu hiện của bệnh háo danh, hình thức và nếu không có điều chỉnh, xã hội sẽ có những rối loạn nhất định.

TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, rối loạn có thể là, chúng ta có thể đặt những người không đúng trình độ vào những vị trí không thuộc về họ. Khi những người đó ngồi chỗ không thuộc về mình, một mặt, họ không thực hiện được nhiệm vụ, chức trách của mình, làm ảnh hưởng xấu đến công việc chung, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội; mặt khác, họ làm cho những người có năng lực, nhưng có thể vì lý do này hay lý do kia, không có được những bằng cấp, danh hiệu nên không được đặt vào đúng vị trí của họ, cảm thấy hụt hẵng, mất ý chí phấn đấu.

Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn, bên cạnh đó, vì "danh hão", nhiều người có thể làm những việc ảnh hưởng đến uy tín của mình như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng hay khoe khoang tiền của, nhà cửa, xe cộ…Và cuối cùng, căn bệnh này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, khi người dân không thể phân biệt thật giả trong bằng cấp, trong vị trí và trong công việc. Từ hệ lụy này sẽ dẫn dắt đến các hệ lụy khác trong xã hội.

Những điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi hầu hết các cá nhân, đơn vị, khi tham gia vào cuộc chơi được đặt tên mỹ miều là "tôn vinh thương hiệu" này đều phải đóng một khoản phí nhất định với số tiền thấp nhất là hàng chục triệu đồng. Sự "mua", "bán" danh hiệu này dẫn đến việc loạn danh hiệu và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác trong xã hội.

Hiện có 02 văn bản quy phạm pháp luật để giám sát hoạt động biểu diễn như Nghị định 79/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 15/2016/NĐ-CP) đã quy định rất rõ ràng về số lượng các cuộc thi người đẹp tổ chức hằng năm ở trong nước. Theo đó, việc phong tặng, thi người đẹp với những cuộc thi không được cấp phép theo kiểu "tự xưng danh hiệu", đơn vị tổ chức có thể sẽ bị "phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp có quy mô vùng và phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam" (Điều 14 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo).

Trong vai trò quản lý nhà nước, Người phát ngôn Bộ VHTTDL cho rằng, thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ siết chặt quản lý và kịp thời xử lý những sai phạm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng các danh hiệu tự phong một cách tùy tiện, gây bức xúc trong dư luận.

Hy vọng từ sự đồng thuận của dư luận, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, tình trạng loạn danh hiệu sẽ sớm chấm dứt./.

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ