(Tổ Quốc) - Anh C mắc COVID-19 trong tình trạng suy hô hấp nặng (ARDS), cân nặng hơn 100 kg nên được can thiệp các biện pháp điều trị chuyên sâu. Sau khi 'vượt qua cửa tử', anh đã được xuất viện.
Ngày 17/9, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết đơn vị đã hoàn tất thủ tục xuất viện cho bệnh nhân COVID-19 thứ 500.
Bệnh nhân này là anh V.H.C (34 tuổi, tại Bình Dương). Ngày 19/08, anh nhập Bệnh viện Gia Định trong tình trạng khó thở, suy hô hấp tiến triển từ thở oxy mask sang oxy liều cao (HFNC).
ThS.Bs Huỳnh Minh Hồng- Trưởng khoa điều trị COVID-19 A2 của bệnh viện cho biết các bác sĩ theo dõi sát và phát hiện bệnh nhân không đáp ứng được thở oxy liều cao nên phải can thiệp hỗ trợ hô hấp bằng đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn kết hợp cho bệnh nhân nằm sấp, lọc máu liên tục.
"Vài ngày sau, hô hấp bệnh nhân được cải thiện dần, ngưng lọc máu liên tục, cai máy thở. Để có được thành quả này là sự nỗ lực của cả tập thể BV Nhân dân Gia Định, Ban giám đốc đã đưa ra quy trình hội chẩn liên khoa, đánh giá kịp thời bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến nặng", bác sĩ Hồng cho hay.
Sau gần một tháng điều trị tích cực, bệnh nhân C. đã vượt qua "cửa tử", từ tình trạng suy hô hấp cần phải thở máy đặt nội khí quản đến nay đã hồi phục một cách ngoạn mục, bệnh nhân được xuất viện với kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân V.H.C đã không giấu được xúc động khi được xuất viện ra về: "Trong thời gian điều trị ở bệnh viện, tôi thấy các bác sĩ điều trị rất tận tình, thức đêm, không được ngủ ngon giấc. Chỉ có người bệnh mới hiểu được những gì bác sĩ đã làm cho mình, lúc nào họ cũng lo lắng theo dõi tình hình của bệnh nhân".
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo- Điều dưỡng trưởng Khoa điều trị COVID-19 A2 - cho biết, việc chăm sóc bệnh nhân này là nỗ lực rất lớn không chỉ của bác sĩ, điều dưỡng mà cả hộ lý. Bệnh nhân còn trẻ, khi biết mắc COVID-19 tỏ ra lo lắng, các nhân viên y tế phải động viên, hỗ trợ tinh thần để bệnh nhân an tâm điều trị.
"Cân nặng của bệnh nhân hơn 100kg, trong quá trình chăm sóc phải có 2-3 điều dưỡng, hộ lý xoay trở cho bệnh nhân. Chăm sóc bệnh nhân bình thường đã vất vả nhưng bệnh nhân COVID-19 thì càng cực hơn vì phải mặc bộ đồ PPE và bệnh nhân tình trạng nặng nên càng áp lực. Tuy nhiên tất cả các điều dưỡng đều nhiệt tình chăm sóc bệnh nhân, không kêu ca", chị Thảo nói.