• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bệnh tay chân miệng lan rộng ở phía Nam, 6 trẻ tử vong

Thời sự 28/09/2018 17:39

(Tổ Quốc) - Từ đầu năm đến nay đã có 6 trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh tay chân miệng. Trong đó có  2 trường hợp ở tỉnh Tây Ninh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre mỗi địa phương 1 trường hợp tử vong.

PGS TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay, bệnh tay chân miệng là một bệnh phổ biến lưu hành ở các tỉnh khu vực phía Nam với trung bình từ 200.000-100.000 ca bệnh mỗi năm. Mùa dịch thường rơi vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11.

Năm 2018, số ca mắc bệnh chung của cả khu vực miền Nam vẫn thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng trong tháng 8 và tháng 9 có sự gia tăng đột biến, tăng đến 50% so với các tháng trước đó.

Số ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng tăng đột biến, trong đó có nhiều ca nặng, phải thở máy

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đồng Nai có hơn 4.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 90% là trẻ dưới 3 tuổi. Gần đây, có những tuần trên địa bàn tỉnh ghi nhận đến 500 ca bệnh tay chân miệng, có nhiều trường hợp bệnh trở nặng nguy hiểm.

Tại tỉnh Bình Dương, trong tháng 8, toàn tỉnh phát hiện 478 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần 50% so với tháng trước. Còn ở TP HCM, các ca bệnh bắt đầu có xu hướng tăng trong tháng 8 và tháng 9 với hơn 200 ca nhập viện mỗi tuần.

Đặc biệt có những tuần gần 300 ca, tăng 47% so với các tháng trước đó. Tổng số ca bệnh nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng của TP hiện là 3.200 ca và 15.500 ca điều trị ngoại trú.

Đã có 6 trẻ tử vong vì bệnh tay chân miệng

“Từ đầu năm đến nay đã có 6 trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh tay chân miệng. Trong đó có  2 trường hợp ở tỉnh Tây Ninh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre mỗi địa phương 1 trường hợp tử vong” - PGS TS Phan Trọng Lân thông tin.

Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho hay, qua điều tra dịch tễ cho thấy, một trong những nguyên nhân số ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng tăng đột biến, có sự phổ biến của virus EV71. Chủng virus này chiếm 25% tổng ca mắc.

Virus này khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong. Đặc biệt, có sự biến đổi chủng gen của virus EV71 từ C5 sang C4 – đây là chủng gen virus gây nên dịch bệnh tay chân miệng ở Việt Nam vào năm 2011 với 70.000 người mắc và 145 người tử vong. Chủng này cũng dễ gây biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi cao gấp 1,7 lần so với các chủng gen khác của virus EV71.

Đức Duy

Đức Duy

NỔI BẬT TRANG CHỦ