• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bệnh tay chân miệng tăng gấp 5: Chỉ đạo khẩn từ Sở y tế TP HCM

Thời sự 29/09/2018 12:24

(Tổ Quốc) - Sở y tế TP HCM vừa có văn bản khẩn gửi các bệnh viện, trung tâm y tế và phòng y tế quận huyện trên địa bàn về sự xuất hiện của chủng virus EV71 khiến số ca bệnh tay chân miệng tăng cao, biến chứng nặng.

Phó giám đốc sở y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết, từ số liệu báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn TP, từ đầu tháng 9 đến nay số lượng bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng gia tăng đáng kể. Trong đó, nhiều trường hợp dương tính với Enterovirus 71 (virus EV71). Đây là tác nhân gây nhiều biến chứng nặng và tỉ lệ tử vong cao nhưng, các triệu chứng thường không điển hình, dễ bỏ sót.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng, đảm bảo an toàn cho người bệnh, Sở Y tế TP đề nghị các cơ sở y tế tiếp nhận và điều trị bệnh nhân bệnh tay chân miệng theo đúng hướng dẫn của Bộ y tế.

Bệnh tay chân miệng tăng cao trong tháng 9

Theo dõi sát diễn tiến của bệnh để có phương án xử trí phù hợp, kịp thời. Nếu không có điều kiện hồi sức nhỉ, phải chuyển ngay đến bệnh viện: Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố.

Đối với người bệnh ngoại trú, bác sĩ điều trị cần thực hiện thăm khám toàn diện, đặc biệt là trẻ nhỏ nhằm phát hiện và chân đoán kịp thời các trường hợp bệnh tay chân miệng. Lưu ý các dấu hiệu bệnh nặng, dấu hiệu chuyển độ để có phương án xử trí kịp thời, phù hợp.

Với trường hợp chưa có chỉ định nhập viện, phải hướng dẫn người bệnh, thân nhân người bệnh cách theo dõi bệnh nhân tại nhà và nhận biết các dấu hiệu cần phải đến cơ sở y tế để được khám ngay. Cho nhập viện hoặc chuyển tuyến đối với những trường hợp có chỉ định.

Với trường hợp người bệnh có dấu hiệu cấp cứu, phái nhanh chóng chuyển vào khoa Cấp cứu để xử trí kịp thời.

Đối với bệnh nhân nội trú phải tổ chức cách ly, theo dõi sát người bệnh để phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng, chuyên độ và các biến chứng tim mạch, hô hấp, thần kinh, đảm bảo phương án xử trí phù hợp. Trường hợp khó chẩn đoán và điều trị phải tổ chức hội chẩn chuyên gia kịp thời hoặc chuyển tuyến theo quy định.

Dự trù và chuẩn bị đầy đủ thuốc (Immune Globulin, Milrinone, thuốc chống co giật…), vật tư trang thiết bị cần thiết (máy thở, monitor, máy đo SpO2...) để đáp ứng nhu cầu điều trị.

Tổ chức huấn luyện cho bác sĩ trong toàn bệnh viện về phát hiện, chẩn đoán, phân độ bệnh tay chân miệng và có kế hoạch điều trị phù hợp theo từng phân độ.

Bệnh nhi bị tay chân miệng điều trị ở BV Nhi đồng 1

Riêng các bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối và bệnh viện Bệnh nhiệt đới cần huấn luyện về điều trị nâng cao cho bác sĩ ở các khoa: Cấp cứu, Hồi sức, Nhiễm tập trung về Hồi sức tim mạch, hô hấp, thần kinh. Trường hợp tử vong cần phân tích rõ và rút kinh nghiệm cụ thể từng trường hợp.

Các cơ sở y tế cử nhân viên y tế tham các khóa tập huấn về phát hiện, chẩn đoán và xử trí bệnh tay chân miệng nhằm trang bị, cập nhật kịp thời những kiến thức cần thiết.

Sở Y tế TP đề nghị các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị báo cáo về sở để được hướng dẫn.

Theo Trung tâm y tế dự phòng TP HCM, năm 2018, bệnh tay chân miệng tại TP cũng diễn tiến như các năm trước. Số trường hợp nhập viện nội trú xoay quanh con số 100. Đến tháng 7 và tháng 8, bệnh nhập viện có xu hướng tăng nhẹ theo chu kỳ với trung bình nhập viện hàng tuần là 140 và 190.

Tuy nhiên, trong 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện TP HCM có hiện tượng gia tăng nhanh. Đồng thời số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh chóng so với trước đó.

Trong số những ca bệnh nhập viện vào các bệnh viện tuyến cuối của thành phố như bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện Nhi đồng 2, có đến gần 60% là các ca bệnh đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Tại TP HCM, từ 14 – 20/9, có 289 ca bệnh tay chân miệng nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca).

Tổng số ca tay chân miệng nhập viện tính đến hết 20/9 là 3.195, giảm 20% so với cùng kỳ 2017. Bên cạnh đó, số ca khám ngoại trú đến hết tuần 38 là 15.499 giảm 28% so với cùng kỳ 2017.

Đức Duy

Đức Duy

NỔI BẬT TRANG CHỦ