(Tổ Quốc) - Kể từ khi dịch viêm phổi Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra bùng phát, giới chuyên gia và các nhà chức trách tại Trung Quốc đã tranh luận rất nhiều về nguồn gốc của loại virus này. Hay cụ thể hơn: Đâu là "bệnh nhân số 0"?
"Bệnh nhân số 0" là một thuật ngữ dùng để chỉ người đầu tiên nhiễm bệnh trong một đợt bùng phát dịch bệnh do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Ngày nay, công nghệ phân tích di truyền cho phép các nhà khoa học lần theo dấu vết của virus thông qua những người đã nhiễm. Kết hợp cùng các nghiên cứu về dịch tễ, khoa học có thể xác định được những người có khả năng là "bệnh nhân số 0", châm ngòi kích nổ dịch bệnh bùng phát.
Thông thường trong một dịch bệnh, việc xác định được hay không những "bệnh nhân số 0" có thể là đầu mối quan trọng, để biết được thời gian, địa điểm và lý do dịch bệnh bùng nổ.
Vậy "Bệnh nhân số 0" của dịch Covid-19 là ai?
Để trả lời một cách ngắn gọn thì... không, đó vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải!
Khi dịch bệnh mới xuất hiện tại Trung Quốc, các nhà chức trách đã thông báo về trường hợp đầu tiên xác nhận nhiễm virus chủng mới vào ngày 31/12, và rất nhiều ca "viêm phổi lạ" có liên hệ với một khu chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Tuy nhiên sau đó, một nghiên cứu do chính các chuyên gia Trung Quốc thực hiện lại chỉ ra rằng người đầu tiên có các triệu chứng nhiễm Covid-19 là từ ngày 1/12/2019 - sớm hơn rất nhiều so với những gì được công bố trước đó.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, trong đó hé lộ người bệnh thậm chí không có bất kỳ liên hệ gì với khu chợ hải sản nói trên.
Hình ảnh thường thấy ở khu chợ Hoa Nam (Vũ Hán) trước khi bị phong tỏa vào ngày 1/1/2020
Wu Wenjuan, một bác sĩ kỳ cựu tại bệnh viện Kim Ngân Đàm của Vũ Hán - một trong những tác giả nghiên cứu cho biết bệnh nhân ấy là một người đàn ông cao tuổi, có tiền sử mắc Alzheimer.
"Ông ấy sống cách khu chợ hải sản ít nhất 4-5 lượt xe bus, và vì ông vốn có bệnh nên hiếm khi ra ngoài," - Wu chia sẻ. Ngoài ra, có thêm 3 người khác phát tác triệu chứng tương tự những ngày sau đó, và 2 trong số này cũng không có liên hệ với chợ Hoa Nam.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu sau đó cũng xác định 27/41 bệnh nhân nhập viện từ những ngày đầu dịch bệnh nổ ra có tiếp xúc với khu chợ. Và mặc nhiên giả thuyết được đặt ra, rằng dịch bệnh bắt nguồn từ chợ Hoa Nam từ vật chủ là những loài động vật hoang dã. Chúng lây sang người từ động vật, rồi chuyển sang lây từ người sang người - theo giả thuyết của Tổ chức y tế thế giới WHO.
Liệu một người có khả năng châm ngòi cho cả dịch bệnh?
Giai đoạn 2014 - 2016, dịch Ebola tại Tây Phi là một trong những dịch bệnh do virus lớn nhất kể từ năm 1976 - thời điểm khoa học xác định được virus gây bệnh. Theo thống kê của WHO, Ebola đã khiến ít nhất 11.000 người tử vong, lây nhiễm cho hơn 28.000 trường hợp.
Dịch bệnh bùng nổ trong vòng 2 năm, lây lan sang 10 quốc gia khác nhau. Chủ yếu các ca bệnh diễn ra tại châu Phi, nhưng một số trường hợp xuất hiện cả ở Mỹ, Tây Ban Nha, Anh Quốc và Ý.
Khu chống dịch Ebola tại châu Phi
Các chuyên gia khi đó đã kết luận rằng dịch bệnh đến từ một chủng virus mới, và được châm ngòi chỉ bởi đúng 1 người - bé trai 2 tuổi từ Guinea. Cậu bé có thể đã nhiễm bệnh khi chơi đùa trong hốc cây vốn là tổ của một đàn dơi.
Nói cách khác, cậu bé này chính là "bệnh nhân số 0" của dịch Ebola. Từ đây, các chuyên gia đã điều tra ngôi làng của cậu bé - làng Meliandou, lấy mẫu xét nghiệm, khảo sát người dân để có thêm thông tin trước khi công bố rộng rãi.
Tuy nhiên, "bệnh nhân số 0" nổi tiếng nhất lịch sử phải kể đến Mary Mallon với biệt danh "Mary thương hàn", vì cô chịu trách nhiệm cho dịch sốt thương hàn tại New York vào năm 1906.
Dịch sốt thương hàn New York có nguồn gốc từ Mary Mallon - hay còn gọi là "Mary thương hàn"
Từ quê hương Ireland, Mallon đến Mỹ sinh sống và làm đầu bếp cho các gia đình giàu có. Đến khi một loạt các trường hợp nhiễm thương hàn xảy ra trong giới nhà giàu New York, các bác sĩ buộc phải tìm hiểu và xác định được nguồn cơn lây nhiễm chính là Mallon. Ở bất kỳ nơi nào cô làm việc, thành viên trong gia đình đều có người nhiễm thương hàn. Các bác sĩ ở thời điểm đó gọi cô là "vật chủ khỏe mạnh" - những người bị nhiễm bệnh nhưng không phát tác bất kỳ triệu chứng nào, và thường lây nhiễm cho rất nhiều người.
Một số bằng chứng chỉ ra rằng có những người mang khả năng lây nhiễm "hiệu quả" hơn người khác, và Mallon là một trường hợp như thế. Cô là trường hợp sớm nhất được ghi nhận với khả năng "siêu lây nhiễm" trong một dịch bệnh. Ở thời điểm đó, dịch thương hàn do Mallon đem đến đã lan tỏa cho hàng ngàn người New York, với tỉ lệ tử vong lên tới 10%.
"Bệnh nhân số 0" - cụm từ có thể đem đến sự kỳ thị
Đây là nỗi sợ của rất nhiều chuyên gia y tế. Họ lo ngại rằng việc cố gắng xác định và công bố trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh có thể gây nhiễu loạn thông tin, đồng thời khiến bệnh nhân trở thành mục tiêu bị công kích. Điều này thậm chí còn tệ hơn, nếu "bệnh nhân số 0" bị xác định sai.
Một trong những trường hợp "bệnh nhân số 0" nổi tiếng nhất từng bị nhận định sai có liên quan đến dịch virus HIV/AIDS - thứ từ lâu đã được xem là căn bệnh thế kỷ. Đó là Gaetan Dugas - một tiếp viên hàng không đồng tính người Canada đã bị đổ lỗi làm lây lan virus HIV cho người Mỹ vào thập niên 1980. Nhưng năm 2016 - hơn 3 thập kỷ sau, các nhà khoa học nhận định rằng Dugas không thể là "bệnh nhân số 0" được, bởi bằng chứng chỉ ra rằng virus đã được đưa từ Caribbean đến châu Mỹ từ đầu thập niên 1970.
Một chi tiết thú vị là chính trong dịch HIV, thuật ngữ "bệnh nhân số 0" đã tình cờ được tạo ra. Cụ thể khi điều tra sự lây lan của dịch bệnh tại Los Angeles và San Francisco vào đầu thập niên 1980, các nhà nghiên cứu của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) đã sử dụng chữ "O" để chỉ các trường hợp nhiễm bệnh "bên ngoài bang California".
Sau đó, một số chuyên gia khi tiếp nhận nghiên cứu đã hiểu nhầm "O" thành số "0", và kể từ đó khái niệm "bệnh nhân số 0" ra đời.