(Tổ Quốc) - Hàng trăm chiếc Airbus mới toanh vẫn đang nằm chờ tại các nhà kho châu Âu bất chấp những hợp đồng khổng lồ giữa Trung Quốc với Airbus.
Bloomberg đưa tin, hãng sản xuất máy bay Airbus đang đứng trước khó khăn lớn với hàng trăm chiếc máy bay đang chất đầy trong các nhà máy tại Đức và Pháp. Theo đó, Airbus muốn bán gần 200 chiếc máy bay đến Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại các hãng hàng không Trung Quốc lại chưa thể nhận số máy bay này, ngay cả khi đơn hàng đã hoàn thành và chỉ chờ được chuyển đi.
Nguyên nhân được cho là do các nhà quản lý hàng không Trung Quốc vẫn chưa cấp phép hoạt động cho các mẫu máy bay mới của Airbus.
Tại các nhà máy của Airbus ở Đức và Pháp, hàng chục chiếc Airbus A320neo và A321neo vẫn đang phải nằm “đắp chiếu” chờ quyết định cuối cùng của Cơ quan Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC). Trong số đó, có những chiếc thuộc danh sách giao hàng từ mùa xuân năm ngoái. Khoảng gần 10 chiếc A350 sản xuất riêng cho các hãng hàng không Trung Quốc cũng đang bị nghẽn tại các nhà kho của Airbus ở thành phố Toulouse, Pháp.
Đối với tham vọng thâm nhập thị trường hàng không lớn nhất thế giới trong vòng hai thập kỷ trở lại đây của Airbus và Boeing, việc được chính quyền Trung Quốc “bật đèn xanh” đã trở thành một trong những thách thức khó khăn nhất.
Theo Bloomberg, lý do chính xác cho việc chậm cấp giấy phép cho Airbus tại Trung Quốc hiện cũng chưa rõ ràng. Một số nguồn tin nội bộ tiết lộ, nguyên nhân có thể xuất phát từ chính trị hơn là công nghệ. Sự trì hoãn này được cho là nằm trong một danh sách yêu cầu của Bắc Kinh, trong đó bao gồm nhiều vấn đề từ thỏa thuận an toàn với châu Âu cho đến gia tăng chế tạo máy bay tại Trung Quốc…
Richard Aboulafia, Phó Chủ tịch công ty tư vấn hàng không Teal Group nhận định, đây chính là ngoại giao kinh doanh. “Các thương vụ mua máy bay luôn dính dáng đến chính trị,” Aboulafia nói. Quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong địa hạt hàng không - trong vai trò của cả khách hàng và đối thủ, đã đem lại cho họ vị thế độc tôn trước Boeing và Airbus.
Trong khi đó, Airbus rõ ràng đang cố hết sức để làm vừa lòng chính quyền Trung Quốc.
Trong chuyến thăm chính thức mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Bắc Kinh, nhà sản xuất máy bay châu Âu đã tuyên bố, hãng này sẽ mở rộng sản xuất nằm trong quy trình lắp ráp cuối tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc - từ bốn chiếc A320 mỗi tháng lên thành 6 chiếc vào năm 2020. Airbus thậm chí còn đề cập đến ý tưởng thiết lập mối quan hệ đối tác công nghiệp với Trung Quốc trong việc chế tạo mẫu máy bay lớn nhất thế giới A380.
Bên trong nhà máy sản xuất Airbus tại Thiên Tân, Trung Quốc |
Cuối tháng 10 năm ngoái, Giám đốc điều hành Airbus Fabrice Brégier đã đến Bắc Kinh, gặp gỡ với giám đốc CAAC Feng Zhenglin, nhằm thảo luận hoạt động kinh doanh của Airbus tại Trung Quốc, trong đó bao gồm cả việc cấp phép bay cho các máy bay Airbus.
Hiện tại, cả CAAC và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều không đưa ra phản hồi trước yêu cầu bình luận về sự trì hoãn cấp phép đã đề cập ở phía trên. Về phần Airbus, hãng này phủ nhận khả năng các vấn đề chính trị đã ảnh hưởng tới quyết định của nhà quản lý Trung Quốc.
“Đây là một quá trình thông qua mang tính kỹ thuật… không phải là chính trị,” phát ngôn viên của tập đoàn nói. “Số lượng máy bay khá nhỏ, và chúng sẽ được giao trong thời gian ngắn”.
Tham vọng vươn ra thế giới của hàng không Trung Quốc
Cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc vẫn được coi là một trong số những đơn vị “khó nhằn” nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Bloomberg cho biết, trong ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc, hầu hết mọi thứ xảy ra đều liên quan tới tham vọng to lớn của Bắc Kinh: trở thành đối thủ xứng tầm với Boeing và Airbus.
“Người Trung Quốc khá thành công trong việc gây dựng áp lực lên một số mong muốn của họ,” một quan chức cấp cao của Airbus nhận xét. “Họ luôn tỏ ra chậm trễ trong việc trao giấy phép cho các chương trình hàng không, cho dù là Boeing hay Airbus”.
Chỉ đến những ngày cuối cùng của năm ngoái, Airbus mới nhận được giấy phép hoạt động cho mẫu A321neo mới, sử dụng động cơ Pratt & Whitney. Quyết định này được thông qua trong gần một năm, ngay cả sau khi rất nhiều máy bay trong đơn đặt hàng đã được xuất xưởng. Các máy bay A320neo và A320neo với động cơ CFM International hiện vẫn chưa được cấp phép.
Trong ngành công nghiệp máy bay, việc đặt thêm đơn hàng ngay cả khi các đơn hàng trước chưa được hoàn thành - là điều vẫn xảy ra. Theo thống kê của tạp chí Air Transport World, năm 2017, các hãng hàng không Trung Quốc đã nhận về 424 chiếc máy bay của Airbus, Boeing và các nhà sản xuất máy bay khác.
Thông thường, nhà quản lý Trung Quốc sẽ có quyết định cấp giấy phép vào gần thời điểm diễn ra các chuyến thăm chính trị đi kèm với những hợp đồng khác. Giữa tháng 10/2017, Boeing cũng đã nắm trong tay giấy phép cho mẫu máy bay 737 Max – ngay trước chuyến công du tới Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 11. Cũng trong dịp này, Mỹ và Trung Quốc cũng đã ký một thỏa thuận về an toàn hàng không sau hơn 10 năm thương lượng.
Trung Quốc hiện đang trong quá trình hoàn thiện một thỏa thuận an toàn bay song phương mới với châu Âu, trong đó công nhận các tiêu chuẩn có thể bay của Trung Quốc. Nếu thành công, văn kiện này được đánh giá là sẽ góp phần lớn thúc đẩy ngành sản xuất và cung cấp máy bay của quốc gia châu Á; đồng thời nâng cao cơ hội xuất khẩu các máy bay “made-in-China” sang châu Âu.
Tháng 5/2017, đối thủ trực tiếp đầu tiên của Boeing và Airbus đến từ Trung Quốc - mẫu máy bay một lối đi Comac C919 đã tiến hành lần bay thử đầu tiên.
Mẫu máy bay "made-in-China" C919 được nhiều kỳ vọng của Trung Quốc |
Trong những năm qua, Trung Quốc đã yêu cầu Airbus can thiệp với Cơ quan An toàn hàng không châu Âu và Ủy ban châu Âu, giúp xúc tiến các cuộc đàm phán về thỏa thuận an toàn hàng không. Quá trình thương lượng kéo dài rất có thể chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cấp giấy phép hoạt động chậm trễ cho các hãng máy bay nước ngoài tại Trung Quốc.
Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết, các cuộc đàm phán giữa hai bên đã kết thúc thành công vào tháng 12 vừa qua và hiệp định song phương sẽ được chính thức ký kết vào tháng 6 năm nay. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ cấp phép cho các sản phẩm hàng không châu Âu tại quốc gia châu Á.
(Theo CNN)