(Tổ Quốc) - Ba năm trước, Arab Saudi làm dấy lên một trong những bí ẩn lớn nhất của nền nghệ thuật thế giới khi bỏ ra 450 triệu USD mua tác phẩm "Salvator Mundi" của danh họa Leonardo da Vinci nhưng sau đó lại hoàn toàn không để nó xuất hiện công khai bất kỳ một lần nào nữa.
Tuy nhiên, mới đây dường như các câu hỏi liên quan tới tung tích của bức tranh nổi tiếng đã có lời giải đáp. Theo tờ Wall Street Journal, Bộ Văn hóa mới của Saudi lên kế hoạch giữ bức tranh trong kho cho tới khi họ có thể xây được một bảo tàng… xứng tầm với nó.
Đây là một phần trong tham vọng trị giá nhiều tỷ đô la đưa Saudi trở thành một điểm đến nghệ thuật hàng đầu thế giới.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Saudi Mohammed Fayez cho hay, trong thập kỷ tới, vương quốc dự định thành lập hàng chục tổ chức nghệ thuật lớn bên cạnh những tổ chức nhỏ, với hy vọng có thể thu hút khách du lịch và đem về ít nhất 27 tỷ đô la cho nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là, chính phủ Saudi lại không muốn "siêu phẩm" của da Vinci trở thành tâm điểm trong chiến dịch nghệ thuật ước tính có giá trị lên tới 64 tỷ USD của mình. Theo một số quan chức trong ngành văn hóa Saudi, danh tiếng của bức tranh có thể sẽ làm lu mờ các tác phẩm nghệ thuật khác mà họ muốn giới thiệu, bao gồm cả văn hóa và nghệ thuật Saudi.
"Đó là vấn đề về sự nhận thức. Mọi người sẽ nói như thế nào về bản sắc của Saudi nếu chúng tôi đặt nó [tác phẩm "Salvator Mundi"] lên một tấm poster quảng bá?", ông Stefano Carboni, giám đốc điều hành Ủy ban Bảo tàng mới của Bộ Văn hóa chỉ ra. Ông cũng hé lộ về kế hoạch xây dựng một bảo tàng dành riêng cho nghệ thuật phương Tây - có thể sẽ là nơi bức tranh được trưng bày và nằm ngay cạnh một bảo tàng khác tập trung vào nghệ thuật Hồi giáo.
Những bàn tán xung quanh kiệt tác của da Vinci và ảnh hưởng của nó tới bản sắc văn hóa Saudi không phải là điều mới mẻ. Bức tranh hơn 500 năm tuổi miêu tả hình ảnh Chúa Jesus giơ tay ban phước – có thể trở thành một chủ đề gây tranh cãi khi được trưng bày tại quốc gia vốn vẫn tự hào là nơi khởi nguồn của Hồi giáo. Ngoài ra, mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện, nhưng những chỉ trích về tình trạng nhân quyền tại Saudi cũng góp phần khiến du khách yêu nghệ thuật quốc tế do dự khi tới đây.
"Chúng tôi là một đất nước đóng cửa trong một thời gian dài và giờ đây chúng tôi có một cơ hội để mọi người biết về mình", ông Fayez nói. "Rất nhiều thứ đã được viết về một bức tranh cụ thể nhưng chúng tôi phải tập trung vào những thứ lớn lao mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện".
Sự thúc đẩy dành cho nền nghệ thuật Arab Saudi là một phần trong những nỗ lực do Thái tử Mohammed bin Salman dẫn đầu, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ đồng thời giải phóng những truyền thống khắt khe trong xã hội. Một vài năm trước, bản thân nghệ thuật còn là một thứ bị cấm đoán tại Saudi cũng giống như rạp chiếu phim, nhà hát và các buổi hòa nhạc. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng dầu mỏ và loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng", giới chức Saudi cho hay, các kế hoạch của họ là trong dài hạn và vẫn sẽ được tiếp tục bất chấp tình trạng khó khăn của du lịch toàn cầu. "Văn hóa không ngừng lại vì COVID-19", ông Fayez nhấn mạnh. "Chúng tôi không ngừng mà tiến về phía trước".
Kể từ khi cha là Vua Salman nắm quyền vào năm 2015, Thái tử Mohammed đã xóa bỏ rất nhiều hạn chế xã hội. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục theo đuổi một lập trường cứng rắn về mặt chính trị khi tiến hành "loại bỏ" bằng cách này hay cách khác nhiều đối thủ chính trị tiềm năng và những người chống đối. Chính quyền Saudi được cho là đứng sau vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2018 nhưng Riyadh đã phủ nhận sự liên quan của thái tử với vụ việc.
Trong giới nghệ thuật Saudi, căng thẳng bùng phát hồi đầu năm khi các giám tuyển viên tại liên hoan nghệ thuật Desert X ở California hợp tác với các nghệ sĩ trong và ngoài Saudi để chuẩn bị cho một buổi triển lãm các tác phẩm nghệ thuật đương đại tổ chức trên sa mạc Saudi. Ba thành viên thuộc hội đồng quản trị của Desert X đã nộp đơn từ chức nhằm thể hiện sự phản đối trước tình trạng nhân quyền tại Saudi.
Phát ngôn viên của Bộ Văn hóa Saudi từ chối nói về các thách thức liên quan tới chính trị nhưng vẫn khẳng định, vương quốc "đang thực hiện nhiều sáng kiến để hỗ trợ và cung cấp nền tảng cho các tài năng sáng tạo". "Mở cửa du lịch và phát triển quan hệ với các đối tác quốc tế trong nền nghệ thuật toàn cầu sẽ thúc đẩy vương quốc trở thành một điểm đến nghệ thuật".
Một thập kỷ trước các quốc gia như Trung Quốc và Qatar cũng phải đối mặt với những chỉ trích tương tự khi muốn thúc đẩy nền văn hóa; và giờ đây cả hai đều được coi là những trung tâm văn hóa lớn của thế giới.
Được cử làm bộ trưởng văn hóa đầu tiên của Saudi, Hoàng tử Bader bin Abdullah bin Mohammed đã thành công giành được các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong các cuộc đấu giá, bao gồm các kiệt tác của Pablo Picasso, Jean-Michel Basquiat, Yayoi Kusama và David Hockney…
Cũng chính Hoàng tử Bader là người đã có được "Salvator Mundi" vào 3 năm trước. Ban đầu ông phủ nhận mình là người mua; sau đó lại nói, ông trả giá trong vai trò "một người ủng hộ thân thiện" cho bảo tàng Louvre Abu Ahabi tại nước láng giềng UAE. Năm ngoái, bảo tàng này công bố sẽ triển lãm tác phẩm nhưng đến phút cuối lại "rút lời".
Ngày nay chỉ còn chưa đầy 20 tác phẩm của da Vinci đang tồn tại và đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ khi một kiệt tác của danh họa người Ý được tái phát hiện.
Cho tới thời điểm hiện tại, Saudi vẫn đang đối mặt với cả cơ hội và gánh nặng mà một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới đem lại.
"Nếu da Vinci nằm trong di sản quốc gia của chúng tôi, đương nhiên chúng tôi sẽ trưng bày bức tranh", ông Carboni đứng đầu Ủy ban Bảo tàng cho hay. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, tham vọng của vương quốc không chỉ dừng lại ở một kiệt tác nhân loại. Từng đứng đầu bộ phận Hồi giáo tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolian New York và bắt đầu gia nhập Bộ Văn hóa Saudi từ cuối tháng 2, ông Carboni mong muốn các bảo tàng tại Saudi không chỉ thu hút du khách quốc tế, mà quan trọng hơn là phải nhận được sự ủng hộ của chính người dân trong vương quốc.