(Tổ Quốc) - Theo chuyên trang thể thao ESPN, cách những nhà vô địch cờ vua sử dụng để giành chiến thắng không phải là kỹ năng thi đấu mà chính là rèn luyện thể chất.
Vào một tối giông bão đầu tháng 3 năm ngoái, Fabiano Caruana quyết định bỏ ra ngoài. Anh lái xe ba giờ từ căn hộ ở thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ đến khu đất rộng 2.000 mẫu Anh ở vùng nông thôn do một người bạn sở hữu.
Khoảng 7h30 sáng hôm sau, anh bắt đầu cuộc chạy bộ kéo dài một giờ với người bạn tập của mình Cristian Chirila. Nhìn Fabiano chạy bộ, rất dễ nhầm anh với một cầu thủ bóng đá. Cao khoảng 1m7, Caruana có thân hình săn chắc, đôi chân căng, chắc khỏe. Caruana lên lịch trình dày đặc cho ngày hôm đó: chạy 8km, một giờ chơi quần vợt, nửa giờ chơi bóng rổ và một giờ bơi lội.
Nhưng trên thực tế, Caruana là một đại kiện tướng cờ vua người Mỹ, kỳ thủ số hai thế giới. Còn người bạn tập cùng anh Chirila cũng là một đại kiện tướng người Romania. Và họ đang làm tất cả những điều đó để chuẩn bị cho nhu cầu thể chất của môn cờ vua.
Cờ vua đòi hỏi sức mạnh thể chất
Điều này dường như khá bất ngờ vì một môn thi đấu chỉ yêu cầu ngồi hàng giờ và việc tốn sức duy nhất là cử động cánh tay để di chuyển quân cờ lại có thể khiến các kiện tướng tập luyện thể chất cường độ cao đến vậy? Tuy nhiên, bằng chứng thực tế lại hoàn toàn khác. Các kỳ thủ cần có một sức khỏe cực kì tốt, không kém gì các môn thi đấu khác.
Giải vô địch cờ vua thế giới năm 1984 phải tạm hoãn sau khi diễn ra được 5 tháng và 48 trận vì đương kim vô địch lúc đó Anatoly Karpov bị sụt cân quá nhanh, khoảng 10kg. "Anh ấy trông như chết rồi vậy," kiện tướng và bình luận viên Maurice Ashley nhớ lại. Năm 2004, người chiến thắng Rustam Kasimdzhanov đã bị sụt 7.8kg trong giải vô địch thế giới.
Vào tháng 10 năm 2018, Polar, một công ty theo dõi nhịp tim có trụ sở tại Mỹ, đã theo dõi những người chơi cờ vua trong một giải đấu và phát hiện ra rằng đại kiện tướng người Nga 21 tuổi Mikhail Antipov đã đốt cháy 560 calo chỉ trong hai giờ - gần bằng lượng calo mà Roger Federer đốt cháy trong một giờ chơi quần vợt.
Các kiện tướng trong thi đấu luôn phải chịu áp lực lớn. Điều đó khiến nhịp tim và nhịp thở của họ tăng lên, buộc cơ thể họ phải tiêu hao năng lượng. Trong khi đó, các kỳ thủ ăn ít hơn trong các giải đấu, đơn giản vì họ không có thời gian và cảm giác thèm ăn.
Căng thẳng cũng dẫn đến thay đổi và rối loạn giấc ngủ, từ đó gây ra mệt mỏi nhiều hơn và có thể dẫn đến sụt cân nhanh hơn. Kasimdzhanov lưu ý sau khi thiếu ngủ, bộ não cần nhiều năng lượng hơn để đủ tỉnh táo khi thi đấu.
Tất cả kết hợp lại có thể khiến các kỳ thủ giảm trung bình là 1kg mỗi ngày, hoặc khoảng 5 -6kg trong suốt một giải đấu kéo dài 10 ngày.
Để giảm căng thẳng, các kỳ thủ ngày nay đã bắt đầu kết hợp chế độ ăn uống và thể dục nghiêm ngặt để tăng lượng oxy cung cấp cho não trong các giải đấu, ngăn ngừa các vụ đột quỵ liên quan đến sụt giảm lượng đường trong máu và não, cũng như để duy trì khả năng suy nghĩ của họ. Ashley nói: "Thể chất và hoạt động của não gắn liền với nhau".
Theo Ashley, đại kiện tướng đầu tiên của Ấn Độ là Viswanathan Anand tập nặng hai giờ mỗi đêm để mệt mỏi và không suy nghĩ gì về cờ vua nữa. Còn Kasimdzhanov chơi quần vợt và bóng rổ hàng ngày. Chirila cũng tập ít nhất một giờ tập nặng và một giờ tập tạ để rèn luyện cơ bắp trước các giải đấu.
Thói quen rèn luyện toàn diện của kỳ thủ đỉnh cao thế giới
Nhưng không một đại kiện tướng nào trong số này hoàn thiện được thói quen tập luyện của mình như cách mà nhà vô địch thế giới hiện tại, Magnus Carlsen, đã làm.
Năm 2017, Carlsen nhận ra mình gặp vấn đề. Đương kim số một thế giới trong 5 năm cảm thấy khả năng nắm giữ danh hiệu của mình ngày càng giảm đi. Anh vẫn vô địch hầu hết các giải đấu, nhưng các trận đấu của anh kéo dài hơn, chiến thắng kém chắc chắn hơn. Anh cũng cảm thấy suy yếu trong những giờ phút cuối cùng của trận đấu. Anh nhận thấy những cầu thủ trẻ hơn đang bắt kịp anh.
Vì vậy, Carlsen đã cùng cha đến thăm trung tâm huấn luyện Olympic ở Oslo, Na Uy, để tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia. Đề xuất của họ rất đơn giản: "Hãy cắt giảm lượng nước cam uống trong các giải đấu".
Trước đó, Carlsen thường sử dụng hỗn hợp nửa nước cam, nửa nước trắng để tăng cường năng lượng kể từ khi còn nhỏ. Nhưng khi ngày càng trưởng thành, cơ thể không còn phân hủy đường nhanh như trước nữa. Các chuyên gia dinh dưỡng gợi ý rằng thay vào đó anh nên uống hỗn hợp sữa sô cô la và sữa nguyên chất, loại sữa này chứa ít đường hơn nhưng cũng sẽ bổ sung cho cơ thể canxi, kali và protein.
Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu cho sự thay đổi của Carlsen. Kể từ đó, anh đã quan tâm hơn đến việc rèn luyện cơ thể cho môn cờ vua. Trước giải vô địch thế giới năm 2021, anh đi trượt tuyết hàng ngày và chia sẻ rằng môn thể thao này giúp tăng cường sức mạnh cho đôi chân và sức mạnh ý chí của anh. Carlsen cũng thuê một đầu bếp riêng đi cùng mình để đảm bảo chế độ ăn kết hợp giữa protein, carbs và canxi.
Trong các giải đấu, Carlsen tập trung vào việc thư giãn và giữ cho tinh thần thoải mái. Anh nhai kẹo cao su trong khi thi đấu để tăng cường chức năng não. Anh cũng nhịp nhàng gõ chân để giữ cho não và cơ thể tỉnh táo.
Carlsen thậm chí còn cố gắng tối ưu hóa việc ngồi. Carlsen cho rằng nhiều người chơi cờ thường cúi đầu sâu về phía trước, điều này có thể dẫn đến giảm 30% dung tích thở trong phổi. Và theo Keith Overland, DC, một bác sĩ nắn khớp xương từng làm việc với Trung tâm Huấn luyện Olympic Mỹ, việc nghiêng đầu 60 độ về phía trước sẽ làm tăng áp lực lên cổ, cuối cùng dẫn đến đau đầu, thở không đều và giảm lượng oxy đến não.
Thay vào đó, Carlsen tựa lưng dưới vào ghế để cơ thể giữ đường cong tự nhiên, giữ chân vững trên mặt đất và nghiêng người về phía trước một góc khoảng 75 độ. Ở vị trí này, anh không tiến quá xa về phía trước để hạn chế lượng oxy của mình trong khi không lùi quá xa về phía sau.
Carlsen cũng giảm lịch thi đấu của mình xuống còn 6 đến 8 giải đấu mỗi năm (trái ngược với 12 đến 14 của hầu hết các kỳ thủ lớn). Anh cũng nghỉ vài tháng để hồi phục sau mỗi giải đấu.
Những biện pháp này phát huy hiệu quả khi Carlsen năm nay vẫn liên tục ghi được những chiến thắng mới. Ngay sáng 20/9, Magnus Carlsen đã vào chung kết giải online Speed Chess Championship sau khi hạ Wesley So với tỷ số áp đảo 22-7. Speed Chess Championship đã trải qua bảy lần tổ chức, trong đó Carlsen vô địch cả hai giải đầu tiên nhưng không dự bốn giải tiếp theo.