(Tổ Quốc) - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố sẽ quyết liệt rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai; tiếp tục kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm.
Ngày 29/6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, Phạm Đức Ấn (Đơn vị bầu cử số 6) tiếp xúc với cử tri huyện Thanh Oai, huyện Thanh Trì và quận Hà Đông về kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV.
Giải quyết bài toán ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm
Tại hội nghị, ý kiến của các cử tri đều đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá V, đồng thời phản ánh nhiều vấn đề đặt ra trên địa bàn, kiến nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm giám sát, đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.
Cử tri Bùi Tiến Dũng (xã Bích Hoà, huyện Thanh Oai) kiến nghị, thành phố sớm đầu tư cầu vượt nút giao Phan Trọng Tuệ - Nguyễn Xiển để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Còn cử tri Ngô Thị Nga (xã Tam Hưng, Huyện Thanh Oai) cho biết: Theo chỉ tiêu Đại hội đảng bộ các cấp huyện Thanh Oai đến năm 2025, 100% hộ dân được cấp nước sạch. Tuy nhiên, đến nay, huyện còn 10 xã chưa có hệ thống cung cấp nước sạch để sử dụng và sinh hoạt. Cử tri đề nghị Thành phố quan tâm chỉ đạo các sở, ngành quan tâm triển khai thực hiện để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cử tri Hoàng Bá Long nêu ý kiến, đoạn đê tả Đáy qua địa phận huyện Thanh Oai bắt đầu từ K26+650 đến K43+700, dài 17,05Km. Qua nhiều năm đưa vào sử dụng, với mật độ giao thông đi lại lớn nên nhiều đoạn đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; nứt vỡ mặt, xuất hiện nhiều ổ gà và trên tuyến đê có nhiều đoạn cong, gấp khúc làm khuất tầm nhìn của các phương tiện, gây khó khăn cho giao thông đi lại, dễ xảy ra tai nạn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho công trình đê điều, giảm khả năng chống lũ của tuyến đê và gây mất cảnh quan môi trường đô thị, giao thông trong khu vực. Để đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống lụt bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân, chống lấn chiếm hành lang đê, đề nghị Thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến đê tả Đáy kết hợp giao thông đoạn từ K26+650 đến K40+750 trên địa bàn huyện Thanh Oai.
Còn Cử tri Nguyễn Bá Hậu (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông), đề nghị đại biểu quốc hội đề xuất Chính phủ sửa đổi về phòng chống lũ, đê điều tại sông Đáy.
Cử tri Nguyễn Việt Hưng (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) phản ánh, Dự án Tổ hợp ga Ngọc Hồi đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được 107,5ha và còn 63,4ha chưa được giải phóng mặt bằng. Từ năm 2021 đến nay không được bố trí vốn, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng đơn vị chủ đầu tư (Ban đường sắt thuộc Bộ Giao thông vận tải) không nhận bàn giao nên việc quản lý, chống lấn chiếm gặp khó khăn và không có kinh phí để thực hiện. Từ đó, cử tri đề nghị đại biểu quốc hội quan tâm, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng. Kiến nghị Ban đường sắt - Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận diện tích đất đã giải phóng mặt bằng để đưa vào đầu tư dự án tránh tình trạng lấn chiếm, đổ phế thải gây mất an ninh trật tự tại địa phương và khó khăn trong công tác quản lý.
Cử tri Hoàng Bá Long (huyện Thanh Oai) nêu, ở các nước phát triển có các dòng sông chảy trong thành phố rất đẹp và du lịch rất phát triển ở khu vực này. Trong khi đó trên địa bàn huyện Thanh Oai có dòng sông Đáy và Sông Nhuệ chảy qua nhưng hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề, không sử dụng nước sông để canh tác được. Để giải quyết được việc này, cử tri đề nghị Trung ương, Thành phố quan tâm xử lý ô nhiễm môi trường và làm sống lại 2 dòng sông này.
Cử tri cũng đề nghị Thành phố làm rõ thời gian, lộ trình triển khai tiếp tục đầu tư tuyến đường trục phía Nam để thông tuyến, đã 14 năm chưa xong, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, nhất là các huyện phía Nam Thành phố và gây lãng phí công tác đầu tư. Đồng thời, đề nghị cho đặt tên cho đường này, hiện nay chưa có tên gọi chính thức, hiện đang được gọi theo tên dự án là đường trục phát triển phía nam.
Rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai; tiếp tục kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm
Trao đổi thêm về các ý kiến cử tri nêu, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tới đây, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thành phố cũng sẽ quyết liệt rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai; tiếp tục kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm. Vừa qua, Thành ủy cũng đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư công, ưu tiên đầu tư các dự án nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân trong đó có các dự án cấp nước sạch.
Đối với ý kiến cử tri về Dự án Tổ hợp ga Ngọc Hồi, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố sẽ đề xuất Bộ Giao thông vận tải bàn giao lại cho Hà Nội.
Về giải quyết ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, Bí thư Thành ủy khẳng định, mấu chốt là phải tách được nước thải và nước mặt; đầu tư hệ thông gom nước thải để xử lý không cho chảy vào các sông; đồng thời tiếp nước vào thau rửa. Tuy nhiên, vốn đầu tư để làm việc này rất lớn; thành phố sẽ cân đối để thực hiện.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thông tin nhanh về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 và 6 tháng đầu năm 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế thay đổi lớn theo hướng tích cực. Đến nay, quy mô nền kinh tế thành phố đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương với 50 tỷ USD (cả nước là 409 tỷ USD); thu ngân sách ngày càng lớn, đóng góp ngày càng tăng vào GDP cả nước.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố đạt 141,8 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, mức này không đồng đều ở các địa phương, trong đó thu nhập bình quân đầu người ở các huyện phía nam thành phố như huyện Thanh Oai còn thấp.
Đặc biệt, thành phố đã hoàn thành khối lượng lớn công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô, đạt hơn 84%; ngày 25-6 vừa qua đã khởi công dự án. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các quận, huyện tiếp tục nỗ lực hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu tái định cư để người dân đến nơi ở mở ít nhất phải bằng và hơn nơi ở cũ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, từ kết quả bước đầu của Dự án đường Vành đai 4, một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo tập trung cao độ từ thành phố xuống cơ sở. Đây chính là bài học mà các cơ quan thành phố, các quận, huyện phải vận dụng để giải quyết dứt điểm các kiến nghị mà cử tri nêu, những vấn đề còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc; trong đó, có dự án đường trục Cienco 5.