• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bí thư Hà Nội: Xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ “tam nông” đồng bộ và vượt trội, “ra tấm ra món”

Thời sự 27/09/2022 16:04

(Tổ Quốc) - Sáng 27/9, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2022.

Bí thư Hà Nội: Xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ “tam nông” đồng bộ và vượt trội, “ra tấm ra món” - Ảnh 1.

Quanh cảnh Hội nghị.

Sôi nổi, thẳng thắn

Báo cáo tổng hợp kiến nghị của nông dân Thủ đô, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phạm Hải Hoa cho biết, có 91 ý kiến, kiến nghị theo 6 nhóm vấn đề đã được gửi tới cuộc đối thoại.

Cuộc đối thoại diễn ra trên tinh thần sôi nổi, thẳng thắn, 10 đại biểu là nông dân, chủ trang trại, cán bộ Hội Nông dân cơ sở đã nêu các câu hỏi với lãnh đạo thành phố. Dưới sự điều hành của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, các Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo các sở, ngành đã trao đổi, giải đáp từng kiến nghị.

Ông Nguyễn Xuân Huy (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) đề nghị chính quyền địa phương và cấp có thẩm quyền là cầu nối trung gian, hỗ trợ về thủ tục pháp lý giữa người đầu tư và người có đất để tích tụ ruộng đất yên tâm triển khai dự án đầu tư.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, vừa qua, một số nơi trên cả nước, chính quyền địa phương đứng ra thuê đất của nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại làm dự án. Sau khi thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định làm như vậy là sai, phải thực hiện theo đúng quy định cụ thể tại Khoản 2, Điều 73 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, Nhà nước khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh. Chính quyền có thể tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện chính sách này.

Ông Nguyễn Văn Thanh (Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) đề nghị thành phố nghiên cứu vận dụng cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho phép UBND cấp xã ký hợp đồng với các trang trại thực hiện quyền sử dụng đất dài hơn 5 năm đối với đất công ích vì hiện nay chỉ được thuê 5 năm, thời gian quá ngắn không đủ để đầu tư lớn và lâu dài.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường cho biết, đất công ích 5% hình thành do các địa phương trích lại 5% tổng diện tích đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích công ích. Trong thời gian chưa sử dụng công ích thì UBND cấp xã được tổ chức đấu giá cho thuê 5 năm với mục đích nông nghiệp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được sử dụng để trồng cây, nuôi trồng thủy sản. Với đề nghị của bà con được kéo dài thời hạn sau 5 năm, thực tế theo quy định của Luật thì chưa cho phép.

Xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ “tam nông” đồng bộ và vượt trội

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, tiếp thu và cảm ơn các ý kiến đóng góp xây dựng Thủ đô rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đặc biệt hoan nghênh, đánh giá cao những kiến nghị với thành phố những giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bí thư Hà Nội: Xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ “tam nông” đồng bộ và vượt trội, “ra tấm ra món” - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Hà Nội kết luận Hội nghị.

Thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có vai trò, trách nhiệm quan trọng của các cấp Hội Nông dân từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phải tuyên truyền, quán triệt định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Hội Nông dân thành phố chủ động xây dựng “Đề án nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp giai đoạn 2023-2025” để trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt triển khai thực hiện để giúp cho phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương và thành phố trở thành những nông dân chuyên nghiệp, là những hạt nhân dẫn dắt cho phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn...

Bí thư Thành ủy chỉ rõ, đích đến cuối cùng và quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” là nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

“Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi kêu gọi nông dân Thủ đô, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tiếp tục phát huy đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận, để cùng nhau xây dựng nông thôn Thủ đô khang trang hơn, giàu đẹp hơn, văn minh hơn và hướng tới các tiêu chí đô thị. Qua các đại biểu dự hội nghị hôm nay, lan tỏa tinh thần này tới toàn thể nhân dân. Đồng thời, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương lớn của Trung ương và thành phố”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Về những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nông dân, Bí thư Thành ủy đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị... Văn phòng Thành ủy có nhiệm vụ ban hành Thông báo kết luận hội nghị, giao cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan trả lời và thực hiện các kiến nghị của nông dân, doanh nghiệp; kiểm tra, đôn đốc việc trả lời, giải quyết của các sở, ngành, các cơ quan liên quan đối với kiến nghị, đề xuất.

Trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu hội viên nông dân và trả lời, giải đáp của các đơn vị, Bí thư Thành ủy đề nghị, UBND, HĐND và các đơn vị liên quan thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, quan tâm, tạo điều kiện tiếp sức, hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

“Không có đột phá về chính sách thì khó thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Do đó, chúng ta phải xác định mục tiêu là xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ “tam nông” đồng bộ và vượt trội, “ra tấm ra món”, gắn với vùng sản xuất và có định hướng cụ thể từ thành phố xuống cơ sở”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ