(Tổ Quốc) - Trong khi tổng số giường bệnh tại các khoa cách ly của tất cả bệnh viện ở TP.HCM chỉ khoảng 1.000 giường. Do vậy, trong tình hình dịch lan rộng, bằng mọi giá phải ngăn không cho vượt quá 1.000 ca bệnh.
- 25.02.2020 Tại sao TP.HCM đề xuất đến 16/3 mới cho học sinh đi học lại, lịch khác nhau giữa các cấp?
- 25.02.2020 Bao giờ TP.HCM sẽ quyết định cho học sinh đi học vào tuần tới hay nghỉ tiếp?
- 25.02.2020 Số ca cách ly tại BV dã chiến Củ Chi tăng sau 1 ngày, TP.HCM tổ chức kiểm dịch đối với người đến từ Hàn Quốc
- 24.02.2020 TP.HCM kiểm tra 575 hành khách trên 5 chuyến bay nhập cảnh từ Hàn Quốc, phát hiện 3 người từ vùng dịch Daegu
- 23.02.2020 TP.HCM: Bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 còn lại đã âm tính
Chiều tối 25/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP.HCM đã họp với các sở, ngành và 24 quận, huyện liên quan tới công tác triển khai phòng chống dịch Covid-19.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết dịch COVID-19 là loại bệnh cần nhiều người để chăm sóc, chữa trị. Lấy ví dụ hai cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh ở TP.HCM vừa qua, ông Nhân nói chỉ chữa cho 2 bố con ấy thôi mà Bệnh viện Chợ Rẫy phải dùng cả một khoa. Mỗi ngày 3 ca, mỗi ca phải có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, y tá hùng hậu. Nếu thành phố phải chăm sóc cho cỡ 1.000 người bệnh thì đó thật sự là một gánh nặng không dễ.
"Đem thành tích để chữa hết bệnh cho một vài người so với chuyện phải chữa bệnh cho cả ngàn người là không thể giống nhau được" - ông Nhân phân tích.
Ngoài ra, lượng bác sĩ, nhân viên y tế, số giường bệnh trong khu cách ly phục vụ chữa COVID-19 cũng rất lớn. Trong khi tổng số giường bệnh tại các khoa cách ly của tất cả bệnh viện ở TP.HCM chỉ khoảng 1.000 giường. Do vậy, trong tình hình dịch lan rộng, bằng mọi giá phải ngăn không cho vượt quá 1.000 ca bệnh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết vì lý do trên áp lực đặt trên vai của chủ tịch quận - huyện, phường - xã là vô cùng lớn để phát hiện, ngăn chặn, cách ly ngay từ đầu những người có nguy cơ bệnh.
Theo trang điện tử Đảng bộ TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, cần xác định không được phép lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch Covid – 19. Phải tăng cường kiểm tra giám sát các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch. Phải có những kịch bản cụ thể trong phòng chống dịch. Cần thiết tăng cường thiết bị phát hiện các biểu hiện bệnh đối với người đến từ vùng dịch.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu, đối với các trường hợp phải cách ly, Sở Y tế phải đưa ngay vào các trung tâm, bệnh viện dã chiến. Đối với quận huyện nhiều chung cư có người nước ngoài sinh sống; người có người thân các nơi có vùng dịch phải kiểm soát, giám sát thường xuyên.
Ông Phong yêu cầu các đơn vị của thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT – TTg ngày 25/2 của Thủ tướng Chính phủ trong đó tạm dừng nhập cảnh Việt Nam đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch, đối với các đối tượng nhập cảnh vì mục đích công vụ trong trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.
Theo Zing.vn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng thông tin hiện TP.HCM có khoảng 1.000 giường bệnh tại khu cách ly bên trong các bệnh viện. 1.000 người bệnh cũng là con số báo động đỏ mà thành phố không được để chạm tới.
"Với việc mất nhiều nhân lực để chữa trị và mất 20 ngày cho một ca bệnh. Khi vượt quá 1.000 bệnh nhân, mọi chuyện sẽ khó kiểm soát", ông Nguyễn Thành Phong cho hay.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo chính quyền TP.HCM đánh giá việc cho toàn bộ gần 2 triệu học sinh của TP.HCM đi học trở lại trong 1 ngày sẽ tăng khả năng lây lan dịch bệnh. Vì vậy, TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ cho học sinh nghỉ hết tháng 3.
“Trong trường hợp Trung ương quyết định cho học sinh quay lại trường vào đầu tháng 3, TP.HCM sẽ sử dụng phương án đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo để tránh bị động”, ông Nguyễn Thành Phong nói.