(Tổ Quốc) - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra một số giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững hơn. Đó là tiếp tục phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới như thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, tập thể; phát hiện và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm Covid-19…
- 16.04.2020 Bí thư Thành ủy TP.HCM: Cần sẵn sàng tinh thần thích ứng với hoàn cảnh “vừa chống dịch vừa phải duy trì đời sống sản xuất”
- 09.04.2020 Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: Nếu doanh nghiệp nào không đảm bảo an toàn về phòng chống dịch Covid-19 thì nghiên cứu tạm dừng hoạt động
- 07.04.2020 Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: Thành phố đã chuẩn bị rất tốt trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh
- 27.03.2020 Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị người dân khi ra đường phải đeo khẩu trang, ai không đeo sẽ bị chế tài
Ngày 5/5, UBND TP.HCM tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM năm 2020".
Theo Thanhuytphcm.vn, phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra một số giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững hơn. Đó là tiếp tục phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới như thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, tập thể;
Phát hiện và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm Covid-19. Đồng thời, ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp bằng sự hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động; hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.
Cùng với đó, hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu. Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế với từng nước, vào thời điểm phù hợp (tháng 5 đến 12/2020).
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng của thành phố và triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước; Đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh; Triển khai mạnh mẽ đầu tư công của thành phố, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.
Thông tin trên trang Trung tâm Báo chí TP.HCM, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng phải đẩy mạnh xây dựng Khu công nghiệp mới, Khu công nghệ cao giai đoạn 2, phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP.HCM, đẩy mạnh đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức lớn hiện nay; Hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo.
Song song với đó là việc phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của thành phố, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá (đổi mới quản lý TP.HCM, phát triển hạ tầng TP.HCM, phát triển nhân lực và văn hóa TP.HCM) và chương trình trọng điểm (phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM) giai đoạn 2020 - 2025, định hướng 2030 để triển khai mạnh mẽ từ năm 2021.