• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bịa đặt, tung tin sai, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao: Một số nước trên thế giới xử lý như thế nào?

Thời sự 17/08/2017 14:11

(Tổ Quốc) - Từ Trung Quốc, Mỹ cho đến Thái Lan…, cuộc chiến chống lại nạn tin giả và các hành vi bôi nhọ thanh danh cá nhân đều đang diễn ra rất gay gắt.  

Bài 4: Tung tin sai, bôi nhọ lãnh đạo, Nhà nước: Vấn nạn không chỉ của riêng Việt Nam 

Tiếp tục tuyến bài liên quan tới việc những thông tin xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên các trang mạng xã hội, báo Tổ Quốc tổng kết một số kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống lại nạn tung tin giả, bôi nhọ thanh danh cá nhân.

Châu Âu: xử lý hình sự, áp mức phạt cao nhất cho hành động bôi nhọ lãnh đạo, Nhà nước

Một báo cáo công bố vào tháng 3/2017 của tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết, khoảng 42/57 quốc gia tham gia tổ chức này (tương đương tỷ lệ ¾) đã hình sự hoá tội bôi nhọ thanh danh và sỉ nhục cá nhân. Phạt tù là hình thức trừng phạt được áp dụng nhiều nhất, sau đó là phạt tiền, lao động công ích và tước bỏ các quyền chính trị.

Các hành động bôi nhọ nguyên thủ, quốc gia... thường nhận được những mức phạt nghiêm khắc hơn so với thông thường. Gần ½ các nước tham gia OSCE thực hiện sự bảo hộ đặc biệt đối với thanh danh và danh dự của các nguyên thủ quốc gia.

Nhiều quốc gia coi hành vi tung tin giả, bôi nhọ và xúc phạm các nguyên thủ quốc gia là tội phạm hình sự

 

Trước đó, theo một báo cáo khác của Viện báo chí quốc tế (IPI), khoảng 20 quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU) áp dụng hình phạt tù đối với tội danh bôi nhọ thanh danh và xúc phạm cá nhân.

Tính đến năm 2014, có 6 nước  EU coi bôi nhọ thanh danh nhân viên các cơ quan chính quyền và người của công chúng là tội hình sự. 12 nước có mức phạt đặc biệt cho hành động bôi nhọ thanh danh của các lãnh đạo quốc gia.

Luật hình sự Hà Lan quy định rằng, mức phạt tù cao nhất (hiện là 5 năm) của tội bôi nhọ thanh danh sẽ tăng thêm 1/3, trong trường hợp bên bị hại là cơ quan chính quyền/công quyền, nhân viên nhà nước... Năm 2015, nước này đã xét xử hình sự một nhà hoạt động chính trị sau khi người này bị quay trên TV là đang có hành động chửi thề liên quan đến Vua Willem-Alexander trong một cuộc biểu tình.

Tại Đức, hình phạt cho việc bôi nhọ thanh danh “một cá nhân liên quan đến đời sống chính trị” theo cách khiến các hoạt động ngoài cộng đồng của họ “trở nên khó khăn đáng kể”, có thể lên tới 5 năm tù. Vào ngày 30/6 vừa qua, nước này đã thông qua một đạo luật (sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng Mười), theo đó, các mạng xã hội như Facebook, Youtube... sẽ phải gỡ bỏ các bài viết có nội dung sai lệch/bôi nhọ “rõ ràng trái với luật pháp”.. trong vòng 24 giờ, sau khi được thông báo. Nếu không thực hiện, các mạng xã hội sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 56 triệu EU.

Heiko Maas, Bộ trưởng Bộ công lý Đức từng tuyên bố, Đức sẽ thúc đẩy việc áp dụng các quy định tương tự được sớm thực hiện trên toàn châu Âu: “Tương tự như ở ngoài cuộc sống, chúng ta không nên có bất kỳ khoan nhượng nào đối với các hành vi phạm tội hình sự trên mạng xã hội.”

Mỹ “noi gương” Trung Quốc kiểm soát Internet?

Khác với châu Âu, tại Mỹ, theo luật pháp Liên bang, các hành động tung tin sai sự thật, bôi nhọ thanh danh... thường chỉ được coi là tội phạm dân sự. Tuy nhiên, một số bang vẫn có những hình phạt hình sự cho tội danh này.

Với lập trường quyền tự do ngôn luận (bao gồm cả tự do báo chí) được ưu tiên tối đa, việc những người nổi tiếng như các chính trị gia và ngôi sao, có thể khởi kiện thành công các nguồn phát tán tin tức sai lệch, bôi nhọ thanh danh... là vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vấn đề “tin tức giả” trên mạng xã hội ngày càng trở nên nóng hơn, và gây nhiều tranh cãi ngay trong chính nội bộ nước Mỹ. Ví dụ rõ ràng nhất là nhiều chính trị gia cho rằng, chính các nguồn tin tức giả đầy rẫy trên các mạng xã hội và phương tiện truyền thông trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016, đã góp phần không nhỏ dẫn đến sự thất bại của ứng cử viên Hillary Clinton. Nhiều người đã kêu gọi tiến hành kiểm duyệt các mạng xã hội (Facebook, Twitter...,) và các công cụ tìm kiếm (Google...) – một động thái khó có thể tưởng tượng sẽ xảy ra tại một quốc gia luôn cổ suý cho tự do ngôn luận và tự do báo chí như Mỹ.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, kiểm soát thông tin lưu hành trên Internet không còn là điều xa lạ.

Theo trang Tech Sina, “Facebook mới đưa vào hoạt động hệ thống kiểm duyệt tin đồn, nhưng nó cũng đã chậm hơn Weibo tới bốn năm”. Mới đây, Wechat, ứng dụng chat phổ biến nhất Trung Quốc với hơn 900 triệu người sử dụng, cũng đã giới thiệu một tính năng mới giúp phát đi cảnh báo cho người dùng về những thông tin sai lệch đang lưu hành trên Internet.

Theo trang Dailycaller, có khoảng 100.000 người thuộc các cấp khác nhau của chính phủ, hiện tham gia vào công tác kiểm duyệt trên Internet tại Trung Quốc. Đối với mạng xã hội, Trung Quốc cũng kiểm soát chặt chẽ, dễ thấy nhất là việc không cho phép Twitter và Facebook được hoạt động tại Trung Quốc.

Năm 2014, Toà án tối cao Trung Quốc đã công bố các quy định mới, trong đó cho phép việc kiện các trang web tội bôi nhọ và làm lộ quyền riêng tư.

Giữa năm ngoái, các nhà điều hành Internet nước này đưa ra quy định cấm các cơ quan truyền thông trích dẫn lại các thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng.  Một loạt các trang tin hàng đầu nước này như Sina, Tencent, Phoenix… đều đã phải đối mặt với những lệnh trừng phạt của chính phủ.

“Tất cả các trang web trên không gian mạng phải có trách nhiệm quản lý nội dung, tăng cường giám sát và điều tra, nghiêm túc phát hiện và xử lý các thông tin giả và thiếu căn cứ,” cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc tuyên bố. Cuối năm ngoái, chiến dịch xử lý các thông tin giả trên Internet của Trung Quốc càng được đẩy mạnh hơn. Các trang web vi phạm có thể phải đối mặt với khoản phạt tiền lên tới 72.000 USD.

Mạng xã hội là môi trường "lý tưởng" cho các hành vi tung tin giả, bôi nhọ và xúc phạm cá nhân

 

Trước đây, Trung Quốc thường không muốn nhắc đến việc kiểm soát Internet, tuy nhiên, trong thời điểm, tin tức giả đang trở thành một vấn nạn trên toàn thế giới, Trung Quốc cũng ngày càng cởi mở hơn về lập trường của mình, thậm chí còn lên tiếng “ca ngợi” cuộc chiến chống lại tin tức giả mà Mỹ đang tiến hành.

“Tôi không nghĩ mọi người biết được tại sao ông Trump giành chiến thắng, nhưng việc Mỹ đang cố gắng kiểm soát mạng xã hội là điều tốt. Họ đang đi quá chậm,” Kam Chow Wong, một cựu sỹ quan cảnh sát Hong Kong nói với tờ Washington Post. “Nếu bạn kiểm soát một cách phù hợp, nó sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn, và sau đó, mọi thứ sẽ trở nên tự do hơn.”

Quốc gia nào xử phạt hành động tung tin sai, bôi nhọ thanh danh nguyên thủ quốc gia nặng nhất?

Luật pháp Lebanon cấm các nội dung xuất bản “phá hoại phẩm giá của Tổng thống”. Hình phạt cao nhất dành cho tội danh này có thể lên tới 2 năm, kèm khoản tiền phạt từ 33.200 đến 66.400 USD. Năm 2014, một người dùng Internet nước này đã từng bị bỏ tù 2 tháng sau khi viết trên Twitter rằng, cựu Tổng thống President Michel Sleiman của Lebanon là “một thảm hoạ chính trị”.

Theo luật pháp quốc gia Nam Mỹ Venezuela, xúc phạm Tổng thống bằng cách “viết, phát biểu hoặc bất kỳ hình thức nào khác” đều là phạm tội hình sự. Nếu bị kết tội, mức án cao nhất là 30 tháng tù. Trong trường hợp hành vi phạm tội diễn ra tại nơi công cộng, mức án có thể tăng lên 1/3.

Đối với những đất nước còn tồn tại Hoàng gia, việc bôi nhọ và xúc phạm các thành viên Hoàng tộc càng phải đối mặt với những hình thức phạt nghiêm khắc hơn.

Tại Kuwait, bất kỳ hành động phê phán người đứng đầu đất nước đều có khả năng bị phạt tù 5 năm, và tệ hơn là bị lưu đày. Tại Arab Saudi, xúc phạm nhà vua được coi là một hành động khủng bố. Còn ở quốc gia láng giềng Việt Nam là Thái Lan, hình phạt cao nhất cho hành vi bôi nhọ, xúc phạm hoặc đe doạ nhà vua là 15 năm tù.

Hình phạt nặng nề nhất có lẽ đến từ Iran. Những ai xúc phạm Nhà tiên tri Mohammed có thể sẽ phải lĩnh án tử hình. Tuy nhiên, hành vi bôi nhọ các nhà lãnh đạo đất nước sẽ chỉ phải đối mặt với bị phạt tù, phạt tiền và… phạt roi. Một vài năm trước, Maziar Bahari, một phóng viên của tờ Newsweek từng bị kết án nửa năm tù và 74 roi sau khi có hành động xúc phạm đến Tổng thống nước này. 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ