• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Niềm tự hào của trí tuệ Việt

02/02/2018 10:05

(Cinet)- 82 bia đá đặt tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ đạt trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ triều Lê và Mạc là những di vật giá trị bậc nhất của Di tích, là biểu tượng và niềm tự hào của sự thành đạt và trí tuệ.

(Cinet)- 82 bia đá đặt tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ đạt trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ triều Lê và Mạc là những di vật giá trị bậc nhất của Di tích, là biểu tượng và niềm tự hào của sự thành đạt và trí tuệ.

Ảnh: bestprice.vn

Những pho sử đá

82 bia đá khắc tên 1307 lượt Tiến sĩ thi đỗ qua 82 khoa thi dưới triều Lê và Mạc là những di vật giá trị bậc nhất của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là những pho sử đá khẳng định niềm tự hào của truyền thống hiếu học của Việt Nam.

Giá trị đặc biệt của bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là bài văn bia (bài ký) bằng chữ Hán chứa đựng rất nhiều thông tin lịch sử. Một bài văn bia thường gồm: Dòng tiêu đề của khoa thi (phần nối giữa trán bia và bài ký) năm tổ chức khoa thi, ca ngợi triều vua đang trị vì, tên các vị quan tham gia tổ chức khoa thi như Đề điệu, Giám thí, Độc quyển, Đằng lục..; cách thức tổ chức thi; họ tên và quê quán của những người thi đỗ; tên nhóm người tham gia dựng bia (soạn, nhuận sắc và viết triện).

Phần ký của văn bia cung cấp nhiều thông tin quan trọng về lịch sử của nền giáo dục, thi cử nước nhà và quan điểm của nhà nước về đào tạo và sử dụng nhân tài. Tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã được thể hiện rõ trong nội dung các bài văn bia với ý nghĩa vạch ra đường lối chiến lược cho các nhà cầm quyền (xưa và nay) trong quản lý và xây dựng đất nước là phải coi trọng nhân tài; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các nhà trí thức đối với đất nước, đó là đem tài năng ra phục vụ đất nước, đào tạo đội ngũ nhân tài kế tiếp cho đất nước.

Những bài ký trên bia là kết tinh trí tuệ của nhiều thế hệ trí thức, là kinh nghiệm về đạo làm người. Hơn thế, văn bia còn cho chúng ta biết những bài học vô giá về đạo trị quốc, xây dựng và phát triển đất nước luôn phải quan tâm, đào tạo nhân tài. Vai trò của hiền tài đối với quốc gia được khẳng định, nhắc đi nhắc lại trong hầu hết các bài ký, cho thấy đây là một quốc sách, là điểm cốt lõi trong đạo trị quốc. Đây cũng chính là bài học quý cho đương thời và hậu thế.

Nghệ thuật tôn vinh độc đáo

Không phải đến triều Lê nước ta mới có những khoa thi để tìm kiếm nhân tài. Và cũng không phải đến khi bia Tiến sĩ được dựng lên thì thành tựu của sĩ tử mới được ghi nhận và tôn vinh. Lịch sử đã ghi nhận những cách thức vinh danh, khuyến khích sĩ tử “nấu sử sôi kinh” để trở thành nhân tài rất đa dạng như: miễn phu phen, lao dịch cho người có thành tích trong học tập, thi cử; ghi tên Bảng vàng treo cổng kinh thành; Ban mũ áo, ghi tên vào sách đăng khoa lục… Nhưng có thể thấy, việc dựng bia Tiến sĩ đã tác động to lớn đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài của đất nước, không chỉ với đương thời mà còn cả với các thế hệ mai sau. Được ghi tên trên bia là niềm khích lệ lớn trong việc học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho đất nước và xã hội. Điều này đã được khẳng định trong Văn bia Bia Tiến sĩ khoa thi năm1481: “Cốt để cho bọn cài hốt bên lưng, ra vào nơi cung điện, mắt nhìn, miệng đọc, bồi hồi, ngóng trông, kính mến mà ao ước. Đó là bộ máy để kích động lòng người và là một việc hay có ý nghĩa trọng đạo của đời thịnh đối với nền chính trị và phong hoá quan hệ rất lớn”.

Du khách nước ngoài tham quan bia tiến sĩ. (Ảnh: Đinh Công Hoan)

Những bài ký trên bia còn chỉ ra những bài học, cách thức tu dưỡng để trở thành những con người có ích cho quê hương, đất nước. Những lời khuyên về lối sống, tu dưỡng rất cụ thể, chân thành, bởi đó chính là kết tinh, trải nghiệm của người viết, là tâm huyết đối với hậu thế, với giang sơn đất nước: “Theo hầu trong cung phải giúp đức cho vua, giúp ơn cho dân; trấn nhậm một phương phải làm bình phong phên dậu. Người giữ chức cao phải đem khả năng bàn nói để hết chức phận can gián của mình…” (Văn bia khoa thi năm 1691), “Tuổi già tiết cứng, nêu gương cho phường hậu tiến, hun đúc nên tập tục trung tín liêm sĩ, chớ cậy may mắn lợi dụng vơ vét” (Văn bia khoa thi năm 1760)...

Những bài học, kinh nghiệm sống cha ông, của thế hệ trí dũng, tài đức lưu lại trên bia đá được kiểm nghiệm, minh chứng qua thời gian. Đó là những bài học kinh nghiệm vô cùng quý cho mọi thời đại, trong mọi hoàn cảnh, để phát triển bền vững đất nước.

Ngày nay bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với các học giả, du khách, chính khách trong và ngoài nước. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách quan trọng của các nước trên thế giới đã đến đây và đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của những tấm bia Tiến sĩ.

Tháng 3 năm 2010, Uỷ ban Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã công nhận bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu - Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, và tháng 5 năm 2011, Tổng giám đốc UNESCO đã công nhận 82 bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Ngày 14 tháng 1 năm 2015, Thủ tướng chínhphủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công nhận 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Bảo vật quốc gia. Đây chính là sự đánh giá, công nhận giá trị đặc biệt của bia Tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám đối với nền văn hóa, giáo dục của dân tộc Việt Nam nói riêng, của toàn nhân loại nói chung.




Thu Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ