(Tổ Quốc) - Ngày 12/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Sơn Tây long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022) và giới thiệu các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch. Sự kiện nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với di sản cha ông để lại; đồng thời là cơ hội quảng bá, phát huy những giá trị độc đáo, tiêu biểu của di tích nói riêng, tiềm năng du lịch di sản ở thị xã Sơn Tây nói chung cho mục tiêu thúc đẩy công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Di tích quý hiếm, có giá trị to lớn
Thành cổ Sơn Tây là một trong bốn vùng đất phên giậu của Thăng Long - Hà Nội, vừa có chức năng che chở, bảo vệ, vừa tạo thế bàn đạp để vươn ra cai quản, nắm giữ các vùng biên cương Tổ quốc. Thành được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ ba (1822) hoàn toàn bằng đá ong, loại vật liệu đặc sắc của xứ Đoài, đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ.
Tại đây, vương triều Nguyễn đã xây dựng, củng cố một phức hợp hoàn chỉnh và chặt chẽ các công trình có giá trị phòng ngự cao, bao gồm: Hào nước, lũy bán nguyệt, bờ đất ngoài thành, cổng thành, tường thành, kỳ đài... với lực lượng phòng vệ đông đảo và trang bị vũ khí quy mô lớn. Những sự kiện lớn của tòa thành liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam cho thấy, Thành cổ Sơn Tây là vùng "trọng địa" có chức năng che chở, bảo vệ cho đồng bằng và trung du Bắc Kỳ; đồng thời là "bàn đạp", hậu cứ cho biên cương Tây Bắc.
Khoảng thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ XIX, Thành cổ Sơn Tây là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn do Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc… lãnh đạo. Trải qua gần 200 năm, trải qua tàn phá của chiến tranh và thời gian, Thành cổ Sơn Tây phần lớn đã bị phá hủy, chỉ còn lại tường thành, cửa tiền, cửa hậu, 2 khẩu thần công và một số phế tích như vọng lâu, nền điện Kính Thiên, giếng nước...
Tuy nhiên, với giá trị lịch sử, minh chứng thuyết phục cho sức mạnh và lòng quyết tâm chống ngoại xâm của dân tộc, Thành cổ Sơn Tây hiện là nơi duy nhất lưu giữ nhiều kiến trúc nguyên gốc, thể hiện kỹ thuật xây dựng các công trình quân sự phòng thủ của Việt Nam ở phía Bắc.
Trong nhiều năm qua, cùng với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng khác như làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, chùa Mía… Thành cổ Sơn Tây đã trở thành địa chỉ thú vị cho những người yêu thích khám phá lịch sử, là điểm tham quan hấp dẫn cho các gia đình vào mỗi dịp cuối tuần bởi vẻ đẹp cổ kính, rêu phong và không gian bình yên nơi đây.
Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, Thành cổ Sơn Tây là một di tích quý hiếm, có giá trị to lớn về nhiều mặt, từ bối cảnh ra đời, lịch sử hình thành đến quy mô, cấu trúc, kỹ thuật xây dựng và vị trí chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Với tính chất quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, từ năm 1924, Thành cổ Sơn Tây đã được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích; năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Biến di sản thành nguồn lực
Với những giá trị tiêu biểu và đặc sắc, nhiều năm qua, Thành cổ Sơn Tây luôn được quan tâm, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị. Nhân kỷ niệm 200 năm Thành cổ, thị xã Sơn Tây triển khai nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá nhằm khẳng định vai trò, vị trí của di sản, đưa di sản trở thành một trong những điểm nhấn hội tụ, kết nối lịch sử, văn hóa xứ Đoài.
Trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm, thị xã tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa như: Trưng bày tranh ảnh, hiện vật về di tích Thành cổ Sơn Tây; trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật, thư pháp, diễn xướng hát văn…; tổ chức các hoạt động sáng tác nghệ thuật, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, trải nghiệm du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, ẩm thực cho nhân dân địa phương và du khách…
Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây và xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch diễn ra tại chính không gian Thành cổ ngày 12/11, với chương trình nghệ thuật đặc sắc, quy tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng, mang đến cho nhân dân, du khách những ấn tượng đặc biệt. Cùng ngày, tại Sân vận động thị xã có Lễ hội khinh khí cầu lần đầu tiên được tổ chức, bao gồm nhiều hoạt động: "Bay tự do ngắm bình minh Sơn Tây", "Bay treo trải nghiệm ngắm Thành cổ Sơn Tây", "Tham quan, trải nghiệm, chụp hình tương tác trực quan với khinh khí cầu", mang đến cơ hội trải nghiệm cảm xúc mới lạ, độc đáo cho du khách và người dân địa phương.
Địa phương kỳ vọng những hoạt động trên cùng với sức hút sẵn có từ giá trị cốt lõi mà Thành cổ Sơn Tây đang có sẽ thu hút nhiều du khách thập phương đến với Sơn Tây.
Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn, trước đó địa phương đã triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp để "đánh thức" tiềm năng của di sản, như: Hình thành tuyến phố đi bộ Thành cổ; tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà văn hóa về bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành cổ Sơn Tây; xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản "Thành cổ - Văn Miếu - đền Và - Đường Lâm"… cũng như lên lộ trình tu bổ tổng thể và xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho Thành cổ.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết thêm, trong nhiều năm qua, Thành cổ Sơn Tây luôn là một điểm đến hút du khách rất lớn của địa phương. Cũng chính nhờ có di tích này mà không gian phố đi bộ Thành cổ từ khi chính thức được khai trương đến nay đã rất thành công và luôn giữ được lượng du khách đông và ổn định mỗi tuần.
Thống kê của địa phương cho thấy, sau 4 tháng hoạt động, phố đi bộ Thành cổ đã thu hút hơn 250 nghìn lượt khách, tạo không gian văn hóa cộng đồng hấp dẫn, điểm đến của nhiều người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần. Trung bình một tuần, tuyến phố thu hút từ 10.000 - 15.000 lượt khách. Riêng trong tuần đầu mở cửa, phố đi bộ đã đón hơn 35 nghìn lượt người.
Sơn Tây là vùng đất di sản, với không chỉ Thành cổ mà còn làng cổ Đường Lâm, là Văn miếu Sơn Tây cùng nhiều di tích mang giá trị văn hóa, lịch sử khác. Nếu biết gìn giữ, phát huy giá trị thì di sản sẽ trở thành nguồn lực lớn cho địa phương. Phải làm sao để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung và của xứ Đoài, của thị xã Sơn Tây nói riêng đến với bạn bè quốc tế nhiều hơn nữa, biến di sản thành nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển Thủ đô giàu mạnh, văn minh./.