(Tổ Quốc) - Một giải pháp tích cực ghi nhận sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực mạng xã hội nhằm trả lại môi trường hoạt động nghệ thuật "sạch" cho những nghệ sĩ đam mê, tâm huyết với nghề, để những giá trị nghệ thuật đẹp đẽ lan tỏa vừa được đưa ra tại một Hội nghị tổng kết gần đây.
Ngày 22/12, tại Hà Nội, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) cho biết, năm 2022, Bộ TT&TT đã đề xuất với Bộ VHTTDL xây dựng quy trình xử lý những cá nhân vi phạm đạo đức, pháp luật hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chẳng hạn ca sĩ, diễn viên... Những cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức có thể bị cấm sóng tức hạn chế biểu diễn, đăng tải thông tin trên mạng xã hội, xuất hiện trên các đài phát thanh, truyền hình.
"Nếu các nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng, hay còn gọi là "phong sát". Thông qua kinh nghiệm quốc tế tại Hàn Quốc và Trung Quốc, Bộ TT&TT tích cực phối hợp với Bộ VHTTDL sẽ sớm triển khai quy trình xử lý trong thời gian tới. Chúng tôi đánh giá đây là một trong những điểm sáng của cơ chế chế tài. Năm 2023, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục rà quét, xử lý các vi phạm trên mạng internet, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để xử lý hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ trên môi trường mạng", bà Huyền cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết thêm, mức phạt hiện nay với nghệ sĩ vi phạm trên môi trường mạng chưa đủ răn đe. Hiện chế tài xử phạt các vi phạm hành chính của nghệ sĩ trên môi trường mạng theo các mức từ 5-10 triệu đồng hoặc từ 10-15 triệu đồng. Hình thức xử phạt này dù có tăng tiền phạt, cũng không đủ sức răn đe với người nổi tiếng, thậm chí nghệ sĩ, KOL (người ảnh hưởng trên mạng xã hội).
"Các nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL vi phạm về phát ngôn hay quảng cáo sai phạm trên mạng, ngoài xử phạt hành chính sẽ có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây nữa sẽ là cắt sóng, cấm biểu diễn. Thời gian tới, khi Bộ ban hành quy định xử lý người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật sẽ chính thức công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng", ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Nếu quy trình xử lý này sớm được triển khai đi vào thực tiễn bằng các quy định cụ thể thì chắc hẳn đây là một tín hiệu rất tích cực ghi nhận sự vào cuộc, đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành VHTTDL. Đó cũng một thông tin rất vui mừng đối với những người đang làm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nhất là những nghệ sĩ chân chính đang ngày đêm cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.
Có thể thấy, với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông trên mạng xã hội trong một thời gian dài đã trở thành một "lỗ hổng" cho những ca sĩ, nghệ sĩ mới nổi, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật có "đất diễn" cho dù họ đã từng dính dáng đến pháp luật, những "scadal" về đạo đức, lối sống. Cùng với đó là nguyên nhân dẫn đến thị hiếu của khán giả ngày càng hạ thấp dẫn đến việc họ dễ dàng chấp nhận với những "idol" của họ.
Những câu chuyện ồn ào liên quan đến nghệ sĩ trong thời gian qua như quảng cáo sai sự thật, phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội, hay những lùm xùm về việc làm từ thiện, những màn livestream "bóc phốt", những màn cãi nhau nảy lửa trên sóng truyền hình… khiến showbiz Việt thêm phần nhốn nháo. Khán giả thích "hóng" drama (chuyện dài nhiều tập như phim truyền hình) của nghệ sĩ thì xem đây là chuyện vui để bình luận, làm mạng xã hội càng thêm rôm rả. Trong khi đó, khán giả chân chính, yêu nghệ thuật thì ngán ngẩm, mong muốn nghệ sĩ phải học lại cách ứng xử văn hóa.
Vấn đề về xuống cấp đạo đức trong một bộ phận không nhỏ nghệ sĩ trên thực chất cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực này là Bộ VHTTDL đã nhìn thấy từ lâu. Tuy nhiên, do lĩnh vực rộng, vượt ra ngoài phạm vi quản lý nên mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng tình trạng này vẫn kéo dài trong một thời gian dài. Năm 2021, Quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật lần đầu tiên được Bộ VHTTDL ban hành.
Quy tắc khi ban hành đã nêu đúng những điều mà công chúng mong mỏi như: "Trân trọng các thế hệ nghệ sĩ đi trước trong việc trao truyền những giá trị văn hóa, tinh hoa nghề nghiệp cho các thế hệ người hoạt động nghệ thuật; tôn trọng, bảo vệ uy tín của đồng nghiệp trước công chúng, khán giả và xã hội" (Quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp); "Ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện và xây dựng hình ảnh đẹp của người hoạt động nghệ thuật với công chúng, khán giả. Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức" (Quy tắc ứng xử đối với công chúng, khán giả); "Không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục" (Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng)…
Đây không chỉ là lời nhắc nhở nghệ sĩ chỉn chu hơn trong lời ăn, tiếng nói, chấm dứt những hành vi "lệch chuẩn"; đồng thời cũng là một "bản cam kết", là bộ khung, tiêu chuẩn để nghệ sĩ ứng xử có văn hóa trong môi trường lẽ ra phải rất…văn hóa.
Tuy nhiên, nói gì chăng nữa thì đây cũng chỉ là bản quy tắc tập hợp các hướng dẫn giới nghệ sĩ thực hiện, không phải văn bản quy phạm pháp luật, không có điều khoản xử phạt, cấm sóng đối với nghệ sĩ. Vì vậy, quy tắc ứng xử này vẫn chưa đủ sức mạnh để chấn chỉnh hành vi ứng xử của nghệ sĩ và môi trường hoạt động nghệ thuật.
Chính vì vậy, để siết chặt việc quản lý hoạt động của các nghệ sĩ theo hướng có văn hóa, trách nhiệm với cộng đồng thì việc sớm đưa ra quy trình xử lý nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng, hay còn gọi là "phong sát" bằng những quy định, chế tài cụ thể là hết sức cần thiết và kịp thời.
Khi chế tài này được áp dụng, chắc chắc sẽ không còn đất diễn cho những nghệ sĩ có hành vi thiếu chuẩn mực, lợi dụng sự yêu mến của khán giả để làm những điều trái với lương tâm. Từ đó, môi trường nghệ thuật nước nhà cũng được trả lại những hình ảnh đẹp đẽ vốn có. Khán giả sẽ được thấy ngày càng nhiều hơn những hình ảnh người nghệ sĩ trong sáng và chuẩn mực, không còn những "con sâu" làm rầu cả "nồi canh"./.