• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Biến phòng ở thành khách sạn, đưa khách quốc tế về nhà: Tại sao không?

Thời sự 13/05/2019 07:55

(Tổ Quốc) - Với sự phát triển của các website đặt phòng ngày một nhiều trên toàn thế giới, nhiều bạn trẻ Hà Nội đã biết tận dụng lợi thế này để đưa khách quốc tế tới nghỉ tại các căn hộ độc đáo của mình. Và từ đây, cơ hội kiếm tiền cho các lối đi ngách của những bạn trẻ làm du lịch được mở ra.

Nhà Trong Xóm: Từ một phòng nhỏ biến thành hệ thống kinh doanh phòng khách sạn

Cô gái Hà Nội Trương Ngọc Trang, sinh năm 1992, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2014 và cùng với Nguyễn Loan (sinh năm 1985) đã cùng gây dựng lên thương hiệu Công ty Le Bleu- Nhà Trong Xóm.

Còn rất trẻ nhưng đã làm giám đốc của thương hiệu này từ lúc ra trường tới giờ và Trang cũng không thể nghĩ có ngày mình làm giám đốc.

Biến phòng ở thành khách sạn, đưa khách quốc tế về nhà: Tại sao không? - Ảnh 1.

Không gian bên ngoài tại nhà số 24D Trần Hưng Đạo.

Dự án Nhà Trong Xóm ban đầu từ chỗ, 2 chị em muốn tìm một không gian riêng để làm việc mà không cần phải ra quán cà phê. Sau đó, hai cô gái thuê được một phần của biệt thự cổ trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Sau khi sửa chữa lại, có bạn ở nước ngoài về, mời họ lên đây ở và nhận được nhiều đánh giá tích cực, nhiều người bạn khác và người nước ngoài tới Hà Nội muốn được ở trong không gian này bởi vừa đầy đủ tiện nghi cho khách, lại tự do, không gò bò như trong khách sạn. Đặc biệt, khách có cảm giác như ở nhà mình và từ đó hai cô gái này bắt đầu biến nơi đây thành nơi kinh doanh lưu trú cho khách nước ngoài.

Không chỉ là nơi chia sẻ không gian, nhiều hoạt động khác được tổ chức tại đây như các lớp học làm tinh dầu, đồ da… cho nhiều bạn trẻ và tới năm 2015 mô hình này dần được mở rộng ra với nhiều hoạt động trải nghiệm khác. Đồng thời, Nhà Trong Xóm cũng tăng thêm các cơ sở tại Núi Trúc, Long Biên. Thậm chí hệ thống Nhà Trong Xóm hiện nay còn mở rộng tới Đà Lạt, TP HCM, Hội An và Tam Đảo với tỷ lệ lấp phòng từ 80-100%.

Biến phòng ở thành khách sạn, đưa khách quốc tế về nhà: Tại sao không? - Ảnh 2.

Không gian ấm áp, nhỏ nhắn rất phù hợp cho những khách muốn cân bằng, nghỉ ngơi yên tĩnh.

Giờ đây, nhiều người trẻ tại Hà Nội cũng học theo mô hình này khi cho cải tạo lại các căn hộ tập thể cũ, nơi gần khu vực phố cổ để phục vụ khách du lịch.

"Đây có thể coi là mô hình đầu tiên ở Hà Nội. Đó là điều mà em không nghĩ tới. Trước đây khi học quản trị kinh doanh tại ĐH chưa xác định làm gì, chưa có hình dung cụ thể. Tới khi bắt tay vào làm, việc làm cả nhóm khổ sở là cảnh "Làm dâu trăm họ", giai đoạn đầu tiên khó khăn vô cùng. Đơn thuần như việc đưa ra cho mọi người một định nghĩa về homestay là gì. Làm việc với khách nước ngoài thì không hề khó nhưng với khách Việt Nam, họ luôn cho rằng, khi mình đi thuê để ở thì nghiễm nhiên phải có dịch vụ đi kèm. Nhưng mô hình này là "chìa khóa trao tay", không có bảo vệ, tự nấu ăn… Người Việt không quen với văn hóa đó"- Trương Ngọc Trang chia sẻ.

Khi mới bắt đầu mô hình, nhóm định hướng đây là không gian dành cho những người cần sự cân bằng, tĩnh tâm. "Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tải. Sau đó, không chỉ khách nước ngoài, nhiều khách Việt Nam cũng dần dần muốn có không gian để chia sẻ với bạn bè, nấu ăn với nhau chứ không đơn thuần là chỉ đi cà phê, ít sử dụng điện thoại hơn, tăng cường kết nối thực với nhau… Tới đây, một khu nghỉ dưỡng của Nhà Trong Xóm tại Hội An cũng sẽ xây dựng theo mô hình như thế này"- Trang cho biết.

Với số vốn ban đầu không nhiều, thậm chí khi mới bắt đầu làm, cả nhóm còn tự tìm tòi để sơn cửa. Ngoài hai giám đốc ra, nhân viên hiện của hệ thống có 9 người và làm việc qua internet, không có nhân sự nào làm ở Hà Nội. Các căn hộ được đăng lên các trang đặt phòng thế giới và với mô hình chìa khóa trao tay- mã số căn hộ được gửi cho khách… những việc này giúp công ty sẽ tiết giảm tối đa chi phí cho nhân sự, quảng cáo.

Hiện nay, mỗi phòng ngủ trong hệ thống của Nhà Trong Xóm có mức giá từ 35 đô la/ngày đêm tới 40 đô la/ngày đêm. Tương lai, Nhà Trong Xóm sẽ mở rộng hệ thống mỗi nhà có nhiều phòng để có thể tiếp được 12-16 khách.

Biến phòng ở thành khách sạn, đưa khách quốc tế về nhà: Tại sao không? - Ảnh 3.

Dù diện tích nhỏ, nhưng khách du lịch nước ngoài rất thích các điểm đến như thế này bởi ngay gần phố cổ, trung tâm Hà Nội.

Sau một thời gian cải tạo lại nhà cũ để làm phòng khách sạn, Trang còn gom góp được tiền để sang Anh học thêm về cải tạo nhà để làm homestay tại Hà Nội. Đây cũng là một khám phá bản thân mà Trang tự dành cho mình sau những năm lăn lộn với nghề du lịch.

"Càng làm chúng em càng nhận ra có nhiều cơ hội kinh doanh du lịch nhất là với sự phát triển của các ứng dụng công nghệ hiện nay. Ví dụ, trên trang đặt phòng trực tuyến Airbnb.com, có các khu vực cho khách đăng ký trải nghiệm ăn ở tại bản địa. Nếu các bạn trẻ có nhiều kinh nghiệm thì hoàn toàn có thể tự viết một chương trình tour trên đó. Nếu khách thích, họ sẽ đặt mua. Đây là thị trường ngách mà tất cả mọi người đều có thể làm du lịch. Hay bạn có thể viết về một tour ẩm thực, tour chụp ảnh cho một ngày tại Hà Nội… Khách sẽ trả tiền trực tiếp, mình vừa đưa khách đi trải nghiệm vừa được ăn vừa có tiền và vừa thêm bạn"- Trang chia sẻ.

Khách quốc tế cũng rất thích trải nghiệm dịch vụ tại địa phương, càng đặc thù họ càng thích. Trang chia sẻ, đôi khi, chúng ta chỉ cho khách đi chợ cóc, họ thấy rất lạ. Ví dụ, bạn sang Anh, siêu thị sẽ không có đồ tươi như mình, gà đều đã sơ chế hoặc để đông lạnh với các phần riêng biệt. Ở đây, khách có thể nhìn thấy cá đang bơi, thậm chí xem cảnh sơ chế đồ ăn cũng là một nội dung để làm nên một trải nghiệm cho khách ở Việt Nam mà họ nhớ mãi.

Phòng đẹp đậm chất Á Đông trong khu đô thị hiện đại

Cũng là một hướng đi cùng với xu hướng này, chị Khuất Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) chọn lựa một cách làm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường và tài sản thực tế mình đang có.

Chị mua một căn hộ trong khu đô thị hiện đại, tận dụng cơ sở hạ tầng của khu ở để thuê thiết kế lại căn phòng 75m2, 2 phòng ngủ theo phong cách Đông Dương xưa với giá 250 triệu đồng.

Biến phòng ở thành khách sạn, đưa khách quốc tế về nhà: Tại sao không? - Ảnh 4.

Biến phòng ở thành khách sạn, đưa khách quốc tế về nhà: Tại sao không? - Ảnh 5.

Căn hộ hai phòng ngủ biến thành phòng cung cấp lưu trú cho khách du lịch.

Gấp rút thi công trong một thời gian, chị Hiền đăng ký lên trang Airbnb và ngay lập tức, nhiều khách du lịch, khách đi công tác, thậm chí khách đi chữa bệnh tại Hà Nội, một số đoàn phim… đã tìm tới và giờ đây, tỷ lệ khách lấp đầy căn hộ của chị là 26/30 ngày. Tại thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, căn hộ của chị Hiền luôn kín khách Hàn Quốc tới thuê.

Căn hộ chị giờ đây đã đạt mục tiêu đề ra và hàng tháng đang mang về những khoản lãi nhất định.

"Tôi và bạn bè hay đi du lịch và thường xuyên lựa chọn hình thức đặt nhà trên các trang booking trực tuyến. Sau khi tích cóp mua được căn hộ này, tôi quyết định để cho khách du lịch thuê. Tính toán thì các gia đình thuê để ở chỉ được khoảng 11 triệu đồng/tháng nhưng nhà bị ảnh hưởng nhiều. Nếu cho khách du lịch thuê, theo phong cách décor của mình thì sau này mình có thể vào ở được nếu không muốn cho thuê nữa và nhà không bị hư hại"- chị Hiền nói.

Biến phòng ở thành khách sạn, đưa khách quốc tế về nhà: Tại sao không? - Ảnh 6.

Một không gian riêng biệt giữa những ồn ào của khu đô thị hiện đại.

Sau khi khách đặt xong nhà trên các trang trực tuyến, họ sẽ liên hệ với chủ nhà trực tiếp. Chủ nhà gửi họ mã cửa, khách yêu cầu gì thì mình đáp ứng thêm.

"Điều tuyệt vời là khách và chủ cơ bản không gặp nhau. Với những khách mình thấy cần phải xuất hiện mới tơi nơi dẫn lên. Các trang đặt phòng trực tuyến đã lọc hồ sơ của cả chủ lẫn khách với những thông tin thật như hộ chiếu, thẻ tín dụng… Khi có vấn đề gì thì đại diện của trang sẽ đòi quyền lợi cho các bên"- chị Hiền chia sẻ.

Với mô hình này, cả khách và chủ đều có thể nhận xét, đánh giá về dịch vụ phòng ở từ cả hai phía lên các trang đặt phòng. Nếu căn hộ ấy được đánh giá tốt thì chủ căn hộ đương nhiên là có được nhiều đơn hàng hơn. Và ngược lại, chủ căn hộ phải trả lại tiền cho khách hàng, bù đắp chất lượng dịch vụ nếu phục vụ có vấn đề…

Ngoài mô hình này, chị Hiền và một số người bạn thân đang có ý định mở rộng hơn, làm khu homestay ở ngoại ô với thiết kế độc đáo, phục vụ cho giới trẻ ở Thủ đô vào dịp cuối tuần./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ