• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Biểu quyết thông qua Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Du lịch

Thời sự 26/09/2016 21:42

(Tổ Quốc) - Sáng 26/9, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Du lịch của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã được thông qua. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã  trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Ngày 19/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 26/9/2016, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức thẩm tra chính thức trong phiên họp toàn thể Ủy ban.

Toàn thể phiên họp  (Ảnh: Hà Giang)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết đã trình bày Dự thảo báo cáo thẩm tra Luật Du lịch (sửa đổi).

Theo đó, Dự thảo báo cáo thẩm tra cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự án Luật Du lịch (sửa đổi) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như nhất trí cao việc cần thiết phải ban hành Luật Du lịch sửa đổi để đáp ứng với nhu cầu phát triển của ngành du lịch hiện tại và tương ứng với tiềm năng hiện có.

Ủy ban cũng cơ bản thống nhất về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Song, về kết cấu, bố cục của dự thảo Luật, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bố trí lại các chương, mục, sắp xếp lại các điều, khoản một cách hợp lý và chặt chẽ hơn…

Tại buổi thẩm tra, phần lớn các đại biểu đều đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) cũng như nhất trí với Báo cáo thẩm tra Luật Du lịch (sửa đổi), song cũng đã có một số đại biểu phát biểu, góp ý.

Phần lớn các đại biểu đều cho rằng, hướng dẫn viên du lịch đóng vai trò quan trọng trong các tour du lịch, vì vậy các quy định về hướng dẫn viên du lịch cần chặt chẽ hơn. Chẳng hạn phải có bằng cấp, có tri thức và hiểu biết…Đây cũng là những điều kiện nhằm nâng cao chất lượng hướng dẫn viên du lịch. Hay như dự thảo sửa đổi cần quan tâm tới loại hình du lịch homestay đang phát triển tự phát (về tiêu chuẩn, bảo hiểm...); Khâu thẩm tra các cơ sở lưu trú đang bị bỏ ngỏ...

 Dù vậy, nhiều đại biểu cùng chung quan điểm rằng, để ngành du lịch phát triển và đáp ứng được mục tiêu trở thành ngành mũi nhọn phát triển kinh tế, xã hội thì rất cần sự hỗ trợ của nhiều ngành khác. Ví như có những nơi rất ưu thế để phát triển du lịch, nhưng nếu hạ tầng kém thì ngành du lịch cũng “chịu”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, nhiều ý kiến các đại biểu đưa ra đều xác đáng và ông khẳng định sẽ tiếp thu đưa vào Dự thảo. Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng bày tỏ, du lịch là ngành kinh tế tổng  hợp và liên quan đến nhiều ngành khác. Vì thế, nếu nói trách nhiệm làm du lịch là của riêng ngành du lịch thì không thể hoàn thành nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và toàn dân.

Bộ trưởng khẳng định, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) có nhiều điểm mở theo tinh thần hội nhập quốc tế hơn.

“Chúng tôi muốn mở, quản nhưng làm sao phải mở, phải để cho cả xã hội tham gia và phát triển tinh thần của Luật Du lịch, chứ không phải quản là bắt buộc và giữ chặt lại không cho phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh tại phiên họp.

Trước ý kiến của đại biểu về việc dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đang bỏ ngỏ phần thẩm tra các cơ sở lưu trú, Bộ trưởng cho rằng, trên thực tế vấn đề này được quản rất chặt vì có thể thẩm tra bất kỳ lúc nào. “Chẳng hạn hôm qua tôi vừa cấp giấy chứng nhận 3 sao cho “anh”, nhưng ngày mai tôi đi kiểm tra lại thấy “anh” không còn đủ tiêu chuẩn nữa thì tôi tước ngay, chứ không đợi sau một thời gian 3-5 năm”.

Về hướng dẫn viên du lịch, Bộ trưởng cho biết, mong muốn hướng dẫn viên du lịch phải có trình độ chuyên môn, văn hoá cao, tốt nghiệp đại học, thạc sĩ…là không sai. Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy, quy định như vậy đối với tình hình thực tiễn của Việt Nam là không phù hợp. Bởi vì nếu quy định như vậy thì số hướng dẫn viên được công nhận, được cấp giấy chứng nhận rất ít, từ đó sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu cũng như không đủ để cạnh tranh.

Vì thế, tiêu chuẩn đặt ra với hướng dẫn viên du lịch là chỉ cần có trình độ trung cấp về chuyên môn. Sau đó họ sẽ qua các lớp đào tạo hướng dẫn viên. Như vậy sẽ có một số lượng hướng dẫn viên đông và tạo sự cạnh tranh.

Trước những vấn đề đặt ra, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, những vấn đề các đại biểu đưa ra hôm nay mới chỉ là sơ bộ, sẽ còn tiếp tục phải trao đổi nhiều.

Theo ông Phan Thanh Bình, riêng về Báo cáo thẩm tra, đa số các đại biểu đều cơ bản đã đồng ý thông qua. Đây cũng là cơ sở để trình lên Quốc hội trong Kỳ họp lần thứ 2 vào tháng 10 tới. Khi đó Quốc hội sẽ góp ý và đến kỳ họp Quốc hội lấn thứ 3 vào tháng 5/2017 sẽ thông qua Luật Du lịch (sửa đổi).

 Hà Giang

 

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ