(Tổ Quốc) - Những bộ vàng mã bikini gây tranh cãi đã không còn xuất hiện tại các cửa hàng trên tuyến phố Hàng Mã những ngày cận ông Công, ông Táo.
Trong những ngày này, nhu cầu sắm sửa đồ vàng mã chuẩn bị cho việc tiễn ông Công, ông Táo tăng cao. Các cửa hàng kinh doang vàng mã trên con phố Hàng Mã, điểm đến quen thuộc của nhiều người dân để mua sắm đồ lễ chuẩn bị cho những ngày cuối năm đã chuẩn bị nguồn hàng từ sớm để kịp thời cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Các mặt hàng chủ yếu được bày bán năm nay vẫn là những đồ vàng mã truyền thống như bộ táo quân (mũ, hài, quần cá, cá chép), bộ quan thần linh, tiền, vàng, hương, nến…. Trong đó, các mặt hàng bán chạy nhất vẫn là bộ cúng quan thần linh và bộ táo quân.
Cũng như mọi năm, trong những ngày áp chót, lượng người đến mua sắm bắt đầu tăng. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm trong những năm gần đây không còn nhiều như những năm trước. Theo nhiều chủ bán hàng, do suy nghĩ về việc đốt vàng mã có phần thay đổi nên nhu cầu mua sắm của người dân không còn cao như những năm trước dù giá cả không có sự chênh lệch.
Cụ thể, bộ cúng quan thần linh và bộ táo quân làm bằng giấy thủ công bình thường có giá từ khoảng 60.000 đồng đến 80.000 đồng. Trong khi đó, nếu như được làm bằng giấy vàng thì đắt hơn một chút khoảng 120.000 đồng đến 150.000 đồng; Một bộ đầy đủ gồm quần áo, tiền vàng, cá chép… được bán thấp nhát từ 35.000 đồng đến 300.000 đồng; Ngựa giấy bán từ 25.000 đồng đến 100.000 đồng tùy loại to nhỏ khác nhau; quần áo cũng giao động trong khoảng 10.000 đến 20.000 đồng.
Ngoài ra, các mặt hàng tiền vàng, thỏi vàng thần tài cũng có giá 30.000 đồng/miếng; bộ tiền vàng vào khoảng 10.000 đồng đến 20.000/tệp tùy loại.
"Giá của các mặt hàng không tăng nhưng đều tiêu thụ rất chậm so với trước đó. Tôi nghĩ rằng do quan niệm đốt vàng mã của người dân thay đổi nên việc buôn bán trở nên khó khăn hơn"- bà Thoa (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) cho hay.
Bên cạnh đó, mặt hàng gây khá nhiều tranh cãi trong thời gian qua là những bộ bikini vàng mã từng được bày bán với giá 100.000 đồng không còn xuất hiện trên thị trường.
Nói về vấn đề này, bà Vinh (Hãng Mã, Hà Nội), chủ một cửa hàng buôn bán vàng mã cho biết, các mặt hàng này đều không được bày bán hoặc nếu có thì chỉ xuất hiện ở thời điểm trước tháng cô hồn: "Những ngày Tết như thế này người dân chỉ cần đốt thắp hương vàng mã đơn giản thể hiện tấm lòng. Đây là truyền thống. Cá nhân tôi không ủng hộ những mặt hàng biến tướng như vậy. Nó khiến cho nét truyền thống của văn hóa dân tộc bị mất đi".