• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

BÌNH ĐỊNH - Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt

07/08/2015 08:30

(Cinet-DL)- Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt nằm trong quần thể của Bảo tàng Quang Trung thuộc tỉnh Bình Định được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014.

(Cinet-DL)- Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt nằm trong quần thể của Bảo tàng Quang Trung thuộc tỉnh Bình Định được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014.

Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt

1. Tên Di sản/ Di tích: Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt  

2. Thời gian:

- Sau năm 1776 (Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, đóng đô ở thành Đồ Bàn): Từ đường của ông bà Hồ Phi Phúc (thân sinh ba anh em Nguyễn Huệ) được xây dựng ngay trên nền nhà cũ nơi ba anh em sinh ra

- Năm 1823: Đình làng Kiên Mỹ được xây dựng trên nền Từ đường đã bị phá hủy. Bề ngoài là thờ Thành Hoàng nhưng bên trong lại bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn.

- 1946: Đình bị thực dân Pháp đốt.

- 1958: Đình được xây lại và lấy tên là Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt

- 1998: Đền thờ mới có quy mô to lớn hơn được xây dựng trên nền điện thờ cũ

3. Năm công nhận:

- Ngày 24/9/1979, Bộ Văn hóa và Thông tin đã ký quyết định số 54/QĐ-BVH công nhận Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia.  

- Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 240/QĐ-TTg công nhận Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt là Di tích quốc gia đặc biệt.

4. Vị trí/ Địa hình:

Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt nằm trong quần thể của Bảo tàng Quang Trung, tọa lạc tại làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 45km về phía Tây Bắc.

Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam. Lãnh thổ của tỉnh trải dài 110 km theo hướng Bắc - Nam, diện tích tự nhiên: 6.025 km², diện tích vùng lãnh hải: 36.000 km². Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, với độ chênh lệch khá lớn (khoảng 1.000m). Các dạng địa hình phổ biến là: Vùng đồi núi và cao nguyên (chiếm 70% diện tích toàn tỉnh); Vùng đồng bằng và Vùng ven biển. Bình Định có khá nhiều sông. Các sông ngòi không lớn, độ dốc cao, ngắn, hàm lượng phù sa thấp. Ngoài ra còn có nhiều hồ nhân tạo.   

5. Thổ nhưỡng:

Bình Định có 9 nhóm, 22 đơn vị và 74 đơn vị đất phụ với đặc điểm phát sinh và sử dụng đa dạng. Đất đồi núi dốc chiếm 62,3% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, còn lại là đất ở địa hình bằng, thoải với 32,7%. Diện tích đất có tầng mỏng hơn 50cm chiếm 48%. Các nhóm đất phổ biến và có diện tích lớn hơn cả là đất xám: 425.835 ha (70,4%), đất phù sa 45.634 ha (7,5%), đất tầng mỏng: 22.229 ha (3,6%); đất đỏ 21.313 ha (3,5%), đất gờ lây 15.968 ha (2,6%), đất cát 13.570 ha (2,2%) so với đất tự nhiên toàn tỉnh. Các loại đất thuận lợi cho sản xuất là đất phù sa, đất gờ lây, đất mặn trung bình và ít, đất đỏ, đất xám Feralit; tầng dày hơn 50cm và ở độ dốc < 250, có diện tích 178.015 ha, chiếm 29,4 % đất tự nhiên toàn tỉnh.

6. Khí hậu:

Bình Định có tính chất nhiệt đới ẩm, gió mùa. Nhiệt độ không khí trung bình năm: ở khu vực miền núi biến đổi 20,1 - 26,1°C; tại vùng duyên hải là 27°C. Độ ẩm tuyệt đối trung bình tháng trong năm: tại khu vực miền núi là 22,5 - 27,9% và độ ẩm tương đối 79 – 92%; tại vùng duyên hải độ ẩm tuyệt đối trung bình là 27,9% và độ ẩm tương đối 79%. Tổng lượng mưa trung bình năm là 1.751mm, cực đại là 2.658mm, cực tiểu là 1.131mm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 – 12; mùa khô kéo dài từ tháng 01 – 8.

7. Dân cư:

Theo số liệu năm 2005, toàn tỉnh có 1.700.400 người, trong đó nam là (821.000 người) chiếm 48,7%, nữ là (879.400 người) chiếm: 51,3%. Dân số ở thành thị là (993.000 người) chiếm 58,2%, nông thôn là (749.400 người) chiếm 42,8%, mật độ dân số là 297 người/km2 và dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng (1.020.000 người) chiếm: 60% dân số toàn tỉnh. Ngoài dân tộc Kinh, còn có các dân tộc khác nhưng chủ yếu là Chăm, Ba Na và Hrê, bao gồm khoảng 2,5 vạn dân.

8. Tóm tắt nội dung:

Khu di tích đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt nằm trong quần thể của Bảo tàng Quang Trung. Điện thờ ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cùng các tướng lĩnh phong trào Tây Sơn như Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm. Giá trị lớn nhất của Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt nằm ở giá trị công sức gìn giữ, bảo tồn sự nghiệp anh hùng của nhà Tây Sơn đối với nhân dân Tây Sơn. Khu di tích bao gồm Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, cây đa cổ thụ và giếng nước. Hiện nay, tổng diện tích quy hoạch cho khu di tích vào khoảng 18 ha.

Bảo tàng Quang Trung



Làng Kiên Mỹ: Là nơi ba anh em Nguyễn Huệ cất tiếng khóc chào đời. Nghề buôn bán trầu cau từng rất phát triển ở đây. Nguyễn Nhạc từng có thời gian làm nghề này và thường xuyên giao lưu buôn bán khắp miền xuôi, miền ngược trên dòng sông Kôn. Nhờ vậy, ông có điều kiện chiêu hiền, đãi sĩ và khởi xướng phong trào khời nghĩa nông dân ở vùng Tây Sơn thượng đạo. Làng Kiên Mỹ cũng là nơi hội tụ các nghĩa sĩ và là căn cứ đầu tiên của phong trào nông dân ở vùng Tây Sơn hạ đạo.

Đình làng Kiên Mỹ:

Khi còn tồn tại, đình Kiên Mỹ nằm trong khu vườn với diện tích 2.323m2. Đình được xây dựng với kiến trúc theo kiểu nhà mái lá miền Trung, có diện tích trên 100m2, có tiền đường, hậu tẩm, chất liệu bằng gỗ, mái lợp tranh, vách đất, có trính cấu, cột lỏng đở các vì kèo đầu chạm long, phụng, cửa bàn pha, các cây cột ví von: "Hạc chợ đình, cột đình Kiên Mỹ". Sắc phong thành hoàng của triều Nguyễn không thờ ở đây mà đem thờ ở đây mà đem thờ ở miếu Vĩnh An thuộc xóm Hưng Trung. Như vậy, đình Kiên Mỹ xưa thờ thành hoàng là danh nghĩa, còn thực chất là thờ ba anh em nhà Tây Sơn.

Nội thất đình được bài trí theo nghi thức đình làng ở miền Trung. Nhà tiền đường thờ Thành hoàng, nhà hậu tẩm thờ Tây Sơn tam kiệt. Đình thường tổ chức cúng kỵ vào rằm tháng 11 âm lịch, nhân tết cơm mới hàng năm để giỗ ba anh em nhà Tây Sơn, chỉ mật cáo chứ không có văn tế.

Tây Sơn điện:

Sau khi đình bị thực dân Pháp đốt cháy, nhân dân địa phương lập một miếu nhỏ dưới gốc me để thờ ba anh em Tây Sơn. Sau đó, đến năm 1958, một ngôi đình mới được xây dựng trên nền cũ, lấy tên là Tây Sơn điện. Điện Tây Sơn có lối kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, móng xây đá chẻ, vách xây gạch đặc, mái lợp ngói đúc bằng xi măng, diện tích trên 100m2. Điện thờ chính có 3 gian, chính giữa thờ Quang Trung Hoàng đế - Nguyễn Huệ, bên phải thờ Thái Đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc, bên trái thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ, tả hữu điện thờ các quan văn võ và tiên tổ dòng họ nhà Tây Sơn, tất cả đều có án thờ và trang trí theo kiểu cung đình ở miền Trung, hai đầu hồi có giá chiêng, trống để phục vụ tế lễ. Điện có ba dòng cửa pa nô bằng gỗ quý, trên đầu cửa chính điện có ba chữ Tây Sơn Điện, hai bên cửa là câu đối viết bằng chữ Hán:

Tây khê thảo thụ lưu kỳ tích

Nam quốc sơn hà ký võ công

Nghĩa là:

Cây cỏ suối Tây còn giữ gìn chuyện lạ

Sông núi nước Nam ghi chép chiến công (của ba Ngài)

Từ điện chính có nhà dẫn dài 6m, rộng 3m, trước nhà tứ giác, hai bên có hai hàng cột tròn trang trí hoa văn rồng mây quấn quanh cột, được đính bằng mẻ chai, chén vỡ nhiều màu sắc. Nhà tứ giác mái công, góc mai trang trí những hoa lá mái rồng, trên chóp có hồ lô thể hiện bầu thánh cứu an dân lành, trong nhà tứ giác có tượng bán thân Hoàng đế Quang Trung bằng gốm, cao 0,6m, sơn đen đặt trên bục cao 1 m, trước nhà dẫn có nhà bia hình tứ giác, bên trong đặt một tấm bia xi măng tráng đá mài xanh, nội dung văn bia ca ngợi thân thế sự nghiệp của ba anh em Tây Sơn. Lễ giỗ ba anh em nhà Tây Sơn vào rằm tháng 11 âm lịch gọi là kỵ hiệp và ngày giỗ trận kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào ngày mùng 5 tết. Tế lễ được tổ chức trang nghiêm và có đọc văn tế

Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt:

Điện thờ được xây dựng năm 1998, có quy mô hoành tráng với tổng diện tích vào khoảng 300m2 (gấp 3 lần so với điện thờ cũ), có chất liệu bằng bê tông cốt thép, được tái hiện các hàng cột to và trính cấu như đình xưa, mái đúc bê tông dán vảy mũi hài. Góc mái cong hình mũi thuyền, trang trí hoa văn lá hóa rồng. Trên nóc Điện được trang trí "Lưỡng long chầu nguyệt" thân hình to khỏe, chân có 5 móng, vảy đính bằng các loại mảnh sứ và thủy tinh xanh, vàng. Điện có 5 dòng pa nô phủ màu nâu, trên đầu cửa được chạm trổ hoa văn tùng, cúc, trúc, mai. Trên đầu cửa chính có dòng chữ "Tây Sơn Điện", hai bên cửa chính có câu đối viết bằng chữ Hán:

Tây khê thảo thụ lưu huân nghiệp

Nam quốc sơn hà chấn chiến công.


Nghĩa là:

Cây cỏ ở suối Tây còn lưu lại sự nghiệp cao cả

Sông núi nước Nam chấn động những chiến công.

Ba ban thờ Tây Sơn Tam kiệt 

Trước chính điện có nhà dẫn như điện thờ cũ, hai bên có hai hàng cột to và trang trí rồng mây quấn quanh cột, trước nhà dẫn có 1 tấm bia đá granite màu đỏ, ghi tóm tắt nội dung lịch sử điện thờ. Cổng tam quan

Cổng chính rộng 6m, hai cổng phụ hai bên rộng 1,2m, cao 7m, trên cổng là tấm biển đề ba chữ Tây Sơn Điện, hai bên trụ cổng chính có câu đối viết bằng chữ Hán:

Phi thường sự nghiệp bi thiên cổ

Khoáng thế anh hùng hựu nhất môn.


Nghĩa là:

Ba anh em Tây Sơn là những bậc anh hùng hiếm có ở cùng một nhà và đã làm nên một sự nghiệp phi thường tác nên bia đá nghìn đời.

Trên đầu hai trụ cổng chính giữa được trang trí lồng đèn và hai trụ cổng bên ngoài được trang trí biểu tượng hai ngọn đuốc.

Nội thất được trang trí theo nghi thức cũ, các án thờ được làm từ gỗ quý, chạm trổ công phu. Án tiền điện là án công đồng, thờ chung các vị trong điện và tiên tổ dòng họ nhà Tây Sơn. Án hậu điện, chính giữa thờ Quang Trung Hoàng đế - Nguyễn Huệ, phía bên thờ Thái đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc, Phía bên trái thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ. Hai bên điện thờ các văn võ tướng Tây Sơn. Khi điện thờ mới xây dựng xong chỉ bài trí các án thờ, đến 2004 được đưa vào 9 tượng thờ bằng gốm sứ dát vàng gồm tượng ba anh em nhà Tây Sơn và sáu văn võ tướng tiêu biểu là: Thượng thư bộ binh Ngô Thì Nhậm, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, Đại tư mã Ngô Văn Sở, Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đại tư đồ Võ Văn Dũng. Mỗi tượng được đặt trên một bệ bê tông ốp đá granite màu đỏ cao 1m, trước tượng là án thờ. Trên án bài trí tam sơn, đèn, đài, hạc và bát nhang bằng đồng. Trước các thờ công đồng, Thái đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc, Đông Định Vương - Nguyễn Lữ đặt một cặp lộc bình bằng gỗ cao 1m40 chạm nổi hoặc khảm xà cừ các tranh ngự, tiều, canh, mục hoạch long, ly, quy, phụng. Trước án thờ Quang Trung Hoàng đế - Nguyễn Huệ đặt cặp hạc đứng trên lưng rùa bằng đồng, cao 1m60. Hàng cột trước án thợ hậu điện có hai câu liễn khảm xà cừ chữ Hán:

- Thiên thu công tích huynh hòa đệ

Vạn cổ anh hùng dân khả vương.

- Thần võ duy dương kinh quốc tặc

Uy danh bách thắng độc minh công


Nghĩa là:

- Công tích ngàn đời, có công anh lẫn công em

Anh hùng muôn thuở, từ người dân có thể thành vua.

- Mỗi lần ra quân, bon giặc nước đều khiếp sợ

Lưng Danh trăm trận trăm thắng, chỉ một mình Ngài.


Phía trên đàu cột là bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng, trước án thờ Quang Trung Hoàng đế - long chầu nguyệt, trước án thờ Thái đức Hoành đế - Nguyễn Nhạc và án thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ trang trí họa tiết hoa lá hóa rồng. Hai đầu hồi có hai phòng để giá chiêng và giá trống phục vụ nghi thức tế lễ. Dưới sân điện thờ, ngày trước nhà dẫn đặt một lư hương bằng đồng to có mái che, hai bên cổng là hai voi đá granite màu xám, vào bên trong là cặp Kỳ lân bằng đá granite màu đỏ đứng chầu, tất cả đều do các cá nhân có lòng ngưỡng mộ sự nghiệp Tây Sơn tiến cúng. Hiện nay, ngoài ngày hiệp kỵ (giỗ) Tây Sơn (15/11 âm lịch), ngày kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa (mùng 5 tháng giêng âm lịch), còn có ngày kỵ Quang Trung Hoàng đế (29/7 âm lịch).

Cây me cổ thụ

Cây me cổ thụ nằm ở phía bên trái Điện Tây Sơn, có tuổi thọ vào khoảng 300 năm tuổi với đường kính gốc 3,9m, chu vi tán 30m. Được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận “Cây di sản” vào năm 2011, cây me này có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử - được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn.

Cây me cổ thụ



Giếng nước gia đình Tây Sơn Tam kiệt

Phía bên phải điện là giếng nước có đường kính 0,9m, bằng đá ong và có thành giếng cao hơn mặt đất 0,8m. Cả giếng nước và cây me tương truyền đều cụ Hồ Phi Phúc trồng và tạo dựng nên.

Giếng nước gia đình Tây Sơn Tam kiệt

Lan Phương (tổng hợp)

Nguồn tài liệu tham khảo

Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định;

Trang điện tử Tổng cục du lịch;

Trang điện tử UBND huyện Tây Sơn

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ