• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

BÌNH ĐỊNH - Thành cổ Hoàng Đế (Thành Đồ Bàn)

16/08/2015 08:40

(Cinet-DL)- Thành cổ Hoàng Đế (thành Đồ Bàn) nằm trên địa bàn thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định là một di tích lịch sử gắn liền với ba thời kỳ lịch sử và từng hai lần là kinh đô dưới hai triều đại khác nhau. Thành được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1982.

(Cinet-DL)- Thành cổ Hoàng Đế (thành Đồ Bàn) nằm trên địa bàn thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định là một di tích lịch sử gắn liền với ba thời kỳ lịch sử và từng hai lần là kinh đô dưới hai triều đại khác nhau. Thành được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1982.

Cổng thành

1. Tên Di sản/ Di tích: Thành cổ Hoàng Đế (Thành Đồ Bàn, Chà Bàn, Trà Bàn, Xà Bàn, Phật Thệ, Đại Châu, Lồi)

2. Thời gian:

- Năm 982: dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya thành Đồ Bàn được xây dựng và trở thành kinh đô cuối cùng của Vương quốc Chăm-pa.

- Năm 1778: Thành Đồ Bàn được đổi tên, gọi là thành Hoàng Đế – trở thành nơi đóng đô của Nguyễn Nhạc, tự xưng là Trung Ương Hoàng Đế Thái Đức của nhà Tây Sơn. Thành được mở rộng về phía đông với nhiều công trình lớn.

- Năm 1799: Nguyễn Ánh chiếm và đổi tên, gọi là thành Bình Định.

3. Năm công nhận:

Ngày 24/12/1982, Bộ Văn hóa ký quyết định số 147-VH/QĐ công nhận Thành cổ Hoàng Đế (thành Đồ Bàn) là Di tích Lịch sử văn hóa – Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

4. Vị trí/ Địa hình:

Thành Đồ Bàn nằm trên địa bàn xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam. Lãnh thổ của tỉnh trải dài 110 km theo hướng Bắc - Nam, diện tích tự nhiên: 6.025 km², diện tích vùng lãnh hải: 36.000 km². Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, với độ chênh lệch khá lớn (khoảng 1.000m). Các dạng địa hình phổ biến là: Vùng đồi núi và cao nguyên (chiếm 70% diện tích toàn tỉnh); Vùng đồng bằng và Vùng ven biển. Bình Định có khá nhiều sông. Các sông ngòi không lớn, độ dốc cao, ngắn, hàm lượng phù sa thấp. Ngoài ra còn có nhiều hồ nhân tạo.   

5. Thổ nhưỡng:

Bình Định có 9 nhóm, 22 đơn vị và 74 đơn vị đất phụ với đặc điểm phát sinh và sử dụng đa dạng. Đất đồi núi dốc chiếm 62,3% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, còn lại là đất ở địa hình bằng, thoải với 32,7%. Diện tích đất có tầng mỏng hơn 50cm chiếm 48%. Các nhóm đất phổ biến và có diện tích lớn hơn cả là đất xám: 425.835 ha (70,4%), đất phù sa 45.634 ha (7,5%), đất tầng mỏng: 22.229 ha (3,6%); đất đỏ 21.313 ha (3,5%), đất gờ lây 15.968 ha (2,6%), đất cát 13.570 ha (2,2%) so với đất tự nhiên toàn tỉnh. Các loại đất thuận lợi cho sản xuất là đất phù sa, đất gờ lây, đất mặn trung bình và ít, đất đỏ, đất xám Feralit; tầng dày hơn 50cm và ở độ dốc < 250, có diện tích 178.015 ha, chiếm 29,4 % đất tự nhiên toàn tỉnh.

6. Khí hậu:

Bình Định có tính chất nhiệt đới ẩm, gió mùa. Nhiệt độ không khí trung bình năm: ở khu vực miền núi biến đổi 20,1 - 26,1°C; tại vùng duyên hải là 27°C. Độ ẩm tuyệt đối trung bình tháng trong năm: tại khu vực miền núi là 22,5 - 27,9% và độ ẩm tương đối 79 – 92%; tại vùng duyên hải độ ẩm tuyệt đối trung bình là 27,9% và độ ẩm tương đối 79%. Tổng lượng mưa trung bình năm là 1.751mm, cực đại là 2.658mm, cực tiểu là 1.131mm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 – 12; mùa khô kéo dài từ tháng 01 – 8.

7. Dân cư:

Theo số liệu năm 2005, toàn tỉnh có 1.700.400 người, trong đó nam là (821.000 người) chiếm 48,7%, nữ là (879.400 người) chiếm: 51,3%. Dân số ở thành thị là (993.000 người) chiếm 58,2%, nông thôn là (749.400 người) chiếm 42,8%, mật độ dân số là 297 người/km2 và dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng (1.020.000 người) chiếm: 60% dân số toàn tỉnh. Ngoài dân tộc Kinh, còn có các dân tộc khác nhưng chủ yếu là Chăm, Ba Na và Hrê, bao gồm khoảng 2,5 vạn dân.

8. Tóm tắt nội dung:

8.1. Toàn cảnh


Thành Hoàng Đế có kiến trúc mang đậm nét Chăm-pa với ba vòng thành: thành nội, thành ngoại và Tử Cấm Thành.

Thành ngoại: 

Có chu vi 7400m, là vòng thành ngoài cùng, hình chữ nhật nhưng các cạnh uốn lượn không thẳng, các góc không vuông. Cạnh phía Bắc dài 2038m, phía Nam dài 2118m. Cạnh phía Đông tương đối thẳng dài 1564m, còn cạnh phía Tây lại hơi uốn lượn, hơi lệch về phía Tây Nam, tạo thành một góc lượn trò, đo được 1610m. Thành mở 5 cửa, trong đó tường thành phía nam mở hai cửa là cửa Vệ và cửa Tân Khai (đều nằm ở địa phận thôn Nam Tân). Ba tường thành phía đông, tây, bắc thì mở ba cửa Đông, Tây và Bắc. Đối chiếu với các sách địa lý và lịch sử thì nguyên xưa thành Đồ Bàn chỉ có 4 cửa. Cửa Tân Khai mới được mở khi Nguyễn Nhạc xây thành Hoàng Đế. Thành được đắp bằng đất, phía trong và ngoài bó đá ong.

Về kết cấu, mặt ngoài và trong của thành được xây bằng đá ong khai thác tại chỗ. Ở mặt ngoài, lớp đá ong tạo thành mặt phẳng dốc 700, phía dưới chân dày khoảng 3m, thu nhỏ dần lên phía trên mặt. Lớp đá ong bó mặt trong được xây thành từng bậc giật cấp làm cho tường thành choãi rộng ở phía chân và thu hẹp lại trên mặt. Giữa hai lớp đá ong tường thành được nhồi bằng đất. Với kĩ thuật xây dắp như vậy, vòng thành ngoại khá kiên cố. Tường thành có kích thước quy mô. Mặc dù đã bị sụp lở nhiều, ở một số đoạn vẫn đo được chân thành có chiều rộng hơn 10m, tường cao trên 6m và mặt thành rộng  tới trên 4m. Trong các tòa thành cổ còn lại ở nước ta, hiếm có tòa thành nào quy mô tường thành lớn như vậy.

Một góc tường thành



Thành nội (Hoàng thành): 

Được xây chếch về hướng tây nam của thành ngoại. Vòng thành này hầu như đã bị phá hoại hoàn toàn. Thành nội hình chữ nhật với chu vi 1600m (một cạnh dài 430m, một cạnh dài 370m), chân thành rộng từ 7-9m. Tường thành cũng được đắp bằng đất và bó đá ong hai mặt. Thành nội chỉ mở ba cửa. Cửa Tiền thẳng hướng với cửa vệ, cách thành Ngoại 180m. Hai bên cửa còn di tích hai ụ đất đối xứng hình chữ nhật đắp nhô hẳn ra ngoài kích thước 20 x 14m. Cửa Đông và cửa Tây trổ vào khoảng chính giữa mỗi cạnh thành, hiện đã bị san phẳng. Cạnh phía bắc không trổ cửa nhưng ở đoạn giữa co một đoạn dài 75m xây thục vào chừng 7m so với mặt tường như một dạng bình phong yểm hậu.

Tử Cấm Thành (Tử thành)

Nằm ở trung tâm thành Hoàng Đế, là vòng thành trong cùng, hình chữ nhật, chu vi gần 600m (một cạnh dài 126m và cạnh kia là 174m). Tường thành cao 1,8m, riêng góc đông nam cao đến trên 3m, mặt thành rộng khoảng 1,5m. Thành có 4 cửa ở 4 hướng, trong đó cửa ở hướng nam là cửa chính với tên gọi cửa Nam Lâu hay cửa Quyển Bồng.

Dấu tích chính điện

Ngoài các vòng tường thành kiến cố, hệ thống sông ngòi, núi đồi gò tự nhiên và nhân tạo bọc xung quanh cũng đã trở thành hệ thống phòng vệ lý tưởng cho thành Đồ Bàn. Sông Đập Đá tách ra ở Thiết Trụ (xã Nhơn Mỹ) rồi hợp lại ở Lý Tây (xã Nhơn Thành) bao bọc thành Hoàng Đế như một con hào tự nhiên, đồng thời là con đường thủy thuận lợi. Phía tây bắc thành còn dấu vết một bến thuyền xưa ở khu vực Bến Gỗ. Từ đó thuyền có thể theo đường sông Quai Vạc trở lại sông Kôn rồi ngược lên Thượng Đạo hoặc xuôi theo sông Đập Đá, sông Đại An về phía đông ra cửa Thị Nại. Cùng với tuyến sông - hào, các gò núi quanh thành cũng đóng vai trò không nhỏ trong hệ thống phòng thủ. Phía nam thành có gò Vân Sơn, gò Tập - nơi trước đây dùng để luyện tập quân sĩ. Xa hơn gò Tập một chút là ngọn núi Long Cốt án ngữ phía trước cửa thành.

Mặc dù hầu hết đã bị phá hủy nhưng Thành Hoàng Đế vẫn còn lưu giữ được một số di tích của Vương triều Chăm-pa trước đây còn khá nguyên vẹn. Lối vào thành có Hai chú voi bằng đá, đứng cách nhau 20m, một hướng về phía Đông, một hướng về phía Tây. Đây là dấu tích thành Đồ Bàn của vương quốc Chămpa được vua Thái Đức Nguyễn Nhạc giữ lại khi xây dựng thành. Qua cổng thành, trong sân có một số tượng lân đá, sư tử đá, giếng nước vuông... Chính giữa thành có tháp Cánh Tiên, cao gần 20m  là một kiến trúc tiêu biểu cho phong cách thắp Chăm Bình Định. Phía Bắc thành có chùa Thập Tháp Di Đà (được xây trên nền của mười tháp Chăm cổ). Phía Nam có chùa Nhạn Tháp, cũng là một ngôi chùa cổ.

Tháp Cánh Tiên



Ngoài ra, có thể tìm thấy một số dấu vết còn lại của phong trào Tây Sơn tại thành Hoàng Đế như cổng thành cũ, lăng Võ Tánh, lăng Tùng Châu, lầu Bát Giác (bên trong có bia đá có niên đại năm từ năm 1800, thờ hai vị tướng bại trận triều Nguyễn)…

Lăng mộ Võ Tánh
Lầu Bát giác



8.2. Khai quật, khảo cổ

Theo sử sách để lại, vào thời kỳ hoàng kim, Đồ Bàn là một tòa thành nguy nga, tráng lệ. Sách Việt sử lược dẫn lại, vào năm 1069, sau khi vua Lý Thánh Tông chiếm được thành Phật Thệ đã sai kiểm tất cả các nhà trong và ngoài thành, cả thảy có tới hơn 2.560 khu. Sách Hoàng Việt địa dư chí cũng cho biết trong thành có tới 35 toà tháp. Bị phá đi dựng lại nhiều lần, đặc biệt vào thế kỷ XVIII, nghĩa quân Tây Sơn đã tu bổ, mở rộng thêm nhiều công trình nên cấu trúc cũ của thành có nhiều thay đổi so với thời kỳ Vương quốc Chăm-pa. Cho đến nay, thành Đồ Bàn chỉ còn là một phế tích. Từ năm 2004 đến nay, đã có ít nhất 6 cuộc khai quật, khảo cổ được tiến hành tại đây.

Hồ bán nguyệt được khai quật



Kết quả khai quật năm 2004, tìm thấy một công trình kiến trúc văn hoá-thủy hồ hình vành trăng khuyết dài 17m, rộng 10m còn khá nguyên vẹn, được xây bằng vôi, tường lòng hồ gắn đá, san hô trang trí, và nền móng một kiến trúc, theo sử liệu ghi chép có khả năng nơi đây là dấu tích đền thờ tổ của vua Thái Đức.

Kết quả khai quật năm 2005, phát hiện thêm một hồ bán nguyệt phía đông Tử Cấm Thành, xây đăng đối với hồ bán nguyệt tìm thấy năm 2004, một thủy hồ hình ‘’lá đề ‘’ dài 6m rộng 3m. Khai quật lần này còn làm lộ rõ một cạnh phía Tây Nam của điện Bát Giác - nơi thiết triều của Hoàng Đế Thái Đức. Nền điện, hành lang được bó bằng đá sa thạch (tận dụng đá của Cham pa), và lát gạch vuông khổ 36cm. Chiều dài cạnh nền điện Bát Giác 7m3, chiều dài cạnh hành lang điện là 8m2, trên hành lang có bốn lỗ cột tròn âm xuống nền gạch.

Các cuộc khai quật tiếp theo đã phát hiên ra thêm nhiều di chỉ quan trọng khác như bờ móng của Hoàng cung nhà Tây Sơn, hồ trái tim, tượng nghê đá, sư tử, các vật trang trí, tiền xu, đạn đá…

Lan Phương (tổng hợp)

Nguồn tài liệu tham khảo

Cổng thông tin điện tử Bình Định;

Cổng thông tin điện tử huyện An Nhơn;

Dư địa chí Bình Định 

NỔI BẬT TRANG CHỦ