• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bình Định: Ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Kinh tế 29/09/2023 07:54

(Tổ Quốc) - Trong những năm tới, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020 (khoảng 60 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3-4%...

Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS từng bước phát triển

Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 6.066,4km2. Toàn tỉnh có 8 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố với 159 xã, phường, thị trấn; có 440.590 hộ/1.580.419 người (số liệu điều tra hộ nghèo cuối năm 2022); tỷ lệ nghèo đa chiều 9,04% với 39.827 hộ, trong đó tổng số hộ nghèo 19.805 hộ, chiếm tỷ lệ 4,5% và tổng số hộ cận nghèo 20.022 hộ, chiếm tỷ lệ 4,54%.

Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện; diện tích tự nhiên chiếm 48,4% so diện tích tự nhiên của tỉnh. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 11.491 hộ/41.903 đồng bào DTTS, chiếm khoảng 2,65% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Bana, H'rê. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS so với số hộ đồng bào DTTS cuối năm 2022 là 6.291 hộ, chiếm 54,75%.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 là một trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang được địa phương triển khai thực hiện.

Bình Định: Ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Báo Bình Định).

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho Bình Định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 là 458,743 tỷ đồng. Đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn của hầu hết các dự án thuộc chương trình đã được cấp có thẩm quyền giao cho các địa phương đầy đủ, kịp thời; các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai tích cực, ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Nhờ được quan tâm đầu tư, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định trong những năm qua đã từng bước phát triển; kết cấu hạ tầng vùng đồng bào vùng đồng bào DTTS và miền núi từng bước được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng khu vực.

Bên cạnh đó, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS cuối năm 2022 đã giảm 592 hộ so với năm 2021; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm xây dựng, nhiều thôn, làng và gia đình người DTTS được công nhận là đơn vị văn hóa và gia đình văn hoá; những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển.

Công tác y tế chăm sóc sức khỏe đã đạt được những thành tựu quan trọng; đồng bào các dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Mạng lưới thông tin, văn hóa, thể thao vùng đồng bào DTTS có sự phát triển nhanh, góp phần cải thiện đáng kể đời sống tinh thần của đồng bào.

Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, chăm lo phát triển. Cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư ngày càng khang trang; chế độ chính sách cho người dạy và người học được chú trọng. Nhờ đó, chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi được nâng lên.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 3-4%/năm

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, an sinh xã hội đảm bảo đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS tỉnh Bình Định đối với Đảng và Nhà nước; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được đảm bảo, thế trận quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường.

Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh Bình Định vẫn ở mức cao. Do vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh chủ yếu là đồi núi, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển kém, điểm xuất phát thấp,... nên nguy cơ tái nghèo còn cao.

Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh Bình Định là tập trung mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là người có công, người nghèo, đồng bào DTTS và miền núi, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Trong đó, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020 (khoảng 60 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3-4%; phấn đấu 40-50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (khoảng 10 xã và 4 thôn).

Để làm được điều này, trong thời gian tới, địa phương cũng đề ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và người dân hiểu đầy đủ về bản chất nhân văn của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS và miền núi. Phát huy các truyền thống nhân văn, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau".../.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ