• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

BÌNH PHƯỚC - Căn cứ Quân ủy Bộ Tư lệnh và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (căn cứ Tà Thiết)

21/08/2015 15:30

(Cinet-DL)- Căn cứ Tà Thiết là một trong những di tích Cách mạng nổi tiếng, thu hút được lượng khách tham quan lớn nhất của tỉnh Bình Phước.

(Cinet-DL)- Căn cứ Tà Thiết là một trong những di tích Cách mạng nổi tiếng, thu hút được lượng khách tham quan lớn nhất của tỉnh Bình Phước.

Đài tưởng niệm tại khu di tích Căn cứ Tà thiết

1. Tên Di sản/ Di tích: Căn cứ Quân ủy Bộ tư lệnh và Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Mình (Căn cứ Tà Thiết)

2. Thời gian:

- Tháng 4/1972: Lộc Ninh (Bình Phước) là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ Sóc Con Trăng (Tây Ninh) về đóng tại Tà Thiết.

- Cuối tháng 1 – 8/2/1973: Các con đường mới hướng về căn cứ Tà Thiết được bắt đầu mở và nhanh chóng hoàn tất.

- Cuối tháng 3/1973: Các cơ quan trong Bộ chỉ huy Miền và các đơn vị trực thuộc đã ổn định nơi ăn, ở. Căn cứ Tà Thiết chính thức đi vào hoạt động.

- Năm 1995: Di tích được trùng tu theo nguyên trạng, trong đó gồm 7 hạng mục.

3. Năm công nhận:

Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa đã ký quyết định số 1288-VH/QĐ công nhận Căn cứ Quân ủy Bộ tư lệnh và Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Mình (Căn cứ Tà Thiết) là Di tích Lịch sử Cách mạng cấp Quốc gia.

4. Vị trí/ Địa hình:

Căn cứ Tà Thiết nằm trên địa bàn xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Tỉnh Bình Phước có diện tích 6.871,5 km², là một tỉnh miền núi ở phía Tây của vùng Đông Nam Bộ, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương và phía Bắc tỉnh Đắk Lắk và Campuchia. 

Địa hình vùng lãnh thổ Bình Phước là cao nguyên ở phía Bắc và Đông Bắc, dạng địa hình đồi núi, thấp dần về phía Tây và Tây Nam.

5. Thổ nhưỡng:

Đất tỉnh Bình Phước được chia thành 6 nhóm và ra 11 loại đất. Trong đó, nhóm đất đỏ vàng có tỷ trọng cao nhất, chiếm đến 80,21%  diện tích tự nhiên; kế đến là nhóm đất xám: 13,21%; nhóm đất dốc tụ: 3,00%; nhóm đất đen: 0,26%; nhóm đất phù sa: 0,12% và cuối cùng là nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá, chỉ chiếm 0,04%.

6. Khí hậu:

Bình Phước nằm trong vùng mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo gió mùa, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ bình quân trong năm cao đều và ổn định từ 25,80C - 26,20C

7. Dân cư:

Tính đến năm 2011, dân số toàn tỉnh Bình Phước đạt gần 905.300 người, Mật độ dân số đạt 132 người/km²; trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 152.100 người, dân số sống tại nông thôn đạt 753.200 người. Dân số nam đạt 456.900 người, trong khi đó nữ đạt 448.400 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 13,7 ‰. Tỉnh có khoảng hơn 640.000 người trong độ tuổi lao động.

Bình Phước là nơi định cư và sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc ít người chiếm 17,9%, đa số là người Xtiêng, một số ít người Hoa, Khmer, Nùng, Tày…

8. Tóm tắt nội dung:

8.1. Tổng quan:


Căn cứ Tà Thiết có diện tích 16 km2 là một tổng thể hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, hội trường ngầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam trong gia đoạn từ năm 1973 – 1975. Là căn cứ cuối cùng của Bộ Chỉ huy miền, căn cứ Tà Thiết có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam.

Phòng họp của Bộ chỉ huy miền



Hệ thống nhà, hầm hào giao thông tại Tà Thiết được nối với nhau liên hoàn, đảm bảo sinh hoạt, làm việc thuận lợi, thông thoáng và an toàn. Các công trình nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy trong Bộ Tư lệnh miền được xây dựng dưới những tán cây lớn, xung quanh là rừng le đan chằng chịt. Nhà ở và nơi làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà được dựng ngoài một trảng trống theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Khơ-me nằm đan xen giữa hơn mười nóc nhà của đồng bào để đánh lạc hướng địch. Cùng với nhà ở và làm việc là hệ thống các công trình phục vụ khác như bếp Hoàng Cầm, nhà Chính ủy, hầm giao ban, hội trường... tất cả đều được xây dựng theo lối nhà bán âm (nửa chìm nửa nổi) để về đêm hạn chế ánh sáng đèn phát ra ngoài; bên trên được lợp bằng lá trung quân để tránh bị máy bay địch phát hiện, bốn xung quanh mỗi công trình đều có hệ thống giao thông hào để thoát hiểm. Các hầm trú ẩn thường được làm kế cận nhà, chìm vào lòng đất, trên đặt mái bằng. Những hầm đặc biệt như hầm chỉ huy, hầm thông tin, hầm quân y… thường được làm khá rộng để tiện hoạt động, phòng khi trên mặt đất không an toàn.. Giao thông hào chỉ dành cho một số hầm đặc biệt nói trên, không phổ biến toàn căn cứ. Các hạng mục cách nhau từ 50 đến 200 mét.

Nơi làm việc của cố Thượng tướng Trần Văn Trà

8.2. Các sự kiện quan trọng diễn ra tại căn cứ Tà Thiết

- Ngày 20/7/1974: Hội nghị quân chính Miền ở căn cứ Tà Thiết, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương cục miền Nam thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố Quyết định thành lập quân đoàn 4, gồm 2 sư đoàn bộ binh 7 và 9, các trung đoàn 24 pháo binh, 71 phòng không, 429 đặc công và 3 tiểu đoàn thông tin. Đồng chí Hoàng Cầm được bổ nhiệm Tư lệnh quân đoàn 4. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành mới của chủ lực Miền.

- Ngày 8/4/1975: Đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết 7 của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định gồm: Tư lệnh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Chính ủy Phạm Hùng; Phó Tư lệnh gồm các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện.

- Ngày 14/4/1975: Vào lúc 19h, tại căn cứ Tà Thiết, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã nhận được bức điện số 37/TK do Tổng Bí thư Lê Duẩn ký: “Đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Ủy viên BCT Lê Đức Thọ và Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định

Lan Phương (tổng hợp)

Nguồn tài liệu tham khảo

Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin điện tử huyện Lộc Ninh

NỔI BẬT TRANG CHỦ