(Tổ Quốc) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước tiếp tục phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của mình trong phát triển kinh tế - xã hội và có giải pháp đột phá hơn nữa, phấn đấu đưa Bình Phước vào năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đạt thu nhập bình quân đầu người gấp đôi so với năm 2015.
Hình minh họa: Công nhân nhà máy cao su Phú Riềng: Nguồn báo Bình Phước |
Những năm qua, tỉnh Bình Phước với tinh thần dám nghĩ, dám làm và ý chí quyết tâm đã tập trung chỉ đạo, điều hành với những giải pháp thiết thực, hiệu quả cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã đưa địa phương vươn lên thoát nghèo, phát triển toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 6,83% (cao hơn bình quân cả nước). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trong 7 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt những kết quả nổi bật: Thu ngân sách tăng cao gần 70% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,67%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,29%; số dự án vốn đầu tư trong nước tăng 22%...
Tuy nhiên, Bình Phước vẫn là tỉnh nghèo, còn khó khăn: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nội lực; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm, năng suất lao động, sức cạnh tranh còn thấp...
Để khắc phục những tồn tại trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước tiếp tục phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của mình trong phát triển kinh tế - xã hội và có giải pháp đột phá hơn nữa, phấn đấu đưa Bình Phước vào năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đạt thu nhập bình quân đầu người gấp đôi so với năm 2015.
Phát triển các khu công nghiệp theo hướng hiện đại
Tỉnh tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế gắn với rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành; quy hoạch và phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển toàn diện; xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cao su, điều…và sản phẩm trái cây gắn với thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu nông nghiệp lớn có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế.
Đồng thời, phát triển các khu công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; quy hoạch các khu kinh tế, các khu công nghiệp gắn với nhà ở xã hội cho người lao động, người dân trong khu vực dự án. Xây dựng các cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất là khu vực nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các khu, cụm công nghiệp. Huy động thu hút nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng khu du lịch, cơ sở hạ tầng phụ trợ phục vụ nhu cầu của nhân dân và khách du lịch đến tham quan; phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ, xây dựng hệ sinh thái du lịch sống động, sản phẩm đa dạng. Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các tài nguyên du lịch, địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch… tạo sự bứt phá cho du lịch Bình Phước.
Xây dựng bộ máy hành chính trong sạch
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Phước phải tăng cường công tác trồng rừng mới, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên còn lại, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi rừng; quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tránh lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn nước; tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân và doanh nghiệp; chỉ đạo quyết liệt, đề ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ.
Lãnh đạo Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành nhất là cấp sở, cấp huyện phải tập trung cải cách hành chính tốt hơn, xây dựng cơ chế thông thoáng, cởi mở, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn để thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về đầu tư, kinh doanh. Thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, phấn đấu đến năm 2020, tăng gấp 2 lần số doanh nghiệp lên khoảng 12 nghìn doanh nghiệp và 75 người dân/1 doanh nghiệp.
Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, công tác dân tộc; cải thiện tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, có giải pháp để nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết tốt các vấn đề xã hội để bảo đảm an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho người dân...