• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bloomberg: 'Miễn nhiễm' trước những rủi ro lớn trên toàn cầu, TTCK châu Á hồi phục mạnh mẽ, vượt trội so với phần còn lại của thế giới

Kinh tế 19/07/2020 08:36

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh hầu như ít có yếu tố nào hợp lý đối với TTCK toàn cầu ở năm nay, có một xu hướng dường như được thúc đẩy bởi nền kinh tế thực: TTCK châu Á có diễn biến vượt trội so với phần còn lại của thế giới, do khu vực này kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Chỉ số MSCI Asia Pacific đang trên đà vượt S&P 500 và MSCI Europe trong tháng thứ 2 liên tiếp vào tháng 7, khi châu Á đạt được hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như mở cửa nền kinh tế. Yếu tố này, cùng với những mức định giá hấp dẫn và chứng khoán châu Á dường như không chịu rủi ro liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ, đang thúc đẩy các nhà quản lý tài sản rót thêm tiền, tăng thêm lợi nhuận.

Sebastien Galy– chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Nordea Investment Funds, nhận định: "Chúng tôi khá nghiêng về phía chứng khoán châu Á. Chúng tôi dự kiến xu hướng này sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho thời điểm khó khăn hơn đối với TTCK là vào tháng 9 và tháng 10."

Lời bình luận của Galy cũng tương tự với quan điểm của các quỹ như Fidelity International Ltd. và Capital Group Cos. – những quỹ đều nhận thấy TTCK châu Á đang nhận được nhiều vốn từ các nhà đầu tư hơn. Số ca nhiễm nCoV ở khu vực này hiện chiếm chưa đến 20% tổng số trên toàn cầu kể từ khi TTCK chạm đáy vào tháng 3, theo dữ liệu Bloomberg biên soạn và Đại học Johns Hopkins. Trong khi đó, số ca nhiễm ở Mỹ hiện đã chiếm tới hơn 1/4 tổng số toàn cầu, còn châu Âu, Trung Đông và châu Phi chiếm khoảng 1/3.

Tuan Huynh – CIO khu vực châu Âu và châu Á tại Deutsche Bank Wealth Management, cho hay: "Châu Á và những khu vực cụ thể như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đã kiểm soát dịch bệnh khá tốt và chúng tôi đang chứng kiến hoạt động kinh tế hồi phục tương đối nhanh."

Bloomberg: Miễn nhiễm trước những rủi ro lớn trên toàn cầu, TTCK châu Á hồi phục mạnh mẽ, vượt trội so với phần còn lại của thế giới  - Ảnh 1.

TTCK châu Á vượt trội khi số ca nhiễm nCoV chiếm tỷ lệ thấp.

Ngoài ra, nhà đầu tư chỉ ra sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc cũng là yếu tố thúc đẩy TTCK châu Á tăng giá. Theo số liệu công bố hôm thứ Năm, GDP Trung Quốc tăng 3,2% trong quý II so với năm trước, trái ngược so với kết quả của quý trước và vượt dự báo của các nhà phân tích. Hơn nữa, theo Galy, sự hồi phục của nền kinh tế sẽ lan rộng ra khắp châu Á – Thái Bình Dương trong khoảng vài tháng.

Tuy nhiên, câu chuyện tích cực về châu Á cũng ẩn chứa một số rủi ro.

Đầu tiên, đó là số ca nhiễm ở Hồng Kông và Tokyo đang có dấu hiệu tăng trở lại, khiến các nhà hoạch định chính sách phải hoãn hoặc ngừng việc mở cửa lại hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, trường hợp nhiễm bệnh ở Ấn Độ đã vượt con số 1 triệu. Những diễn biến như vậy có thể cản trở đà hồi phục kinh tế và giảm bớt sự hứng khởi đối với TTCK khu vực.

Hơn nữa, tâm lý nhà đầu tư cũng có thể bị ảnh hưởng nếu dự báo lợi nhuận vẫn tiếp tục "tụt hậu" so với sự điều chỉnh tích cực của các doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu.

David Wong – chiến lược gia đầu tư tại Alliance Bernstei, nhận định: "Tôi sẽ không đồng tình rằng TTCK châu Á hiện có diễn biến tốt nhất. Nếu chúng ta rút ra được điều gì đó từ đại dịch, thì đó là TTCK không tương đương với nền kinh tế và lợi nhuận cũng không có mối tương quan với tăng trưởng GDP."

Trong khi đó, một số quỹ đầu tư vào chứng khoán châu Á lại chỉ ra yếu tố định giá hấp dẫn.

Sumit Mangal – quản lý quỹ châu Á (trừ Nhật Bản) tại Goldman Sachs Asset Management, cho hay: "Định giá tại TTCK châu Á rất hấp dẫn trong bối cảnh có cơ hội tăng trưởng dài hạn và khả năng lợi nhuận sẽ hồi phục vào năm sau. Chúng tôi có thể nhận thấy nhu cầu sẽ hồi phục mạnh mẽ."

Bloomberg: Miễn nhiễm trước những rủi ro lớn trên toàn cầu, TTCK châu Á hồi phục mạnh mẽ, vượt trội so với phần còn lại của thế giới  - Ảnh 2.

Ước tính ROE và hệ số P/B của các chỉ số cho thấy TTCK châu Á có định giá thấp hơn so với phương Tây trên khía cạnh hệ số lợi nhuận.

Số liệu do Bloomberg biên soạn dựa trên ước tính lợi nhuận trên vốn, cho thấy rằng định giá của các công ty châu Á thấp hơn so với châu Âu và Mỹ, ngay cả khi lợi nhuận tạo ra bằng tài sản của các công ty châu Á vẫn ở mức 2 con số.

Kể từ mức thấp hồi tháng 3, MSCI Asia Pacific đã tăng 35%. Tuy nhiên, theo dự báo của các nhà phân tích được Bloomberg khảo sát, chỉ số này vẫn có thể tăng khoảng 10% trong 1 năm tới. Trong khi TTCK châu Âu và Mỹ ước tính chỉ tăng khoảng 5%.

Khi đại dịch vẫn còn là một thách thức, nhà đầu tư trên toàn cầu cũng bắt đầu cân nhắc đến yếu tố rủi ro liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo John Vail - chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Nikko Asset Management Co., nhiều ý kiến dự đoán rằng đảng Dân chủ giành chiến thắng vẫn là yếu tố kìm hãm đà tăng của TTCK Mỹ và châu Âu, trong khi châu Á lại không chịu ảnh hưởng bởi sự kiện này.

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

NỔI BẬT TRANG CHỦ