• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bloomberg: Tự tin vào hệ thống y tế tốt, Nhật Bản đang chịu hậu quả từ làn sóng dịch Covid-19 thứ 2

Thời sự 02/08/2020 10:57

(Tổ Quốc) - "Chính quyền trung ương không có một chỉ dẫn cụ thể hay một chiến lược nào để đối phó dịch Covid-19, họ cũng không tạo áp lực gì lên chính quyền địa phương để chống dịch", Chuyên gia Haruka Sakamoto của trường đại học Tokyo ngán ngẩm nói.

Việc Nhật Bản mở cửa lại nền kinh tế quá sớm khi số người nhiễm bệnh chưa giảm cũng như tự tin thái quá vào cơ sở hạ tầng y tế đã khiến họ phải lãnh hậu quả với làn sóng Covid-19 thứ 2 trở lại.

Trong làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên, Nhật Bản đã khiến thế giới phải ngạc nhiên khi không cách ly cả nước, không buộc tất cả loại hình kinh doanh đóng cửa cũng như hạn chế việc xét nghiệm. Thế nhưng, quốc gia này lại khống chế dần được dịch bệnh nhờ văn hóa thích sạch sẽ, ưa đeo khẩu trang cũng như ý thức giữ gìn vệ sinh cộng đồng của người dân.

Thế nhưng giờ đây, Nhật Bản lại đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần 2 khi số ca nhiễm bệnh ngày một tăng. Những tụ điểm nhiễm bệnh tại các thành phố giờ lan sang vùng quê, trong khi những khu vực không có ca nhiễm nhiều tháng nay lại đang trở thành điểm nóng.

Tồi tệ hơn, với cấu trúc dân số thuộc hàng già nhất thế giới, Nhật Bản đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng tỷ lệ thiệt mạng do dịch Covid-19 gây ra.

Bloomberg: Tự tin vào hệ thống y tế tốt, Nhật Bản đang chịu hậu quả từ làn sóng dịch COvid-19 thứ 2 - Ảnh 1.

Số ca nhiễm mới tăng vọt tại Nhật thời gian gần đây

Mở cửa quá sớm

Theo hãng tin Bloomberg, việc Nhật Bản mở cửa nền kinh tế trở lại quá sớm đã tạo nên những nguy hiểm tiềm tàng. Trong đợt dịch đầu tiên, chính quyền Tokyo không hề bắt buộc người dân phải ở nhà hay các hoạt động kinh doanh phải hạn chế. Tất cả chỉ dừng lại ở khuyến nghị và ý thức cộng đồng.

Đến cuối tháng 5/2020, khi số người nhiễm bệnh mới chưa chấm dứt, Nhật Bản đã nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế trước nỗi lo sợ về một đợt suy thoái mới. Vào tháng 6/2020, hàng loạt nhà hàng, quán bar đã mở cửa trở lại. Những hoạt động lễ hội, thể thao được diễn ra công khai chứ không hề hạn chế hay cẩn trọng như những nước Châu Á khác, ví dụ như Singapore.

"Đây là hậu quả của việc chính phủ ưu tiên kinh tế khi cho phép người dân đi lại dù chưa kiểm soát được dịch bệnh", Giáo sư Yoshihito Niki của trường đại học Showa nhấn mạnh.

Động thái của Nhật Bản đi ngược lại với rất nhiều nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong khi Việt Nam, Australia, Thái Lan hay Singapore rất cẩn trọng trong việc mở cửa lại nền kinh tế thì Nhật Bản có vẻ quá nóng vội.

Hầu hết các chuyên gia y tế đều cho rằng chính quyền Tokyo đã nới lỏng lệnh giãn cách quá sớm khi số ca nhiễm mới còn chưa chấm dứt. Hệ quả là khi dịch bệnh bùng phát trở lại, các quan chức đang vô cùng bối rối giữa việc tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế hay tập trung chống dịch.

Bloomberg: Tự tin vào hệ thống y tế tốt, Nhật Bản đang chịu hậu quả từ làn sóng dịch COvid-19 thứ 2 - Ảnh 2.

"Chính phủ nên có một chiến lược bài bản để ngăn sự lây lan của dịch bệnh. Cả Hong Kong và Australia đều hành động vô cùng nhanh chóng và cố gắng ngăn dịch sớm nhất có thể. Họ mở rộng số lượng người xét nghiệm, đồng thời giãn cách xã hội một cách triệt để bao gồm cách ly bắt buộc. Nhật Bản chỉ đang khiến tình hình tệ hơn khi chờ đợi và xem xét mà chẳng hành động", Giáo sư Kenji Shibuya của trường đại học King’s College London, đồng thời là cựu giám đốc chính sách y tế của Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhận định.

Mặc dù người dân Nhật Bản có ý thức đeo khẩu trang nhưng việc này vẫn không tránh được sự tiếp xúc khi ăn uống hoặc giao lưu, nhất là khi các hoạt động kinh doanh không hề bị buộc đóng cửa.

Trái ngược với New Zealand hay Việt Nam khi giới hạn triệt để việc tiếp xúc xã hội qua lệnh cách ly bắt buộc, Nhật Bản hầu như không có động thái gây áp lực nào cho các ngành nghề kinh doanh trong mùa dịch.

Thậm chí, thông điệp mà chính phủ truyền tới người dân cũng rất mâu thuẫn. Trong khi chính phủ khuyến khích người dân đi du lịch thúc đẩy kinh tế thì chính quyền địa phương lại khuyến cáo người dân ở nhà nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

Tự tin vì tiềm lực y tế

Một nguyên nhân nữa khiến Nhật Bản khá chủ quan là tỷ lệ người thiệt mạng vì dịch Covid-19 khá thấp. Trong số 37.778 người nhiễm bệnh, chỉ có 1.008 ca thiệt mạng và hơn 25.000 trường hợp hồi phục.

Với hệ thống y tế cực kỳ phát triển, bệnh viện Nhật Bản chưa phải chứng kiến cảnh tượng quá tải ngay trong cả đợt dịch đầu tiên. Hiện nay quốc gia này có chưa đến 100 ca nhiễm phải chăm sóc đặc biệt.

Bloomberg: Tự tin vào hệ thống y tế tốt, Nhật Bản đang chịu hậu quả từ làn sóng dịch COvid-19 thứ 2 - Ảnh 3.

Cơ sở hạ tầng y tế tốt khiến chính phủ Nhật Bản khá tự tin khi chống dịch Covid-19. Tuy nhiên theo hãng tin Bloomberg, yếu tố này chỉ giúp chữa bệnh chứ không ngăn chặn được đà lây lan của dịch Covid-19.

"Bệnh viện có thể chữa trị cho người nhiễm bệnh, nhưng chính phủ và các biện pháo giãn cách mới ngắn dịch bệnh lan rộng", Giáo sư Koji Wada của trường đại học quốc tế IUHW tại thủ đô Tokyo nói.

Hiện nay, sự tự tin và nỗi lo sợ dịch bệnh đang tạo nên xung đột trong các chiến lược của Nhật Bản. Chiến dịch "Go to Travel" của nước này đã bị nhiều người đề nghị tạm hoãn nhưng vẫn được các nhà lãnh đạo thông qua.

Hệ quả là giờ đây nhiều người dân miền quê Nhật Bản tức giận với chiến dịch này do lo ngại sẽ làm lây nhiễm thêm dịch bệnh từ thành phố và các điểm nóng. Thậm chí, chính quyền địa phương của thủ đô Tokyo đã rút khỏi chiến dịch này vào phút cuối do lo ngại lây nhiễm dịch Covid-19.

Trong tháng 8/2020, Nhật Bản sẽ diễn ra nhiều lễ hội và các chuyên gia đang lo ngại số người nhiễm mới tại nước này sẽ tăng mạnh nếu chính phủ không có các biện pháp đối phó.

"Chính quyền trung ương không có một chỉ dẫn cụ thể hay một chiến lược nào để đối phó dịch Covid-19, họ cũng không tạo áp lực gì lên chính quyền địa phương để chống dịch", Chuyên gia Haruka Sakamoto của trường đại học Tokyo ngán ngẩm nói.

AB

NỔI BẬT TRANG CHỦ