(Tổ Quốc) - Ngày 22/3, đại diện Cục Xuất Nhập Cảnh-Bộ Công an cho biết, trong kỳ họp Quốc hội gần nhất Bộ sẽ đề xuất liên quan đến chính sách nới visa để nhằm thu hút khách quốc tế.
Tạo chính sách visa vượt trội trong phạm vi kiểm soát
Sáng 22/3 tại Hà Nội, diễn ra buổi Tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế" với sự tham dự của những chuyên gia hàng đầu, đại diện các doanh nghiệp lớn hoạt động trong ngành du lịch và lãnh đạo Cục Xuất Nhập Cảnh, Bộ Công an...
Tại buổi Tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, "chúng ta phải làm cái gì để các nước khác đến học, ví dụ như câu chuyện visa, hiện nay theo tôi được biết là miễn visa theo nguyên tắc đối đẳng, nếu họ miễn thì mình miễn lại, như vậy đó là chuyện bình thường... Hãy chủ động đơn phương miễn thị thực 30 ngày cho các nước không miễn cho mình trước, sau đó họ thấy tốt sẽ quay lại miễn cho công dân nước mình, có thể đây sẽ là chính sách vượt trội trong phạm vi kiểm soát".
Tại tọa đàm, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhắc lại kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ngày 15/3 rằng: "Du lịch không thể làm một mình", vì vậy ông Siêu cho rằng ngành du lịch cần sự chung tay của tất cả các bên.
Visa là điều kiện cần nhưng chưa đủ để phát triển du lịch. Việt Nam là điểm đến nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn.
"Những tháo gỡ về visa, quy trình thủ tục hay sự liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý sẽ là những bước tiến giúp phát triển du lịch trong thời gian tới", Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Mở cánh cửa visa để thu hút khách quốc tế ngay trong năm 2023
Trước những phân tích thẳng thắn của các chuyên gia liên quan đến câu chuyện visa, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Cục phó Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an cho biết, sau khi đánh giá và tiếp nhận các ý kiến góp ý, đề xuất của các Bộ, ban, ngành, ngày 14/3, Bộ đã đăng tải và lấy ý kiến rộng rãi cho Luật xuất nhập cảnh cho người nước ngoài sửa đổi, trong đó có nhấn mạnh đến việc sửa đổi chính sách thị thực.
Đáng chú ý, theo Đại tá Đặng Tuấn Việt, Luật sửa đổi này có 3 điểm đáng chú ý và là bước đột phá về cởi mở chính sách thị thực đơn phương, thị thực điện tử.
Cụ thể, Bộ đã đề xuất mở rộng tối đa các nước cấp thị thực điện tử, hiện nay Việt Nam đang cấp cho 80 quốc gia theo hình thức này.
Chính sách thứ 2 được ông Đặng Tuấn Việt nêu ra đó là Bộ đề xuất nâng thời hạn cấp visa điện tử từ 30 lên 90 ngày, và sẽ có giá trị xuất nhập cảnh nhiều lần, phục vụ cả mục đích kinh doanh và đi các tour kết nối.
Chính sách thứ 3 là nới thời hạn tạm trú cho người nước ngoài từ 15 ngày lên đến 30 ngày với các trường hợp công dân các nước được cấp thị thực đơn phương.
Tuy nhiên theo Đại tá Đặng Tuấn Việt, việc sửa đổi Luật sẽ phải trải qua nhiều bước, nhiều quy trình khác nhau nên dù được thông qua, có thể hết năm 2023 cũng chưa thể áp dụng được vào thực tế và ngành du lịch phải chờ quá lâu, lỡ mất cơ hội thu hút khách, vì vậy Bộ Công an đã lường trước được việc này và đã xây dựng và tách riêng các chính sách liên quan đến visa trình Quốc hội trong kỳ họp sớm nhất để ra nghị quyết và áp dụng sớm vào thực tế.
"Nếu Quốc hội thông qua nghị quyết, Chính phủ sẽ có căn cứ để chỉ đạo và đưa ra các quyết sách sớm về chính sách visa một cách hợp lý, phù hợp với thực tiễn, giúp thu hút khách quốc tế", ông Đặng Tuấn Việt nhấn mạnh.
Để chuyển đổi số và nâng cao năng lực tiếp nhận khách du lịch qua các cửa khẩu, đại diện Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an cũng cho biết, "Bộ đang triển khai hệ thống cổng kiểm soát tự động ở các cửa khẩu, với các cổng này, khi khách quốc tế đến sẽ không cần làm việc trực tiếp với cán bộ kiểm soát, chỉ cần quẹt hộ chiếu là có thể đi qua".