(Tổ Quốc) - Việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có văn bản đề nghị “loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã” thể hiện sự chia sẻ về mặt quan điểm với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là một việc làm được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như các tăng ni, Phật tử ủng hộ.
Trước thực trạng đốt vàng mã tràn lan, lãng phí, những năm gần đây, Bộ VHTTDL cũng đã ban hành các công văn gửi các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền vận động việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có văn bản đề nghị “loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã” thể hiện sự chia sẻ về mặt quan điểm với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là một việc làm được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như các tăng ni, Phật tử ủng hộ.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Bình- Chánh Văn phòng- Người Phát ngôn Bộ VHTTDL về vấn đề này
+Thưa ông, việc sử dụng nhiều đồ vàng mã gây tốn kém, lãng phí đã được bàn tới rất nhiều lần. Các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ VHTTDL để quản lý vấn đề này cũng đã được ban hành từ nhiều năm nay. Ông có thể cho biết quan điểm của Bộ VHTTDL về việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ban hành văn bản khuyến khích các Tự viện tuyên truyền Phật tử và người dân không đốt vàng mã?
- Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt và được coi như một phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm. Đây cũng là một cách thức để con người bày tỏ hiếu lễ đối với tổ tiên và thần linh. Ngoài ra, việc làm vàng mã cũng được xem như một nghề truyền thống, đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người dân.
Ông Nguyễn Thái Bình: Cần sự chung sức của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là từ các phương tiện truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi trong việc đốt vàng mã |
Tuy nhiên, việc đốt nhiều vàng mã trong thời gian gần đây đã gây những tác hại nhất định, đặc biệt là việc đốt quá nhiều. Thứ nhất, việc đốt vàng mã đã tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc, có hiếu nhiều hơn so với những người khác. Thứ hai, việc đốt vàng mã tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan. Nhiều hình thức mê tín khác nhau lợi dụng vàng mã để làm lợi cho người bán vàng mã, người xem bói hay những người hành nghề mê tín dị đoan khác. Thứ ba, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường ở các khu di tích; dễ gây cháy nổ ở các nơi đốt vàng mã. Thứ tư, việc dùng tiền để mua vàng mã quá nhiều đã gây ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Những năm gần đây, Bộ VHTTDL đã ban hành các công văn gửi các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền vận động việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng vừa có văn bản đề nghị “loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã” thể hiện sự chia sẻ về mặt quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và là một việc làm được nhiều tăng ni, Phật tử ủng hộ.
+ Đã có những quy định về việc không được đốt đồ mã nơi công cộng, nhưng thực tế cho thấy không có xử phạt. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
- Để hạn chế tình trạng đốt vàng mã của người dân, tại Điểm c, khoản 1, Điều 18, Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/7/2010 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá đã quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác”; Thông tư 4/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch “Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” nêu rõ: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang” (điểm e, khoản 1, Điều 10) và khuyến khích “Không rắc vàng mã trên đường đưa tang” (điểm đ, khoản 3, Điều 10); Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2015 về Qui định về tổ chức lễ hội…
Bộ VHTTDL sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nếp sống văn minh lễ hội (ảnh Dân Việt) |
Theo quy định tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, thực hành nghi lễ tín ngưỡng. Vì vậy, việc vận động này không chỉ phụ thuộc vào việc ban hành các văn bản pháp quy mà còn phụ thuộc vào nhận thức của người thực hành tín ngưỡng. Để thay đổi thói quen cần có sự vận động, thuyết phục người dân tự nguyện làm theo. Ngoài ra, cần có thời gian, sự chung sức của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là từ các phương tiện truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của mình.
+ Trong mùa lễ hội năm nay, theo ông cần hình thức nào để ngăn chặn quyết liệt vấn đề đốt vàng mã tràn lan?
- Để thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện các thể chế luật pháp - chính sách, nâng cao hiệu quả thực thi các văn bản với sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương.
Hai là, tuyên truyền rộng rãi, với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc tổ chức, quản lý và trực tiếp tham gia lễ hội.
Ba là, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra; kết nối thông tin thường xuyên, liên tục với các địa phương, đặc biệt là chính quyền tại các địa điểm có diễn ra lễ hội; theo sát những diễn biến trong thực tiễn để có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời.
Bốn là, đào tạo và nâng cao trình độ của những người làm công tác quản lý văn hóa các cấp. Ngành Văn hóa sẽ mở các lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ về quản lý văn hóa ở cơ sở; trong đó nhấn mạnh việc tổ chức và quản lý một hiện tượng văn hóa có nhiều mục đích, huy động nguồn lực trong dân, phối hợp với các cấp, các ngành vì mục tiêu chung là phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội một cách đồng bộ.
Chúng tôi hi vọng và tin tưởng, với sự quyết tâm, sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, những thói quen không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay sẽ thay đổi theo hướng tích cực, lành mạnh.
+ Xin cảm ơn ông!