• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ GD&ĐT cắt giảm gần 50% điều kiện kinh doanh

Giáo dục 15/05/2018 16:39

(Tổ Quốc) -Sáng nay, 15/05, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Ở thời điểm hiện tại, tổng số điều kiện kinh doanh của Bộ GD&ĐT là 212. Nhằm thực hiện chính xác trong số đó, Bộ GD&ĐT đề nghị bãi bỏ 81 điều kiện, đơn giản hóa 29 điều kiện. Theo đó, nhiều điều kiện kinh doanh trong 2 Nghị định số 73/2012/NĐ-CP và Nghị định số 46/2017/NĐ-CP sẽ được cắt giảm, đơn giản hoá.

Cụ thể, với Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GD&ĐT đề xuất cắt giảm 72 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 22 điều kiện kinh doanh. Trong đó, bãi bỏ các điều kiện về đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm ngoại ngữ, tin học "phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương". 

Bộ GD&ĐT cắt giảm gần 50% điều kiện kinh doanh (Ảnh: Kinh doanh và Tiếp thị)

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị bỏ điều kiện hoạt động là “có quyết định về việc thành lập hoặc cho phép thành lập trường”. Theo đại diện Bộ GD&ĐT cho biết bỏ điều kiện hoạt động này là bởi việc có quyết định thành lập hay không thì cơ quan cấp phép hoạt động phải biết. Đồng thời, bỏ quy định các trường phải có “có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lí về cơ cấu”. Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên chỉ cần đạt tiêu chuẩn và bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục là đủ.

Bộ GD&ĐT đề nghị bỏ điều kiện “có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục” vì quy định chung chung, hình thức, không có tiêu chí xác định rõ.

Riêng với giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT đề nghị bỏ quy định “Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển”…

Với điều kiện để trường trung học hoạt động, bỏ quy định “có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học”. Lí do là vì không cần thiết, nhà trường bắt buộc phải thực hiện theo chương trình do Bộ ban hành.

Với trung tâm tin học, ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT bỏ điều kiện “số lượng giáo viên phải bảo đảm tỷ lệ trung bình không quá 25 học viên/1 giáo viên/ca học”, và có “phòng làm việc cho bộ máy hành chính theo cơ cấu tổ chức của trung tâm để phục vụ công tác quản lí, đào tạo”, “có thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động khoa học công nghệ”. Theo Bộ, nên để nhà đầu tư có quyền chủ động trong việc quyết định quy mô, tính chất đầu tư trên những quy định tối thiểu.

Về điều kiện để trường đại học hoạt động đào tạo, Bộ GD&ĐT bỏ điều kiện “đất đai”, “cơ sở vật chất, thiết bị”, địa điểm xây dựng trường vì đã được quy định trong điều kiện thành lập trường. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị bỏ điều kiện đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, “đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu” vì không cần thiết.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng có nhiều chính sách ưu đãi đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu nước ngoài. Cụ thể,  với Nghị định số 73/2012/NĐ-CP về cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ GD&ĐT đề nghị đơn giản hóa 7 điều kiện kinh doanh và cắt giảm 9 điều kiện kinh doanh. Theo đó, Bộ GD&Đ đề nghị bỏ quy định dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có suất đầu tư ít nhất là 150 triệu đồng/sinh viên.

Bộ GD&ĐT cũng bỏ quy định “cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đăng kí hoạt động từ 20 năm trở lên tại Việt Nam phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục và phải được UBND cấp tỉnh đồng ý về việc giao đất hoặc cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất”.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT không quy định điều kiện về 5 năm kinh nghiệm đối với giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại cơ sở đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Đồng thời, đề xuất không quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư riêng đối với từng loại hình cơ sở giáo dục; không quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư mở phân hiệu của cơ sở giáo dục…

Phát biểu tại buổi Hội thảo, Luật sư/ Giám đốc pháp chế Nguyễn Kim Dung cho rằng: "Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thực sự là mong mỏi của các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đề nghị Bộ Giáo dục xem xét đơn giản hóa thủ tục cấp phép".

Theo bà Dung, mục tiêu của việc cắt giảm là để tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, cắt giảm điều kiện kinh doanh mà không cắt giảm thủ tục kinh doanh hành chính song hành thì hiệu quả sẽ không cao.

Đăng Huy (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ