• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ GDĐT: Đội ngũ giáo viên cấp THCS và THPT chưa bảo đảm cơ cấu môn học

Giáo dục 11/11/2020 16:37

(Tổ Quốc) - Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, cả nước hiện còn thiếu gần 72.000 giáo viên mầm non và phổ thông. Trong đó, cấp mầm non thiếu hơn 45.000 người, cấp tiểu học thiếu hơn 12.000 giáo viên, cấp trung học phổ thông thiếu gần 10.000 giáo viên, còn lại là cấp trung học cơ sở.

Theo nhận định của Bộ GDĐT, đội ngũ giáo viên cấp THCS và THPT chưa bảo đảm cơ cấu môn học. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm ở tất cả các cấp học. Công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ giáo viên ở nhiều địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến tình trạng bị động khi bố trí số lượng giáo viên.

Một bộ phận giáo viên nhận thức về chuẩn nghề nghiệp còn hạn chế, chưa thực sự có ý thức giữ gìn đạo đức nhà giáo, thiếu phương pháp sư phạm, thiếu kinh nghiệm ứng xử trong khi áp lực công việc ngày càng lớn dẫn tới những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.

Bộ GDĐT: Đội ngũ giáo viên cấp THCS và THPT chưa bảo đảm cơ cấu môn học - Ảnh 1.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm (ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Trong 2 năm học vừa qua, tổng số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có xu hướng giảm rõ rệt. Trong đó cơ sở giáo dục mầm non giảm 0,44%, tiểu học giảm 6,17%, trung học cơ sở giảm 0,67%, riêng trung học phổ thông tăng 1,1%. Số lượng giảm tập trung ở hệ thống cơ sở giáo dục công lập, trong khi đó hệ thống giáo dục ngoài công lập lại có xu hướng gia tăng, đặc biệt là cấp tiểu học và THCS.

Năm học 2019-2020, Bộ GDĐT đã hướng dẫn các địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đảm bảo hiệu quả theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, khảo sát, đánh giá thực trạng về quy mô, cơ sở vật chất trường, lớp học để thực hiện dồn dịch điểm trường lẻ, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, các trung tâm giáo dục thường xuyên gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn cần có lộ trình sắp xếp điểm trường, lớp hợp lý. Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục phải được thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Các địa phương đã thực hiện việc sắp xếp lại hệ thống trường, lớp học tạo nên một diện mạo mới, tinh gọn và hiệu quả hơn. Hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập được thành lập giúp giảm áp lực cho các địa phương có nhu cầu cao về trường, lớp, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đã triển khai các chính sách ưu đãi đất đai, thuế, tín dụng... để hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực của xã hội nhằm phát triển giáo dục và đào tạo.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ