• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ GDĐT: Kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi, tăng thu nhập cho giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo

Giáo dục 15/08/2023 19:07

(Tổ Quốc) - Bộ GDĐT sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tăng thu nhập cho giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Đặc biệt là chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, để những đổi mới của ngành đang làm không làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Nhìn nhận rõ vai trò, vị trí của nhà giáo trong thực hiện đổi mới giáo dục

Chương trình GDPT 2018 triển khai tới nay là năm thứ 4. "Chương trình GDPT 2018 là cơ hội lớn, việc đưa Chương trình vào triển khai thực tế là cơ hội của ngành", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh điều này tại sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục" sáng ngày 15/8.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Chương trình GDPT 2018 được đánh giá là mới, hiện đại, là chỗ dựa cho thay đổi giáo dục, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực. Thực hiện thành công chương trình mới, giáo dục sẽ bước sang một chương mới, một nền giáo dục thay đổi về chất.

Trong quá trình triển khai chương trình mới, nhà giáo chính là khâu then chốt để thực hiện thành công, chính vì vậy, lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới, đổi mới trong phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. "Cần tiến hành từng bước, sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới", Bộ trưởng đưa ra nhận định.

Ông Sơn cũng cho rằng, nhà giáo cần ý thức được việc thay đổi vai trò, vị trí của mình từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh để học sinh tự hình thành năng lực, tự tích lũy kiến thức.

Một thay đổi lớn trong chương trình GDPT 2018 chính là thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa. Trong đó, Chương trình là thống nhất toàn quốc, là yêu cầu, sách giáo khoa là học liệu và giáo viên cần linh hoạt, chủ động khi sử dụng các nguồn học liệu để dạy học.

Nhấn mạnh vai trò của Hiệu trưởng trong công cuộc đổi mới, Bộ trưởng khẳng định, vai trò của người đứng đầu trường phổ thông là rất quan trọng bởi đây là người chỉ huy, người chủ đạo trong việc đổi mới trong một cơ sở giáo dục. Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ở ngôi trường đó đổi mới được. Nếu các hiệu trưởng không thay đổi thì sự thay đổi của các giáo viên sẽ rất khó khăn và có thể dẫn tới sụp đổ.

Trong sự đổi mới, muốn có một trường học hạnh phúc, vai trò của mỗi giáo viên được phát huy thì vai trò của hiệu trưởng rất quan trọng. "Hiệu trưởng không phải là một ông quan trong một cơ sở giáo dục, đó là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp", Bộ trưởng bày tỏ mong muốn và nhắc lại "Triết lý của chương trình mới là tính mở, tính nhân văn, tính chủ động. Nếu tính nhân văn, tính chủ động đó không được phát huy ở đội ngũ hiệu trưởng, thì nhân văn, chủ động đó chỉ dừng ở cổng trường".

Sau 3-4 năm đổi mới, nếu giáo viên chưa thấy mình khác so với trước nghĩa là giáo dục chưa có cái mới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục

Rà soát chế độ chính sách, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên

Tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay có tới hơn 200 chính sách rải rác trong các văn bản khác nhau từ các Bộ, ngành, lượng chính sách lớn như vậy sẽ khó triển khai. Trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách về GDĐT, đặc biệt, việc xây dựng hoàn thiện Luật Nhà giáo trong thời gian tới có thể sẽ mang lại những chuyển biến tích cực về thể chế.

Bộ GDĐT sẽ tìm cách để khối giáo dục công- tư được bình đẳng trong thực tế, trước hết là đối đãi, ứng xử bình đẳng, phát huy hệ thống ngoài công lập để cùng chia sẻ, để xã hội được hưởng thụ giáo dục đa dạng hơn.

Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tăng thu nhập cho giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Đặc biệt là chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, để những đổi mới của ngành đang làm không làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Bộ GDĐT cũng đang gấp rút các công việc để điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên, nguồn tuyển cho tương lai, sửa đổi trong Thông tư 16 về định mức giáo viên/lớp và triển khai các công việc liên quan để phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, bao gồm cả chính sách thi đua khen thưởng, đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, phát triển hệ thống các trường sư phạm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng mong muốn các nhà giáo "kiên định ở con đường, mục tiêu đổi mới, những mục tiêu mang tính chiến lược của ngành"; "kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành với chúng ta"; "kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực; kiên quyết theo đuổi mục tiêu chiến lược phát triển con người"; "kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt, dẫu khó khăn đến đâu cũng kiên trinh với nghề giáo".

Trích dẫn câu nói "thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới", Bộ trưởng khẳng định lại quyết tâm, "hiện giờ chúng ta đang muốn thay đổi thế giới, điều trước tiên là phải làm cho các thầy cô giáo hạnh phúc, nhưng hạnh phúc trước hết từ ta, do chúng ta. Chúng ta cần bước ngay vào hành trình cùng làm cho chúng ta hạnh phúc; trường học với các học trò thân yêu của chúng ta và hạnh phúc của chúng ta đang chờ ở nơi đó".

V.Khánh

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ