(Tổ Quốc) - Sáng 28/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết năm học 2020-2021 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Đề nghị tiêm vắc-xin cho học sinh ở độ tuổi phù hợp với các quy định
Tại Hội nghị, để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 của ngành Giáo dục, Bộ GDĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Y tế có giải pháp để sớm thực hiện việc tiêm vắc xin cho học sinh, trước mắt là học sinh trung học phổ thông.
Bộ GDĐT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí để ngành Giáo dục thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học.
Trước mắt, tập trung xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho học sinh phổ thông cả nước; tập huấn giáo viên về kĩ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học.
Đồng thời, Bộ GDĐT đề nghị Chính phủ xem xét các phương án miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022.
Chính phủ quan tâm, xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên đảm bảo các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên; không áp dụng quy định giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, tổ chức thực hiện việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116 của Chính phủ.
Cùng đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương khi phân bổ ngân sách giai đoạn 2021-2025 cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm theo Luật Giáo dục 2019; chỉ đạo các địa phương bố trí ngân sách phát triển giáo dục tại địa phương, đảm bảo tỉ lệ chi chuyên môn tối thiểu 18% trong tổng chi thường xuyên theo Quyết định 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, bước vào năm học 2021-2022, tỉnh Gia Lai đã xây dựng 7 kế hoạch trọng tâm cho ngành GDĐT. Phó Chủ tịch cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị như: Xây dựng chương trình vắc xin học đường để học sinh sớm được tiếp cận, được đến trường an toàn; Cần quan tâm, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên…
Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, do tình hình dịch Covid-19, năm học 2021-2022 tại TP.HCM không thể bắt đầu theo hình thức trực tiếp. TP. chỉ đạo tăng cường xây dựng kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với thực tế và chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho việc học trực tuyến hết học kỳ I. Đồng thời, chỉ đạo tiêm vắc-xin đầy đủ cho giáo viên khi trường học tái mở cửa. Tiến hành tiêm vắc-xin cho học sinh ở độ tuổi phù hợp với các quy định của ngành Y tế.
Thủ tướng giao Bộ GDĐT và Bộ Y tế xem xét việc tiêm vắc xin cho học sinh
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Chính phủ sẽ có giải pháp cho năm học mới, đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin", trong đó có vắc xin cho trẻ em, để trường học hoạt động trở lại bình thường, là mong ước của học sinh, sinh viên, giáo viên, cha mẹ học sinh, nhà trường.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ GDĐT triển khai tiêm vắc xin cho trẻ trẻ em. Bộ Y tế căn cứ vào khoa học, quy định độ tuổi tiêm các loại vắc xin để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vắc xin cho phù hợp. Trên cơ sở nghiên cứu vắc xin nào được nhiều nước sử dụng tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên thì thời gian tới trong nhập khẩu vắc xin về sẽ dành vắc xin đó để tiêm cho trẻ em.
"Học sinh lứa tuổi từ 12 trở lên có thể trở lại trường học bình thường nếu được tiêm đủ vắc xin. Với trẻ dưới 12 tuổi, chúng ta sẽ sớm tiếp cận các quốc gia đang nghiên cứu vắc xin và thuốc chữa bệnh để giải quyết vấn đề này, làm việc sớm với các hãng và thúc đẩy nghiên cứu trong nước để trong thời gian tới có loại vắc xin phòng chống dịch cho các cháu", Thủ tướng cho hay.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm cho các cháu. Học sinh tiêm đủ 2 mũi có thể quay trở lại trường học bình thường kèm theo một số biện pháp phòng chống khác như một số nước đang làm.
"Cùng với tiêm vắc xin cũng cần đảm bảo các biện pháp chống dịch khác để học sinh trở lại trường học bình thường và an toàn", Thủ tướng lưu ý.
Đối với các địa phương không có dịch, vùng giáp ranh, chủ động phương án quay lại trường học, đồng thời có các biện pháp kiểm soát, sàng lọc và đảm bảo mỗi trường có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Thủ tướng nhấn mạnh: "dù đã có vắc xin và các biện pháp phòng chống nhưng chúng ta cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cũng không được thỏa mãn với những gì chúng ta đã làm được".
Đối với những vùng đỏ, vùng vàng, những vùng dịch đang diễn biến phức tạp, trước mắt học sinh vẫn phải học trực tuyến, Thủ tướng lưu ý Bộ GDĐT cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Lãnh đạo địa phương cần hết sức lưu tâm, dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập để không ai bị bỏ lại phía sau, không để học sinh thất học.