• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ GDĐT lên tiếng về điểm chuẩn đại học tăng đột biến

Giáo dục 17/09/2021 22:32

(Tổ Quốc) - Năm nay, điểm chuẩn xét tuyển đại học tăng cao đột biến ở một số ngành học, khối học. Lý giải về hiện tượng này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng có 3 nguyên nhân chính.

Năm nay, điểm chuẩn xét tuyển đại học tăng cao đột biến ở một số ngành học, khối học. Lý giải về hiện tượng này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn cho rằng có 3 nguyên nhân chính.

Tuyển sinh đại học những năm tới: Không làm tăng áp lực cho thí sinh - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn

Thứ nhất, số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng 11% so với năm 2020, từ 900.000 lên 1.020.000. Có thể do các em không du học nước ngoài, hoặc do xu hướng lựa chọn ngành nghề, chọn học đại học… dẫn đến số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ tăng 152.000 (từ 643.000 lên 795.000 thí sinh, tăng 24% so với 2020). Trong khi số chỉ tiêu chỉ tăng 10.000, chỉ tiêu xét theo kết quả thi THPT giữ ổn định. Số đã xác nhận nhập học theo phương thức xét tuyển khác chỉ tăng 17.000. Điều này dẫn đến điểm chuẩn một số trường tăng vọt. 

Trong khi điểm chuẩn của các trường tốp trên có tăng nhưng không đáng kể, số thí sinh còn lại sẽ tập trung vào các trường, ngành tốp giữa. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đây là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng điểm chuẩn ở các trường, nhóm ngành tốp giữa bứt phá mạnh. 

"Tỉ lệ thí sinh đăng ký trên chỉ tiêu tăng như thế thì việc tăng điểm chuẩn là bình thường", Thứ trưởng nhận định.

Nguyên nhân thứ hai, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, là do tác động của xu hướng chọn ngành. Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, những ngành, nhóm ngành tăng nhiều (từ 5 điểm trở lên) thuộc về khối ngành Kỹ thuật và Công nghệ (với 70 mã ngành tăng); sau đó đến nhóm ngành Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên (với 64 mã ngành tăng). Hai nhóm ngành này đã chiếm một nửa số ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên so với năm ngoái. Sau đó mới tới các nhóm ngành/khối Kinh doanh Quản lý (42 mã ngành tăng), Xã hội nhân văn (32 mã ngành tăng), Pháp luật (10 mã ngành tăng)...

"Xu hướng chọn ngành nghề được các em cân nhắc rất kỹ. Xu hướng chọn các ngành kỹ thuật - công nghệ và sư phạm... là điều rất đáng mừng", Thứ trưởng nói.

Nguyên nhân cuối cùng được Thứ trưởng lý giải là, khi phân tích phổ điểm thi năm nay cho thấy một số môn có kết quả cải thiện so với năm 2020, việc này góp phần vào việc tăng điểm chuẩn.

Trước thực tế có những thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học, Thứ trưởng cho rằng đây là điều đáng tiếc đối với các em nhưng các trường vẫn còn những phương thức xét tuyển khác để các em có cơ hội trúng tuyển vào trường.

Nói về công tác tuyển sinh trong những năm tới, Thứ trưởng cho biết, phụ thuộc điều kiện tình hình dịch bệnh, Bộ GDĐT sẽ có phương án để các trường đại học tăng quyền tự chủ, có thể tổ chức những kỳ thi liên kết với nhau để bổ sung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng sẽ làm nhẹ nhàng, đánh giá tốt được năng lực học sinh, làm sao các thí sinh không phải dự thi nhiều lần./.

Tình hình tuyển sinh và điểm chuẩn năm 2021

Tỉ lệ tuyển sinh/chỉ tiêu cao hơn hẳn so với 2020 ở tất cả các ngành. Số mã ngành tuyển sinh đạt từ 70% chỉ tiêu trở lên đạt trên 75%, tăng 9% so với 2020. Số ngành tuyển dưới 50% là 18%, giảm 9% so với 2020.

Điểm chuẩn: Các trường tốp trên tiếp tục có điểm chuẩn các ngành ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi các trường top giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh.

Trong đó, số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3259 mã ngành); Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 8%, trong đó tăng từ 9-11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1%; Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên (265): Riêng khối Kỹ thuật-Công nghệ (70) và Sư phạm (64) đã chiếm tới 50%, sau đó tới khối Kinh doanh &Quản lý (42), XHNV (32), Pháp luật (10).

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ