(Tổ Quốc) -Công nghệ thu phí không dừng (ETC) mang lại nhiều hiệu quả trong việc thu phí các dự án BOT, nhưng tới thời điểm này, vẫn còn nhiều trạm chưa cho triển khai.
Bộ Giao thông, vận tải khẳng định, nếu các nhà đầu tư BOT không áp dụng ETC sẽ cho dừng thu phí.
Thời hạn cuối: 30/10
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hiện tổng số trạm thu phí buộc phải lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí ETC theo quyết định của Bộ Giao thông, Vận tải là 29 trạm. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 22 trạm ký hợp đồng triển khai (trong đó mới có 10 trạm đi vào vận hành).
Hiện vẫn còn 7 trạm chưa ký hợp đồng dịch vụ như: Trạm Quán Hàu, Đông Hà (Trường Thịnh); Trạm Cam Tịnh; Trạm Cần Thơ, Trạm Tiền Giang, Trạm Bắc Giang và Lạng Sơn.
Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa, các nhà đầu tư BOT phải ký hoàn thành Hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp VETC trước ngày 15/7 để đơn vị này lắp đặt và triển khai trước 15/8 tới; Giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét dừng thu phí nếu các nhà đầu tư BOT không thực hiện.
Trạm thu phí Mỹ Lộc áp dụng công nghệ ETC. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Giao thông, vận tải |
Mới đây, tại cuộc họp với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải hoàn thành lắp đặt đến ngày 30/9 và ngày 15/10 sẽ thu phí thử, để ngày 30/10 tới vận hành thương mại chính thức.
Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, nếu các nhà đầu tư BOT không chấp thuận thời hạn trên thì sẽ bị dừng thu phí.
Ông Huyện nhấn mạnh, việc áp dụng thu phí không dừng nhằm đảm bảo công khai minh bạch và quyền lợi cho người tham gia giao thông, là chủ trương bắt buộc. Do vậy, các nhà đầu tư BOT phải quyết liệt triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng vì lợi ích của người dân.
Bộ Giao thông vận tải nhận định, lắp đặt trạm thu phí không dừng giúp giải quyết tránh ùn tắc, minh bạch công tác thu phí, người hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ này chính là lái xe vì mức phí không tăng, tiết kiệm được thời gian.
Ngoài ra, lượng thu phí đi qua trạm như thế nào sẽ được truyền về Ngân hàng và kiểm soát được luôn. Các cơ quan quản lý Nhà nước chống được thất thoát, tiêu cực.
Cần làm rõ chi phí cho công tác thu phí áp dụng ETC
Mặc dù những lợi ích được đưa ra và phương án “phạt” cũng đã treo rõ ràng nhưng dường như nhiều doanh nghiệp BOT vẫn cố tình “lờ” đi.
Một trong những nguyên nhân của việc này qua triển khai thực tế tại một số trạm thu phí, các nhà đầu tư BOT đề nghị được giữ lại khoảng 50% chi phí quản lý thu.
Với việc áp dụng thu phí không dừng, các nhà đầu tư BOT thiếu hụt nguồn thu từ giá dịch vụ thu phí, không đảm bảo khả năng thu hồi vốn.
Để giải quyết bài toán này, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị và đề xuất Chính phủ cho phép các nhà đầu tư được kéo dài thêm thời gian thu phí.
Bộ Giao thông vận tải cũng khuyến khích tất cả các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ ETC chứ không giao cho một đơn vị để tránh độc quyền.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng nhấn mạnh, áp dụng ETC phải thống nhất trên toàn quốc, làm sao mỗi xe chỉ cần dán một thẻ Etag là có thể yên tâm chạy trên mọi tuyến đường.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch, Đầu tư cho rằng, Bộ Giao thông, vận tải cần phải làm rõ về phương án tài chính của những dự án áp dụng ETC để làm cơ sở đàm phán với các nhà đầu tư BOT.
Cụ thể, đại diện Bộ Kế hoạch, Đầu tư e ngại, việc kéo dài thời gian thu phí khi các dự án BOT sau khi đã hoàn vốn để bổ sung nguồn thu cho dự án ETC cần được xem xét kỹ, không gây bức xúc cho xã hội, chủ phương tiện tham gia giao thông.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ Giao thông, vận tải làm rõ về mức chi phí cho công tác thu giá đối với việc sử dụng loại hình thu phí ETC…/.
Thái Tùng – Mạnh Hà