• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ Giao thông nói gì về vốn làm đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam chỉ có 26 tỷ đô la?

Thời sự 09/07/2019 20:02

(Tổ Quốc) - Ngày 9/7, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải thông tin về việc Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam trong đó có thông tin về việc vốn làm Đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam chỉ 26 tỷ USD, rẻ hơn 32 tỷ USD so với phương án Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng.

Trong thông cáo mới nhất được phát đi chiều tối 9/7, Bộ Giao thông, vận tải cho hay, để tránh hiểu lầm trong dư luận xã hội, Bộ Giao thông cho biết, từ năm 2017, Bộ này đã tổ chức rà soát các nghiên cứu trước đây về Dự án và tổ chức nghiên cứu cập nhật, bổ sung. 

Bộ Giao thông đã trực tiếp làm việc, có ý kiến chính thức bằng văn bản của 20/20 địa phương có dự án đi qua; lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về việc góp ý hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Cho đến thời điểm 05/01/2019, Bộ đã nhận được ý kiến của 9/10 bộ, ngành về cơ bản thống nhất với đề xuất hồ sơ của Bộ Giao thông, vận tải trình Thủ tướng.

tau-cao-toc-2616-1562655501

Tàu cao tốc. Ảnh minh họa: VnExpress

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về phạm vi, quy mô, phương án công nghệ...; căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về lập tổng mức đầu tư dự án. Tư vấn trong nước (với sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài) đã đề xuất tổng mức đầu tư dự án là 58,7 tỉ USD. 

Ngày 14/02/2018, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 1281/TTr-BGTVT trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo NCTKT Dự án.

Về phân kỳ và phân đoạn đầu tư, Bộ Giao thông cho hay, với tổng mức đầu tư rất lớn của dự án, phương án phân kỳ đầu tư bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu vận tải nhằm đảm bảo hiệu quả dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đã nghiên cứu khả năng huy động nguồn lực nhằm giảm áp nợ công của nền kinh tế. 

Theo đó có 02 phương án phân kỳ đầu tư: Giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành vào 2030 - 2032): Chuẩn bị đầu tư và tổ chức đầu tư xây dựng 2 đoạn (Hà Nội - Vinh và Nha Trang - thành phố Hồ Chí Minh). Cùng với quá trình đầu tư xây dựng là công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng thể chế để khai thác vào năm 2032.

Qua phân tích về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, hiệu quả đầu tư Dự án cũng như sự phù hợp với quy hoạch liên quan.

Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050): Tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang. Trong đó ưu tiên đoạn Vinh - Đà Nẵng để có thể khai thác vào năm 2040 và tiếp tục hoàn thành đoạn Đà Nẵng - Nha Trang vào năm 2050.

Kết quả nghiên cứu của Bộ Giao thông, vận tải cũng như ý kiến của Bộ Kế hoạch đầu tư liên quan đến quy mô, tổng mức đầu tư dự án... sẽ tiếp tục được Bộ Giao thông, vận tải có ý kiến, giải trình làm rõ trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước (tại văn bản số 3762/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 05/6/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng xem xét thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án) và thẩm tra của các cơ quan có liên quan trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Trong thông cáo, Bộ Giao thông, vận tải tiếp tục triển khai nghiên cứu, tham mưu và thực hiện các bước tiếp theo của Dự án một cách cẩn trọng, khách quan và tuân thủ đúng quy trình và các quy định của pháp luật hiện hành.


Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ